Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
10 bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch ở TPHCM
Chủ nhật: 09:54 ngày 31/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau nhiều tháng nỗ lực phòng chống với sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Y tế, Quân đội, Công an và các địa phương, đến nay dịch COVID-19 ở TPHCM đã cơ bản được kiểm soát, đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm.

Chiều ngày 30/10, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 trong đợt dịch lần thứ 4. Theo thống kê của Sở Y tế Thành phố, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch đã khiến hơn 430.000 người trên địa bàn bị nhiễm bệnh, trong đó có trên 16 nghìn ca tử vong.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội và để lại những bài học rất lớn cho ngành y tế. Phân tích của TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế chỉ ra, trong đợt bùng phát dịch vừa qua có những hạn chế nhất định trong công tác phòng, chống dịch.

Ngành y tế Thành phố đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh.

Lực lượng y tế đã phải đương đầu với nhiều áp lực trong cùng một thời điểm khi số lượng bệnh nhân quá đông, hệ thống y tế dự phòng chưa được đầu tư đúng mức, việc chăm sóc y tế còn nhiều hạn chế vào lúc đỉnh dịch.

Sau nhiều tháng nỗ lực phòng chống với sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Y tế, lực lượng quân y, công an và sự chung sức của nhiều địa phương, đến nay dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát. Toàn Thành phố chỉ còn khoảng 38.000 ca F0, trong đó số F0 đang điều trị tại bệnh viện tầng 2 và tầng 3 chiếm 30%, số F0 cách ly ở nhà 60%, số F0 cách ly ở cơ sở 10%.

Theo TS Vĩnh Châu, sau khi dịch tạm lắng, Sở Y tế bước đầu đã đúc kết các vấn đề liên quan trong cuộc chiến chống dịch và rút ra 10 bài học kinh nghiệm để giúp Thành phố chống dịch tốt hơn thời gian tới.

Một là, Thành phố đã thực hiện phương châm mỗi phường xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ. Trong đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện và phường, xã, thị trấn đóng vai trò quan trọng.

Hai là, xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh, cảnh báo dịch. Triển khai xét nghiệm theo hướng trọng tâm, sử dụng kỹ thuật PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên để dập dịch.

Vắc xin đang được xem là chìa khóa quan trọng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.

Ba là, cách ly F0 để ngăn chặn lây lan là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải cách ly tập trung, chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Phát triển các khu cách ly tập trung quy mô nhỏ gắn liền với địa bàn.

Bốn là, chiến lược chăm sóc F0 theo 2 trụ cột, dựa vào cộng đồng và điều trị tại bệnh viện. Phát triển các mô hình chăm sóc F0 tại nhà, bệnh viện 3 tầng.

Năm là, huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác phòng, chống dịch. Phối hợp Đông Tây y trong điều trị cho người bệnh. Mỗi quận huyện chủ động nhân lực, vật lực tại chỗ. Thành phố sẵn sàng chi viện khi các quận, huyện gặp khó khăn.

Sáu là, phát huy phối hợp với lực lượng công an, quân đội và ngành y.

Bảy là, củng cố và kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả y tế cơ sở, bổ sung chính sách phù hợp nhằm thu hút nhân lực cho trạm y tế phường, xã, thị trấn.

Tám là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, sàng lọc, thu thập dữ liệu về dịch bệnh.

Chín là, lấy vắc xin làm chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh.

Mười là, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng các công nghệ mới trong giám sát, dự báo dịch bệnh, chăm sóc và điều trị F0 ở các tầng.

Nguồn TPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh