Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
10 sự kiện nổi bật của ngành tài chính trong năm 2020
Thứ năm: 14:37 ngày 24/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trên cơ sở bình chọn của các đơn vị thuộc bộ và các cơ quan báo chí ngành Tài chính, Bộ Tài chính đã công bố 10 sự kiện nổi bật ngành trong năm 2020.

Năm 2020, tình hình kinh tế và chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất-kinh doanh và hoạt động thương mại trong nước, mà đặc biệt là du lịch quốc tế bị suy giảm nghiêm trọng, Bộ Tài chính chủ động xây dựng các phương án điều hành thu, chi và cân đối ngân sách phù hợp với các kịch bản tăng trưởng kinh tế đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch bệnh.

Trên cơ sở bình chọn của các đơn vị thuộc bộ và các cơ quan báo chí ngành Tài chính, Bộ Tài chính đã công bố 10 sự kiện nổi bật ngành trong năm 2020.

Chính sách tài khóa chủ động, kịp thời

Năm 2020, trước bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng và trình nhiều nghị quyết về chính sách tài khóa được Chính phủ, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chủ trì và điều hành Hội nghị từ Trung tâm Hội nghị Quốc tế (ICC), 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)

Cụ thể, những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của dịch (như Nghị quyết số 116-2020-QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020; Nghị quyết số 107-2020-QH14 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết số 954-2020-UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; Quyết định số 155-2020-QĐ-BTC về Danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu khẩu phục vụ việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra....).

Đặc biệt tại 21 thông tư ban hành trong năm 2020, Bộ Tài chính đã trình cắt nhiều loại phí cho người dân và doanh nghiệp, như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp, giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp, giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng và các khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán...

Điều hành ngân sách chặt chẽ thực “nhiệm vụ kép”

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chủ động xây dựng các phương án điều hành thu, chi và cân đối ngân sách Nhà nước phù hợp với các kịch bản tăng trưởng kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch bệnh, củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời giữ vững cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp ở địa phương, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và trật tự xã hội."

Thực hiện mục tiêu kép 'vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và trật tự xã hội.' (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, để đảm bảo cân đối ngân sách, sử dụng nguồn vượt thu ngân sách năm 2019, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiến hành rà soát, cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và ra nước ngoài, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp bách. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ của ngân sách cấp mình và các nguồn lực tại chỗ để xử lý các nhiệm vụ phát sinh trên địa bàn, xây dựng phương án huy động thêm nguồn lực xã hội để đảm bảo thanh khoản cho quỹ ngân sách khi cần thiết (khi cần thiết).

Theo đó, năm 2020-Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương, bên cạnh đó lạm phát được giữ vững dưới 4% đồng thời các chỉ tiêu về bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài giai đoạn 2016-2020 đều trong phạm vi Quốc hội quyết định (tương ứng không quá 3,9% GDP; 65% GDP; 54% GDP; 50% GDP).

Cải cách và hiện đại hóa toàn ngành

Năm qua, Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí thứ 2-17 bộ về cải cách hành chính năm 2019 (PAR index 2019) với 94,77 điểm với 100% thủ tục hành chính của Bộ Tài chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (công bố tháng 5-2020 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ). Và, đây là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Tài chính nằm trong top 3 bộ đứng đầu về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, bộ cũng duy trì thứ hạnh thứ nhất trong khối các bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (chỉ số ICT index) năm 2019 với 0,9291 điểm với khoảng cách xa về điểm số với các bộ phía sau trong bảng xếp hạng. Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp, Bộ Tài chính đứng đầu về chỉ số này.

Kết thúc năm 2020, tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 977 thủ tục, trong đó thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là 106 thủ tục, mức độ 2 là 288 thủ tục, mức độ 3 là 192 thủ tục và mức độ 4 là 391 thủ tục. Ngành cũng đã hoàn thành kết nối, tích hợp  trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt tỷ lệ 51%, vượt 21% so với quy định tại Nghị quyết số 01-NQ-CP ngày 01-01-2020 và Nghị quyết số 17-NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã khai trương Cổng công khai ngân sách nhà nước (https:--ckns.mof.gov.vn). Trong tháng Bảy, kết quả công bố Chỉ số công khai ngân sách quốc gia (OBI) của Việt Nam và Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương (MOBI) cho năm 2019 được đánh giá đã có nhiều nỗ lực và đạt được bước tiến đáng ghi nhận về mức độ công khai minh bạch ngân sách so với kỳ đánh giá năm 2017 và  xếp hạng 77-117 nước, tăng 14 bậc.

