Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sa mạc không chỉ có ở Châu Phi hay Châu Á, mà chúng còn có cả ở Nam Cực hay Châu Âu hoa lệ.

1. Sa mạc thiên thạch Kebira, Ai Cập và Libya
![]() |
Hàng thế kỷ nay, các nhà khảo cổ học luôn băn khoăn nơi mà người Ai Cập cổ đại tìm thấy những viên đá vàng xanh tuyệt đẹp, được gắn trên những đồ trang sức của hoàng tộc, được chế tạo hết sức tinh tế và khéo léo. Có vẻ như câu trả lời đến từ vũ trụ. Hàng ngàn năm trước thời đại của những Pharaon và các kim tự tháp, những tảng thiên thạch khổng lồ khi rơi xuống đã nung chảy cát sa mạc Sahara, tạo ra những viên thạch anh, quặng vàng, và những tảng đá thuỷ tinh tuyệt đẹp đó. Người ta ước tính rằng cánh đồng thiên thạch Kebira này đã tồn tại được khoảng 28,5 triệu năm tuổi.
2. Đảo Fraser, Australia
![]() |
Nằm ở bờ biển phía đông của Australia, gần thành phố Brisbane, Fraser là đảo cát lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 1840km2. Năm 1992, hòn đảo được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Hệ thực vật ở đây phát triển từ cát. Vùng biển xung quanh đảo đầy rẫy những con cá mập khát máu và những con sứa độc chết người, thế nên nếu bạn có dịp đến thăm hòn đảo cát này thì đừng có dại mà xuống nước.
3. Thung lũng Monument (tượng đài), Utah, Mỹ
![]() |
Thung lũng này nằm ở ranh giới phía nam của tiểu bang Utah và phía bắc tiểu bang Arizona, gần khu vực có tên gọi là “bốn góc” nơi mà ranh giới của bốn tiểu bang Arizona, Utah, Colorado và New Mexico hội tụ lại với nhau. Đặc điểm của thung lũng này là 1 nhóm mô đất sa thạch to lớn, nhô lên cao với nhiều hình dạng. Mô đất lớn nhất nhô lên khỏi đáy thung lũng khoảng 300 mét.
Nền thung lũng đa phần là đất đỏ bột kết hoặc cát lắng đọng từ những con sông chảy uốn khúc khi bào mòn thung lũng trong hàng triệu năm. Màu đỏ sặc sỡ của thung lũng là do ôxít sắt bám bên ngoài bột kết bị phong hóa. Đá màu xám xanh đen trong thung thũng là do màu của ôxít mangan.
Thung lũng có nhiều cấu trúc đá lớn và nổi tiếng như The Mittens (những chiếc găng tay), the Totem Pole (cột tổ vật), hay the Eye of the Sun (con mắt của Mặt trời).
4. Sa mạc Atacama, Chile
![]() |
Nó trải dài như một con đường hẹp giữa Thái Bình Dương và dãy núi Andes, cách đông chí tuyến 960km và có những địa hình hoàn toàn trái ngược nhau: những ngọn đồi toàn đá, đá núi lửa và những cồn cát trải dài. Sa mạc khô cằn, những ngọn núi cao tới 6.885 m nhưng vẫn không có băng tuyết, thậm chí ở khu vực phía nam từ 25 độ nam cho tới 27 độ nam cũng không hề có băng tuyết trong suốt kỷ băng hà.
Áp suất cao do ở độ cao so với mực nước biển đã ngăn hơi nước từ phía tây, trong khi đó những ngọn núi cũng cản các đám mây hình thành ở lưu vực sông Amazon từ phía đông.Trên bờ biển, dòng nước lạnh Peru xuất phát từ Nam Cực đã đưa cái lạnh giá đến với sa mạc này, đồng thời ngăn cản các đám mây mưa. Mực nước mưa hàng năm trung bình của khu vực này chỉ là 25 mm và ở một số khu vực giữa sa mạc, mưa chưa bao giờ xuất hiện ở đây, ít nhất là kể từ khi con người bắt đầu theo dõi sa mạc này và khoảng thời gian đó cũng đã rất lâu rồi. Sa mạc này khô hơn gấp 50 lần thung lũng tử thần ở California, Mỹ. Thậm chí, xương rồng cũng không thể mọc được trên sa mạc này.
5. Sa mạc Namib, Angola và Namibia
![]() |
Cách sa mạc Sahara hàng trăm dặm về phía Nam chính là một trong những sa mạc cổ và đẹp nhất Châu Phi, sa mạc Namib. Cũng giống như Atacama, sự khô hạn khác thường của sa mạc Namib do ảnh hưởng của dòng hải lưu lạnh ngoài biển. Trong vòng 55 triệu năm trở lại đây, lượng mưa trung bình hàng năm ở sa mạc này là vào khoảng 12.7mm. Sa mạc Namib còn được gọi là một sa mạc sống, hình dạng của nó thường xuyên thay đổi do các cồn cát lớn (cao đến 300m) bị dịch chuyển bởi các ngọn gió khủng khiếp của sa mạc. Một điều đặc biệt nữa ở vùng sa mạc này chính là những chú voi. Đây là sa mạc duy nhất trên thế giới có loài voi sinh sống. Nơi tiếp giáp giữa biển Nam Atlantic và sa mạc Namib thường bị bao phủ bởi lượng sương mù dày đặc, dẫn dến vô số những vụ đắm tàu trong hàng thế kỷ. Vùng biển này vì thế còn được gọi là ‘bờ biển đầu lâu’.
