Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Năm 2017 đã khép lại với hàng loạt diễn biến phức tạp của tình hình thế giới. Ngoài nỗ lực giải quyết các nguy cơ an ninh truyền thống, các chủ thể quan hệ quốc tế cũng phải đương đầu với những thách thức an ninh phi truyền thống mới hình thành và có tác động không nhỏ tới tổng thể bức tranh kinh tế, chính trị toàn cầu.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN trong lễ kỷ niệm 50 năm thành lập khối tổ chức tại Philippines.
1. Mỹ rút khỏi nhiều cam kết toàn cầu, định hình chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Trong năm cầm quyền đầu tiên, thực hiện khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những quyết định mang tính đảo ngược đối với hàng loạt chính sách kinh tế, ngoại giao quan trọng, điển hình là việc rút khỏi nhiều hiệp định kinh tế đa phương, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel...
Chiến lược An ninh quốc gia mới, được công bố ngày 18-12, cũng thể hiện rõ chính sách đơn phương và đề cao lợi ích quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, khái niệm địa chính trị “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được chính quyền đương nhiệm Mỹ sử dụng đã phản ánh một tầm nhìn chiến lược mới theo hướng liên kết rộng hơn.
2. Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên
Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa, trong đó tên lửa liên lục địa Hwasong-15 có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ và đặc biệt là vụ thử hạt nhân có sức công phá lớn nhất từ trước tới nay vào tháng 9-2017.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua 4 nghị quyết tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng trong năm qua trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những tuyên bố cứng rắn, đưa Triều Tiên trở lại danh sách “các quốc gia bảo trợ khủng bố”.
3. Chủ nghĩa dân túy trỗi dậy ở Châu Âu
Dù trong các cuộc tổng tuyển cử tại Hà Lan, Pháp và Đức, các chính đảng mang tư tưởng dân tộc cực hữu đều không giành chiến thắng để thành lập chính phủ nhưng số lượng các cử tri ủng hộ các đảng phái đề cao chính sách chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị và kinh tế truyền thống, xa rời Liên minh Châu Âu (EU) ngày càng gia tăng. Điều này đã phản ánh một xu hướng đáng lo ngại tại Lục địa già.
4. IS thất bại trên chiến trường Iraq và Syria
Sau sự can thiệp quân sự của Nga và liên quân quốc tế, cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông đã đạt thành tựu quan trọng khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bật khỏi hầu hết các vùng lãnh thổ từng chiếm đóng ở Iraq và Syria.
Tuy nhiên, nguy cơ "bóng ma" khủng bố trỗi dậy vẫn hiện hữu khi khoảng trống quyền lực và an ninh ở những quốc gia bất ổn luôn là mảnh đất màu mỡ để các phần tử khủng bố tập hợp lực lượng và gieo rắc những tư tưởng cực đoan.
5. ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập, tạo dựng vị trí trung tâm của khu vực
Sau 50 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vượt qua nhiều khó khăn và khác biệt để trở thành nhân tố đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và thế giới. Với sự đoàn kết, Hiệp hội đã tạo được vị thế quan trọng.
Đặc biệt, với việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào tháng 12-2015, ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới và có liên kết với hàng loạt đối tác lớn trên toàn cầu.
6. Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 19
Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc vạch ra tư tưởng, phương châm, sách lược phát triển trong giai đoạn tới cùng tầm nhìn chiến lược đến năm 2050 với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại và có tầm ảnh hưởng dẫn đầu thế giới.
Đại hội đã thông qua nghị quyết sửa đổi Điều lệ Đảng, bổ sung tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới làm nền tảng chỉ đạo con đường phát triển.
7. Kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2010; Bitcoin tăng giá phi mã
Các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Khu vực đồng tiền chung Châu Âu và Nhật Bản đã có sự hồi phục ấn tượng. Vì thế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 3,6% trong năm 2017 và 3,7% năm 2018, cao hơn nhiều so với mức 3,2% của năm 2016.
Dịp cuối năm 2017, thị trường tài chính thế giới chứng kiến cơn sốt Bitcoin khi chỉ trong 1 tháng, giá trị niêm yết đồng tiền ảo này đã tăng gấp đôi và thường duy trì ở mức 14.000-15.000 USD/đơn vị. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo bong bóng tài chính liên quan đến đồng tiền này có thể vỡ bất kỳ lúc nào và để lại những hậu quả kinh tế lâu dài.
8. Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh
Đầu tháng 6, hàng loạt quốc gia vùng Vịnh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và áp đặt các biện pháp kiềm tỏa với cáo buộc Doha tài trợ khủng bố. Đáp trả, Qatar đã tuyên bố bác bỏ yêu cầu 13 điểm của các quốc gia láng giềng và cho rằng đây là động thái nhằm hạn chế chủ quyền của nước này. Các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất tại khu vực kể từ năm 1991 đến nay vẫn chưa mang lại kết quả.
9. Catalonia tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền trung ương và các nước Châu Âu, ngày 1-10, 90% cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý đã ủng hộ Catalonia lập quốc gia riêng.
Ngay sau đó, các nghị sĩ ly khai trong Nghị viện Catalonia đã thông qua tuyên bố độc lập trong khi Tòa án Hiến pháp khẳng định đây là hành động vi hiến.
Diễn biến này đã đẩy chính trường Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Một cuộc bầu cử trước thời hạn đã được tổ chức nhằm vãn hồi sự ổn định nhưng phe ủng hộ ly khai ở Catalonia đã giành chiến thắng.
10. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét; thiên tai gây thiệt hại ở nhiều nước trên thế giới
Mưa bão gây thiệt hại nghiêm trọng tại Philippines.
Một số quốc gia Châu Âu như Pháp, Italia, Bồ Đào Nha, khu vực Balkan đã trải qua thời kỳ nắng nóng kỷ lục trong một thập kỷ, có thời điểm nhiệt độ tăng đến 44 độ C, gây ra nhiều vụ cháy rừng, hạn hán nghiêm trọng.
Nắng nóng lên tới 45 độ C cũng hoành hành tại nhiều khu vực ở Ấn Độ và làm 40 người thiệt mạng. Trong khi đó, giá rét với nhiệt độ âm hàng chục độ C đã bao trùm Bắc Mỹ và nhiều nước Châu Âu như Anh, Pháp, Bỉ… khiến giao thông tắc nghẽn, hàng loạt chuyến bay bị hủy bỏ, nhiều trường học phải đóng cửa.
Năm 2017 cũng chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt “siêu bão” với sức tàn phá lớn như Harvey, Irma và Maria gây lũ lụt lớn tại Mỹ và khu vực Caribe hay bão Tembin tràn vào miền Nam Philippines khiến hơn 200 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích và hơn 40.000 người phải sơ tán.
Nguồn Hanoimoi