Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

270 năm- Quan lớn Trà Vong 

Cập nhật ngày: 07/05/2019 - 17:38

BTNO - Rằm tháng 3 âm lịch năm Kỷ Hợi (19.4.2019), tôi theo chân dòng người về Tân Biên dự lễ hội đền, lăng mộ Quan lớn Trà Vong.

Lăng mộ ở tận ấp 3, xã Trà Vong sâu tít tắp giữa đồng. Vậy mà không ngờ người về đông đến thế. Cả hai bên bờ suối Trà Vong, bên có lăng mộ, bên có đền đều nhộn nhịp, đông vui.

Đoàn rước sắc qua cầu suối Trà Vong.

Ngay trước lăng có một cái bàn to tới 4 mét vuông xếp chặt những đĩa và mâm bánh, trái cây đủ loại. Người xì xụp cúng vái, người đi lại vòng quanh, thắp nhang cho các ngôi miếu nhỏ. Phải có người luôn rút bớt chân nhang, mới có chỗ cho người khác dâng hương mới. Vậy mà không gian vẫn ngợp khói nhang, dù người ta đã dựng lên cả một ngôi nhà rạp lớn hàng trăm mét vuông trùm lên khu lăng mộ.

Ở góc sau khu lăng, có vài phụ nữ mang tới hàng trăm bịch thuốc nam gởi tặng cho ai cần, hoặc người nghèo khó.

Bên kia suối, tại gian vỏ ca trước đền thờ, nay được ghi là Nhà tưởng niệm Quan lớn Trà Vong, quan khách đã có mặt đông đủ. Vòng ngoài còn có rất đông bà con đến xem lễ cúng chính diễn ra vào lúc 9 giờ. Trống mõ nổi lên. Đoàn rước sắc đã qua cầu tiến sang. Các cụ áo thụng xanh, lọng đỏ tàn vàng… Lính lê, học trò lễ, đào thái mũ mãng xiêm y rực rỡ. Lại có đôi lân múa mở đường. Không gian nghi lễ bừng bừng những âm thanh và màu sắc chói chang. Chiếc cầu cong như chở nặng những niềm vui qua lại đôi bờ con suối.

Rước sắc về khu lăng mộ.

Nhớ, hồi năm 1997 tôi cũng đã lên khánh thành ngôi lăng mộ. Sau khi phát hiện, người ta đã xây mộ nhưng bảo tồn vẹn nguyên gò mối bên trên. Bằng cánh úp lên một lồng kính có thông hơi. Đầu mộ và một bên là hai gốc trâm già, nghe nói tuổi cây đã ba trăm năm có lẻ. Nay chỉ còn một cây ở ngay đầu mộ. Cây vượt qua khỏi mái tôn, xòe tán rợp mênh mông trên cả khu lăng. Cây trâm này cũng có duyên nợ gì đây! Rằng đã từng có chuyện lâm tặc đem rìu đến chặt, thì rìu gãy và người bị nạn.

Đến nay, quy mô khu đền và lăng đã lớn gấp cả chục lần. Do rất đông người tới cúng viếng, nên bên ngoài khu đền, người ta dựng vài dãy nhà rạp bằng tôn và sắt nhẹ làm nơi phục vụ bán hàng và ăn uống.

Nhưng sao lại là 270 năm? Dù không phải kỷ niệm năm sinh hay năm mất của Quan lớn Trà Vong. Xin thưa ngay, đấy là năm Quan lớn Trà Vong đến Tây Ninh “mở mang, quy dân lập ấp”. Năm 1749.

Lăng mộ Quan lớn Trà Vong.

Tây Ninh hiện lưu truyền vài ba truyền tụng về tiểu sử Huỳnh Công Giản. Tuy vậy, đa số đền miếu thờ Ngài hiện nay đều nhất trí về năm sinh: 1722, năm mất: 1782- đều là Nhâm Dần. Năm 27 tuổi ngài đến Tây Ninh, lập mới được 3 ấp Tân Lập, Tân Hội và Tân Hiệp. Sau đấy khai triển các đội dân binh bảo vệ cho người dân yên ổn sinh sống làm ăn. Các địa danh ấy nay vẫn còn, là tên các xã thuộc 2 huyện Tân Biên và Tân Châu.

Bản tiểu sử Ngài lưu giữ tại đền Thái Vĩnh Đông từ năm 1973, ghi rằng: “mùa xuân năm Nhâm Dần Ngài lâm trọng bệnh, giặc Miên lại kéo sang đánh cướp. Trước thế nguy, biết sức mình suy yếu vì cơn bệnh hoành hoành, liệu không thể chống được giặc. Ngài bèn cho người đi viện binh của em (Huỳnh Công Nghệ- QV). Nhưng định mệnh đã sẵn dành trong đường tơ kẽ tóc, viện binh vừa đến thì giặc cũng vừa chiếm được đồn lũy của Ngài. Ngài bèn tự tử, nêu cao tiết tháo của vị anh hùng dân tộc…”.

Cúng trước lăng.

Bản tiểu sử này là do con cháu của cụ Phan Văn Trị (còn gọi là Cử Trị)- một danh nhân lịch sử miền Nam kể lại cho văn đàn Quốc Biểu tại núi Bà vào đêm trung thu năm 1927, được chép lại thành văn bản. Theo đó, Huỳnh Công Giản chỉ có một em trai là Huỳnh Công Nghệ, sinh trưởng trong một nhà nông quê ở làng Nhật Tảo, tỉnh Long An.

Tác giả Huỳnh Minh trong Tây Ninh xưa còn chép một truyền tụng khác ở xã Cẩm Giang. Rằng vào năm 1846, triều đình “phái ba anh em họ Huỳnh dẫn quân mã đến Tây Ninh…”. Người em nữa có tên là Huỳnh Công Thắng, nay được thờ tại Cẩm Giang. Tổng chỉ huy đội quân này là quan Tri phủ Huỳnh Công Giản. Đến chuyện Ngài lên Trà Vong xây thành chống giặc, rồi tuẫn tiết thì cũng giống như chuyện đã kể ở trên.

Cúng đền Suối Vàng.

Cả hai truyền tụng ấy chỉ là huyền sử, không có ghi trong chính sử triều Nguyễn. Về thời điểm, lại khác nhau tới cả trăm năm. Nhưng với người Tây Ninh, miền đất có truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm, thì “Anh hùng tử, chí hùng bất tử”. Các ông được người dân dựng đền miếu ở khắp nơi thờ tự. Từ Tân Biên, Châu Thành hay TP.Tây Ninh; và đến nay thì cả Bến Cầu, Gò Dầu, Dương Minh Châu… cũng ngào ngạt khói nhang tưởng nhớ.

Lễ hội thờ cúng các ông vào hai dịp chính là rằm tháng 2 và rằm tháng 3 âm lịch hằng năm. Ở đâu cũng tấp nập người bốn phương về dự. Nhưng có lẽ không nơi nào đông bằng ở khu lăng mộ dịp lễ kỳ yên hai ngày 15 và 16 tháng 3. Giật mình nhớ ra: Đã gần 3 thế kỷ đã trôi qua!

N.Q.V