6. Sa mạc Tabernas, Tây Ban Nha
![]() |
Sa mạc trong lòng Châu Âu, trò đùa ngày Cá tháng Tư ư? Không hề. Có một sa mạc thực sự nằm ở Tây Ban Nha, sa mạc Tabernas. Sa mạc này bị những dãy núi dài chắn khỏi những cơn gió ẩm ướt từ Địa Trung Hải, và hàng năm còn nhận hơn 3000 giờ nắng gay gắt từ mặt trời. Lượng mưa 25.4mm hàng năm mà sa mạc này nhận được thường là từ những trận mưa rào bất thình lình, gây ra tình trạng xói mòn và mặt đất gồ ghề.
7. Sa mạc “Vùng trống”, Saudi Arabia
![]() |
Sa mạc Rub’ al Khali hay còn gọi là “Vùng trống”, là một trong những sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới. Nhiệt độ ban ngày ở đây lên đến 131°F (55°C ), những đụn cát khổng lồ cao đến 330 m, làm cho “Vùng trống” là vùng đất không hề phù hợp với sự sống.
8. Sa mạc Khongoryn Els (cát biết hát), Mông Cổ
![]() |
Những đụn cát biết hát của Khongoryn Els nằm ở công viên quốc gia Gobi Gurvansaikhan, phía Nam Mông Cổ. Những đụn cát ở đây thực sự hát - sự di chuyển của hàng tỷ những hạt cát li ti dưới sức ép của những cơn gió đã tạo nên vô vàn những âm thanh như tiếng gầm rú, gào thét, tiếng sủa và thậm chí tiếng rúc rích…Tuy nhiên những âm thanh này chỉ có thể nghe thấy dưới những điều kiện nhất định như kích cỡ và độ tròn trịa, trơn láng của những hạt cát, độ ẩm của cát, và quan trọng hơn cả là tỉ lệ silic trong những hạt cát. Khongoryn Els là nơi cư trú của những loài thú hoang dã, quý hiếm như lạc đà Gobi, báo tuyết.
9. Thung lũng Tử thần, California, Mỹ
![]() |
Thung lũng Tử thần là một thung lũng dài và hẹp nằm giữa hai bang California và Nevada của Mỹ. Đây là nơi có cao độ so với mực nước biển thấp nhất Bắc Mỹ với độ sâu 282m, điểm thấp thứ 2 trên thế giới. Thung lũng Chết có điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè thường trên 49°C (vào năm 1913 nhiệt độ đã đạt đến mức kỷ lục 56,7°C). Lượng mưa trong thung lũng rất thấp, bình quân mỗi năm chỉ khoảng 42mm. Năm cao nhất, lượng mưa cũng chỉ là 114 mm và năm thấp nhất không có một giọt mưa. Vì vậy, thung lũng là nơi nóng nhất của Bắc Mỹ.
Thung lũng rất sâu và hoang vu, đáy là dòng sông cạn Amagesa với những cồn cát lởm chởm khắp nơi và giữa thung lũng là một quần thể cồn cát rộng khoảng 155km2, là nơi hoang vu nhất trong thung lũng.
Một trong những bí hiểm khác của Thung lũng Tử thần là sự dịch chuyển của những tảng đá nhiều hình dạng, kích cỡ và vệt đường đi của chúng trên cát (dài hàng chục mét, lúc là một đường thẳng, lúc là đường gấp khúc), dù không phải do áp lực của mưa, gió hay dòng nước. Người ta đã tìm thấy đường đi của những tảng đá nặng đến hơn 300kg.
10. Những thung lũng khô cằn của Nam Cực
![]() |
Sa mạc không nhất thiết phải nóng, sa mạc chỉ là những vùng đất khô cằn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.
Hầu như bề mặt Nam Cực bị băng bao phủ nhưng ít ai biết rằng tại đó có vùng hoang mạc khô cằn có diện tích hơn 4000km2. Thung lũng này đã không hề có băng tuyết trong 2,3,… có lẽ là 12 triệu năm gần đây. Quang cảnh ở đây rất kỳ lạ, gần giống sao Hoả hơn trái đất.
Không khí khô hanh đến cùng cực, cùng với thiếu những cơn mưa hay tuyết rơi, thung lũng khô cằn là nơi lý tưởng để bảo quản những chất hữu cơ trong một thời gian dài. Bị khô cứng lại bởi những cơn gió Katabatic, và dần dần bị thổi ra xa, xác của những con cá sẽ bị bào mòn hoàn toàn, dù điều đó cũng phải mất đến hàng nghìn năm!
THUÝ TRINH
(Theo vzone)