Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo quy hoạch phát triển các khu cụm công nghiệp của toàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, huyện Gò Dầu là địa phương được quy hoạch có số lượng khu công nghiệp và diện tích đất cho các khu công nghiệp lớn nhất tỉnh.
Nói chuyện với các doanh nghiệp tại cuộc họp mặt được tổ chức ngày 25.3.2010, Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu -Dương Văn Thắng cho biết: Theo quy hoạch phát triển các khu cụm công nghiệp của toàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 (Quyết định 02 ngày 12.1.2008 của UBND tỉnh Tây Ninh) huyện Gò Dầu là địa phương được quy hoạch có số lượng khu công nghiệp và diện tích đất cho các khu công nghiệp lớn nhất tỉnh (không kể khu công nghiệp Trâm Vàng đang được thay đổi quy hoạch). Bao gồm 4 khu công nghiệp: Khu liên hợp Công nghiệp-Dịch vụ-Đô thị Phước Đông- Bời Lời (quy mô 3.000 ha); Khu Công nghiệp Hiệp Thạnh I (ấp Đá Hàng, quy mô 550 ha); Khu Công nghiệp Hiệp Thạnh (quy mô 200 ha) và Khu Công nghiệp Bàu Đồn (200 ha), với tổng diện tích chung 3.950 ha. Hiện nay huyện Gò Dầu cũng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Buổi đối thoại giữa UBND huyện Gò Dầu với các doanh nghiệp |
Lãnh đạo huyện Gò Dầu cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 167 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó có 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hằng năm, các doanh nghiệp đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của huyện. Cụ thể trong năm 2009, các doanh nghiệp đã đóng góp 38,89% trong tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện, chiếm hơn 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng và hơn 40% trong tổng giá trị thương mại-dịch vụ.
Từ năm 2007-2009, các doanh nghiệp đã đóng góp vào ngân sách huyện bình quân từ 18-28%. Việc thu hút vốn đầu tư trên địa bàn có bước chuyển biến tích cực. Tiến độ thực hiện các dự án được đẩy nhanh, Khu Công nghiệp Phước Đông-Bời Lời đã đền bù giải phóng mặt bằng; Khu tái định cư ấp 6, xã Bàu Đồn đã chi trả bồi thường cho dân; Khu Công nghiệp Hiệp Thạnh và các dự án riêng lẻ khác như: Công ty TNHH quốc tế Bằng Triển và Công ty TNHH Quân Việt đang hoàn tất thủ tục chuẩn bị chi tiền bồi thường cho dân; Công ty TNHH sợi Tây Ninh, Công ty TNHH Connector, Công ty TNHH quốc tế IS và Công ty TNHH Công nghiệp Federal Bay đã thực hiện xong việc đền bù. Trong ba năm qua, mỗi năm huyện giải quyết việc làm được khoảng 2.700 lao động, trong đó có trên 65% lao động vào làm ở các doanh nghiệp.
D.H