Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
“Vén mây” xin nhớ đừng “quên mưa”
Thứ hai: 06:03 ngày 03/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nói cho ông biết “gác lại” không có nghĩa là “quên đi” quá khứ đâu nhé!

Bàn Dân nè, thời gian gần đây qua theo dõi báo chí, truyền thông trong tháng 3.2023 vừa qua, tôi cảm thấy những hoạt động quan hệ, giao lưu giữa nước mình với nước Mỹ có vẻ như “tấp nập” quá chừng.

Bà Đại diện Thương mại Hoa Kỳ - quan chức cấp Bộ trưởng vừa kết thúc chuyến làm việc với Thủ tướng và 6 vị Bộ trưởng của Chính phủ ta; thì tới một đoàn 52 doanh nghiệp lớn cỡ “đại bàng” của nền kinh tế mạnh nhất thế giới do hai vị cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam dẫn đầu sang nước ta tìm cơ hội đầu tư; rồi mới hôm 29.3 thì Tổng thống Mỹ Joe Biden lại có cuộc điện đàm với người đứng đầu Đảng ta Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông làm “nhựt trình”, hay viết chuyện thời sự, ông cảm nhận thế nào về chuyện đó, vui lòng nói cho tôi biết với?

-Như ông đã biết rồi đó, năm 2023 này là tròn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, để đánh dấu một bước phát triển của quan hệ ngoại giao 10 năm đó, hai bên mới có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa những kết quả, thành tựu đã đạt được. Bàn Dân hiểu việc ấy là như thế, còn ông có điều gì hỏi thêm nữa không?

-Ý nghĩa của chuỗi sự kiện ấy thì tôi cũng hiểu được phần nào, tôi chỉ muốn nghe ông nói rõ thêm về cuộc điện đàm của vị lãnh đạo cao nhất nước mình với lại Tổng thống Hoa Kỳ đó mà.

-Nội dung cuộc điện đàm ấy các báo đều có đăng tải. Chủ yếu là hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện hiệu quả quan hệ hai nước thời gian qua và nhất trí thúc đẩy, phát triển làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, hoà bình hợp tác, phát triển…

Trong cuộc điện đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau; hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khắc nghiệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”… Về phía Hoa Kỳ, Tổng thống Joe Biden nhất trí với các ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

-Đấy, điều tôi tâm đắc nhất trong cuộc điện đàm của hai nhà lãnh đạo Việt - Mỹ là chỗ “theo tinh thần” mà Tổng Bí thư nhấn mạnh ấy. Còn đối với ông Joe Biden, tôi nhớ trong lần gặp nhau hồi 8 năm trước, tại buổi chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Hoa Kỳ, lúc ấy ông Joe Biden còn là Phó Tổng thống Mỹ, ông đã “lẩy” hai câu trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du để phát biểu chào mừng nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.

Bây giờ, qua nội dung phát biểu về tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khắc nghiệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” của Tổng Bí thư ta, chắc chắn Joe Biden càng “thấm sâu” hơn ý nghĩa của sự “tan sương”, “vén mây” mà ông đã mượn lời của cụ Nguyễn Du.

-Ông nhắc lại chuyện “lẩy Kiều” 8 năm trước để nói đến việc ông Joe Biden “nhất trí” với Tổng Bí thư ta trong cuộc điện đàm mới đây cũng có phần đúng. Nhưng nếu ông “lùi xa” hơn nữa, đến 50 năm trước sẽ thấy vị thế của nước ta hôm nay nâng lên đến mức nào!

-Ông nói gì xa đến “nửa thế kỷ” dữ vậy, tôi chưa hiểu?

-Vậy để Bàn Dân nhắc cho ông nhớ. 50 năm trước, một ngày đầu tháng 2 năm 1973, sau khi các bên liên quan trong chiến tranh Việt Nam ký kết “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” còn gọi là Hiệp định Paris ngày 27.1.1973, Tổng thống Hoa Kỳ Nixon lúc bấy giờ đã gửi Công hàm cho Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Phạm Văn Đồng.

Trong Công hàm có nêu “những nguyên tắc sẽ chỉ đạo của Hoa Kỳ về việc xây dựng lại sau chiến tranh ở Bắc Việt Nam”, cụ thể một trong những “nguyên tắc” đó là: “…những chương trình thích hợp cho sự đóng góp của Hoa Kỳ vào công cuộc xây dựng lại sau chiến tranh sẽ là khoảng 3,25 tỷ USD viện trợ không hoàn lại trong một thời gian 5 năm”. Thế rồi sau đó, không chỉ là 5 năm, mà đến nay đã 50 năm Hoa Kỳ vẫn không thực hiện “nguyên tắc” ấy.

Trong khi đó cũng sau “nửa thế kỷ” đất nước Việt Nam độc lập, hoà bình, đang phát triển lên một bước mới, đã là một nước đối tác bình đẳng với Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2022 đã là 109,3 tỷ USD, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra khắp thế giới năm 2022 là 371,85 tỷ USD.

Thế đấy, 50 năm trước, Hoa Kỳ đã không thực hiện nguyên tắc, thực chất là nghĩa vụ xây dựng lại nước Việt Nam (nơi mà họ đã trút xuống đất nước ta khối lượng bom đạn lớn hơn tất cả các cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20 cộng lại) dù chỉ khoảng 3 phần trăm khoản tiền họ mua hàng hoá của Việt Nam trong 1 năm 2022 vừa qua.

-Thôi mà, ông nhắc chi chuyện ấy, đã bảo là “gác lại quá khứ” cơ mà!                   

-Nói cho ông biết “gác lại” không có nghĩa là “quên đi” quá khứ đâu nhé!

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh