Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Mùa nào thức nấy, mùa xuân ăn những loại đậu này thì "chuẩn không cần chỉnh".
1. Mùa xuân ăn đậu đũa bổ tỳ, ích vị
Đậu đũa là một trong những loại đậu nên ăn thường xuyên bởi nguồn dinh dưỡng dồi dào chúng mang lại. Đậu đũa chứa một lượng lớn chất xơ hòa tan và không hòa tan. Chất xơ giúp bảo vệ niêm mạc ruột kết một cách hiệu quả.
Đậu đũa chứa nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa.
Đậu đũa chứa hàm lượng folate và vitamin C cao. Theo nghiên cứu, 100g đậu đũa có chứa 15% nhu cầu folate hàng ngày và 31% vitamin C hàng ngày.
Món ăn gợi ý: Đậu đũa xào thịt
Nguyên liệu cần thiết gồm đậu đũa - 200g, dầu ô liu, rượu nấu ăn, thịt bằm - 80g, đường, tỏi băm, nước tương nhạt, muối.
Trong một bát tô, cho thịt bằm, 1 thìa nhỏ nước tương, nửa thìa nhỏ rượu nấu ăn, xíu muối. Có thể cho thêm chút bột bắp hoặc bột năng. Trộn đều tất cả và ướp trong khoảng 20 phút.
Đậu đũa tước xơ, rửa sạch, cắt khúc ngắn vừa ăn. Cho vào nồi nước sôi có cho chút muối chần sơ, vớt ra để ráo nước. Làm nóng chảo, đổ chút dầu ô liu vào, phi thơm tỏi băm. Thêm thịt bằm vào xào cho chuyển màu rồi trút đậu đũa và đảo đều. Thêm muối, xíu đường và nước tương vào cho vừa vặn.
Món đậu đũa xào thịt có thể là món ăn chống ngán, đổi bữa cho gia đình bạn.
2. Mùa xuân ăn đậu đỏ dưỡng tâm
Đậu đỏ là một trong những thực phẩm quý giá tốt lành cho sức khỏe của bạn. Chúng được biết đến với nhiều lợi ích như hỗ trợ kiểm soát tiểu đường, các bệnh về tim mạch, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường cơ bắp, hỗ trợ giảm cân. Đặc biệt, với chị em phụ nữ, đậu đỏ còn có tác dụng cải thiện sức sống làn da.
Đậu đỏ được biết đến là "thần dược" của phái đẹp.
Món ăn gợi ý: Chè đậu đỏ khoai môn
Nguyên liệu cần thiết gồm đậu đỏ - 100g, khoai môn - 150g, đường phèn lượng thích hợp, sữa tươi, một ít hoa mộc. Lưu ý định lượng tùy thuộc vào số lượng người ăn, bạn cần đong đếm cho hợp lý với công thức. Với lượng nguyên liệu trên, bạn sẽ nấu được khoảng 4 chén chè đậu đỏ khoai môn.
Đậu đỏ cần ngâm trước khoảng 3 tiếng trong nước ấm. Sau khi ngâm cho vào nồi, đổ ngập mặt đậu, dùng nồi áp suất để tiết kiệm thời gian nấu. Nấu đến khi nhừ. Trong lúc đó, khoai môn mang gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng vừa ăn. Cho khoai môn vào nấu khoảng 20 phút để khoai mềm và dẻo. Cuối cùng cho đường phèn và chút sữa tươi vào. Bạn có thể thay thế sữa tươi bằng nước cốt dừa để chè thêm béo ngậy. Khi múc ra bát có thể rắc thêm chút hoa mộc cho thơm.
Chúc bạn thực hiện thành công các món ăn ngon với 2 loại đậu này!
Nguồn phunuvietnam