Chủ trì Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN

Thực hiện cơ chế luân phiên trong ASEAN, năm 2020-Việt Nam tiếp tục đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN với nhiệm vụ chủ động, tiên phong trong hoạt động hợp tác-hội nhập khu vực cũng như tích cực lồng ghép thúc đẩy các ưu tiên quốc gia.

Trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của sự bùng phát dịch COVID-19 trên toàn cầu, Bộ Tài chính Việt Nam trên cương vị Chủ trì Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN đã chủ động và sáng tạo khắc phục khó khăn, đề xuất chương trình làm việc, nội dung chủ đề và tài liệu phù hợp để tổ chức thành công các hội nghị trong năm theo phương thức trực tuyến, qua đó đã đóng góp vào thành công năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam theo đúng kế hoạch đề ra.

(Ảnh: Vietnam+)

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 24 và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 6 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Một trong những kết quả nổi bật của Hội nghị là việc các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã thông qua sáng kiến của Việt Nam về “Tài chính bền vững trong ASEAN.” Đây cũng là 1 trong 13 sáng kiến của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được các Lãnh đạo cấp cao ghi nhận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vừa qua. Sáng kiến này được xây dựng với mục đích thúc đẩy tài chính bền vững của khu vực thông qua việc phát triển thị trường vốn bền vững.

Kết quả đó phù hợp với mục tiêu chung của khu vực được đề ra tại Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC Blueprint 2025), ưu tiên của Việt Nam đã và đang triển khai tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu trong giai đoạn 2016-2020 với Tầm nhìn tới năm 2030, trong đó có các cơ chế và chính sách để thúc đẩy sự phát triển thị trường trái phiếu xanh như một ưu tiên trong giai đoạn tới.  

Xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia

Ngay từ đầu năm 2020, trước những diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngành Dự trữ Nhà nước đã chủ động phối hợp với Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) tổ chức xuất cấp và bàn giao kịp thời 2.600 bộ nhà bạt các loại cho các đơn vị làm nhiệm vụ trên các tuyến biên giới đất liền, đơn vị triển khai bệnh viện dã chiến để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đà Nẵng đã xuất 100 tấn gạo dự trữ quốc gia cứu trợ khẩn cấp cho huyện Phước Sơn. (Ảnh: Quốc Dũng-TTXVN)

Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, từng bước ổn định cuộc sống do mưa bão gây ra hồi tháng 10, thực hiện ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động, kịp thời xuất khẩn cấp gần 20.000 tấn gạo, hơn 22.000 chiếc áo phao các loại, cùng hàng nghìn trang thiết bị cứu hộ cứu nạn từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Nghệ An, Bình Định và Hà Tĩnh thời điểm khó khăn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam: 20 năm trưởng thành

Đại dịch bệnh COVID-19 tác động sâu rộng đến kinh tế-xã hội thế giới và Việt Nam, nhưng với những nỗ lực từ phía Chính phủ và cơ quan quản lý cùng sự tích lũy nội tại qua 20 năm hoạt động, thị trường chứng khoán duy trì hoạt động ổn định và phục hồi tích cực, ấn tượng.

Mặc dù chứng kiến nhiều phiên giảm mạnh trong quý 1, song sau đó VNIndex đã phục hồi mạnh mẽ và đạt 1003,08 điểm, tăng 4,4%, chỉ số HNX-Index đạt mức 147,7 điểm, tăng 44% so với cuối năm 2019. Thanh khoản của thị trường cổ phiếu duy trì ở mức khá cao với giá trị giao dịch bình quân đạt 6.671 tỷ đồng-phiên, tăng 43,2% so với năm trước. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 4.770 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm 2019, tương đương 79% GDP.

