Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trước khi đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Nhật Bản tại bảng D vòng chung kết Asian Cup 2023, ông Daiki Iwamasa, danh thủ nổi tiếng từng khoác áo đội tuyển Nhật Bản giai đoạn 2009-2011, chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân:
“Tôi rất mong chờ trận đấu này. Bóng đá Nhật Bản đang được hưởng thành quả từ chiến lược phát triển dài hạn, nhưng bóng đá Việt Nam cũng đã thể hiện được nhiều điều. Thay vì nhận định đội nào thắng, điều tôi quan tâm là các cầu thủ Việt Nam thể hiện thế nào, phản ứng ra sao với trận đấu”.
Theo cách lý giải của ông Daiki Iwamasa, đội tuyển Việt Nam có thể thua Nhật Bản lần này, nhưng thái độ thi đấu của cầu thủ, hệ thống chiến thuật và kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của huấn luyện viên (HLV) trưởng là điều quan trọng nhất.
Các tuyển thủ Việt Nam thể hiện quyết tâm trong buổi tập trước trận gặp đội tuyển Nhật Bản. Ảnh: VFF
Kế hoạch dài hạn của HLV Philippe Troussier là muốn cùng đội tuyển Việt Nam tham dự vòng chung kết World Cup 2026, kế hoạch ngắn hạn là vượt qua vòng bảng Asian Cup 2023. Mục tiêu World Cup có thể chưa thực tế, nhưng kế hoạch tại đấu trường châu lục là có cơ sở. Bởi ngoài các đội nhất, nhì mỗi bảng, ban tổ chức sẽ chọn 4/6 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất vào vòng 1/8.
Vậy các tuyển thủ Việt Nam sẽ phản ứng ra sao trước lối chơi tấn công áp đảo của đội tuyển Nhật Bản? Không có lựa chọn nào khác ngoài phòng ngự và phòng ngự tầng tầng, lớp lớp, đồng thời chờ đợi một vài tình huống để phản công. Nhưng phòng ngự thế nào cũng là vấn đề, bởi các đội bóng ngang trình độ với chúng ta như Thái Lan, Jordan, Syria dù phòng ngự cũng thua liểng xiểng đội tuyển Nhật Bản từ 5 đến 6 bàn/trận.
Đội tuyển Nhật Bản mạnh đều ở các tuyến, nhiều cầu thủ thi đấu ở các giải bóng đá hàng đầu thế giới nên khả năng kết dính, phối hợp nhỏ tốc độ, cường độ cao sẽ mang đến không ít thách thức cho các hàng phòng ngự của nhiều đội bóng ở châu Á. Đây cũng là điều HLV Philippe Troussier lưu tâm. Ông đã nhiều lần dặn các học trò rằng, dù chơi phòng ngự hay kiểm soát bóng, yếu tố bất di bất dịch là cầu thủ phải chủ động và tự tin chơi bóng.
Để có được sự chủ động và tự tin chơi bóng như HLV Philippe Troussier mong muốn, cầu thủ phải không ngừng di chuyển, áp sát và bọc lót tốt cho nhau. Bởi vậy, sau khi có mặt tại Qatar và làm quen với điều kiện thời tiết, bài tập chủ đạo mà nhà cầm quân người Pháp áp dụng thiên về sức mạnh, tính chiến đấu cao. Có thể thấy những Quang Hải, Văn Toàn, Tuấn Anh, Hùng Dũng... thường mướt mồ hôi sau mỗi buổi tập.
Điều thuận lợi là ông Philippe Troussier am hiểu bóng đá Nhật Bản, gắn bó với các đội trẻ, đội tuyển quốc gia của nước này giai đoạn 1998-2002. Ông cho rằng, yếu tố đầu tiên tạo nên thành công của bóng đá Nhật Bản là sức mạnh tập thể. Ông thường yêu cầu các học trò phải tin tưởng đồng đội, bản thân và ban huấn luyện. Trong buổi họp báo diễn ra chiều 13-1, HLV Philippe Troussier nhận định: “Muốn giành kết quả tích cực trước Nhật Bản, các cầu thủ phải nỗ lực trên 100%. Đội tuyển Việt Nam có thể đá 10 trận và thua tới 9 trận trước Nhật Bản, nhưng vẫn có thể đạt kết quả tích cực ở trận đấu này, thậm chí có thể thắng”.
Có lẽ chỉ mỗi HLV Philippe Troussier tin đội tuyển Việt Nam có thể thắng đội tuyển Nhật Bản, trong khi nhiều người hâm mộ Việt Nam lo ngại đội nhà sẽ thua đậm. Nhà cầm quân người Pháp khẳng định: “Nhật Bản là đội bóng ở đẳng cấp thế giới, nhưng chúng tôi đến đây không phải để tận hưởng trận đấu hay du lịch”.
Nguồn qdnd