Bên cạnh đó, quy mô niêm yết thị trường trái phiếu tăng 13,5% so với năm 2019, đạt gần 1.350 nghìn tỷ đồng (tương đương 22,4% GDP). Thị trường chứng khoán phái sinh cũng diễn ra sôi động với khối lượng giao dịch bình quân đạt 160.021 hợp đồng-phiên, tăng 80% so với năm trước, khối lượng mở OI toàn thị trường đạt 31.026 hợp đồng, tăng 87% so với cuối năm 2019. Số lượng tài khoản nhà đầu tư tăng mạnh đạt gần 2,71 triệu tài khoản, tăng 14,2% so với cuối năm 2019.

Tổng cục Thuế tinh gọn bộ máy "về đích" trước 10 tháng

Theo Nghị quyết 18-NQ-TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Quyết định số 41-2018-QĐ-TTg về việc sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, cùng với việc sắp xếp lại các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, các chi cục thuế cấp huyện cũng được hợp nhất để giảm đầu mối.

Từ cuối năm 2018 đến hết tháng 2-2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành 111 Quyết định thành lập chi cục thuế khu vực trực thuộc 63 cục thuế tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, tiến hành sắp xếp hợp nhất 565 chi cục thuế để thành lập 269 chi cục thuế khu vực, giảm 296 chi cục thuế, đồng nghĩa từ con số 711 chi cục thuế sau khi hợp nhất toàn ngành chỉ còn 415 chi cục thuế, tăng 5 đơn vị so với kế hoạch được giao (kế hoạch giảm còn 420 chi cục thuế) và vượt trước thời gian 10 tháng theo Quyết định số 41-2018-QĐ-TTg và Quyết định 520 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Việc cắt giảm chi cục thuế đã giúp hệ thống thuế tinh gọn bộ máy, giảm bớt các tầng nấc trung gian, các bộ phận quản lý nội ngành để tập trung nguồn lực cho bộ phận quản lý thuế trực tiếp, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

Đột phá cải cách về kiểm tra chuyên ngành

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02-NQ-CP và Nghị quyết số 99-NQ-CP, Tổng cục Hải quan đã xây dựng dự thảo Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.” Mục tiêu cải cách căn bản, toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ nhằm giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập hiện nay. Qua đó, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa đồng thời giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa, bảo vệ an toàn cho cộng đồng, người tiêu dùng.

(Ảnh: Vietnam+)

Theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, khi triển khai Mô hình mới sẽ có nhiều tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế, cụ thể số liệu đạt được một năm thực hiện đã cắt giảm được 86.166 tờ khai (khoảng 54,4%) phải kiểm tra (so với số liệu năm 2019), tiết kiệm được: 2,48 triệu ngày công, tiết kiệm được hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD), tiết kiệm cho nền kinh tế đến 9.285 tỷ đồng (tương đương 399 triệu USD).

100% giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến

Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ-CP ngày 07-03-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, đến ngày 30-11, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và tích hợp thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Việc đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến đánh dấu bước cải cách hành chính mạnh mẽ của Kho bạc Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử ngân sách có thể giao dịch 24-7 (kể cả ngày nghỉ-ngày lễ) tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet, giảm thời gian đi lại và  giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị.

Dấu mốc 75 năm ngành tài chính

Bộ Tài chính tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ XXV (2020 - 2025). Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ với 29 đồng chí. The đó, Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 đã họp phiên thứ nhất, bầu ra các chức danh Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ Tài chính nhiệm kỳ mới.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V (2021-2025). Đại hội là dịp để tôn vinh, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Tài chính.

Cụ thể, các tập thể và cá nhân của ngành Tài chính đã được Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý gồm: Huân chương Độc lập các hạng cho 5 tập thể và 5 cá nhân. Huân chương Lao động các hạng cho 203 tập thể và 840 cá nhân.

Huân chương Chiến công các hạng cho: 28 tập thể và 68 cá nhân. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 159 tập thể và 2.072 cá nhân. Cờ thi đua của Chính phủ cho 149 tập thể. Chiến sỹ thi đua toàn quốc cho 7 cá nhân... Năm 2020 ngành Tài chính tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28-8-1945 - 28-8-2020).

Nguồn Vietnam+

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục