Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
3 bài hát nổi tiếng ra đời trong thời điểm lịch sử 30/4
Thứ năm: 09:24 ngày 30/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mỗi khúc ca mang một câu chuyện gắn liền với lịch sử, để thế hệ sau này hiểu rõ hơn giá trị của chiến thắng làm nên một Việt Nam của thời đại mới.

Cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại vang lên những giai điệu trầm hùng của những bài ca bất hủ đã truyền lửa đến trái tim người nghe nhiều thế hệ. Mỗi khúc ca hào hùng mang một câu chuyện gắn liền với lịch sử, để qua những giai điệu đó, thế hệ sau này hiểu rõ hơn giá trị của một chiến thắng đã làm nên một Việt Nam của thời đại mới.

Trong đó, có 3 sáng tác ở thời điểm lịch sử này được coi là bất hủ và luôn vang vọng trong mỗi dịp 30/4.

“Đất nước trọn niềm vui” – Hoàng Hà

"Đất nước trọn niềm vui" là một bài hát hay trong số các ca khúc viết về ngày đại thắng 30/4, đây cũng là sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Hà. "Đất nước trọn niềm vui” ra đời vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng của nhạc sĩ Hoàng Hà ở Hà Nội.

"Đất nước trọn niềm vui" - NSƯT Tạ Minh Tâm, NSƯT Đăng Dương, Viết Danh.

Nhạc phẩm là tiếng lòng của tác giả, thể hiện niềm hạnh phúc vô biên khi đất nước hoàn toàn giải phóng: “Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng”.

Tên bài hát "Đất nước trọn niềm vui" về sau đã được chọn làm tên của một tuyển tập nhạc ấn hành năm 1975 và tái bản năm 1985 về đề tài sự kiện 30/4/1975. Bài hát được giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam và ca sĩ Trung Kiên thể hiện lần đầu tiên. Bài hát còn được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng lần đầu vào sáng ngày 1/5/1975 cùng với ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Sau NSND Trung Kiên, NSƯT Tạ Minh Tâm cũng thể hiện lại khá thành công nhạc phẩm này. Nghệ sĩ Tạ Minh Tâm cho biết: “Khi NSND Trung Kiên thể hiện ca khúc này vào năm 1975, lúc đất nước mới giải phóng, cảm giác lạ lẫm và hình thành khí thế, sống động trong hoàn cảnh đất nước đang thay đổi.

Niềm vui, cảm xúc đặc biệt của người dân Việt Nam được thể hiện trong "Đất nước trọn niềm vui” không dễ gì tìm lại được. Ngày nay cảm xúc có chiều sâu, lắng đọng hơn và nhiều trải nghiệm hơn trong quá trình hát. Cảm giác bây giờ là hồi tưởng và ngợi ca sự phát triển của đất nước”.

“Như có Bác trong ngày đại thắng” – Phạm Tuyên

"Như có Bác trong ngày đại thắng" (cũng thường được gọi là: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng) được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác đêm 28/4/1975 và thu âm ngay trong chiều ngày 30/4 để phát sóng kịp thời trong bản tin thời sự đặc biệt 17h cùng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam, chính thức công bố tin giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.

“Như có Bác trong ngày đại thắng” - Tốp ca.

Cùng với "Đất nước trọn niềm vui", đây là ca khúc không thể thiếu khi nhắc đến ngày đại thắng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại về hoàn cảnh ra đời nhạc phẩm "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, khi đó bản tin chiều ngày 28/4/1975 của Đài Tiếng nói Việt Nam về hành động oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất của phi công Nguyễn Thành Trung tạo cảm xúc mạnh mẽ để ông cho ra đời bài hát này.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết: "Trong nguồn cảm hứng dào dạt, hai tiếng đồng hồ sau bài hát được hoàn thành, không cần sửa một câu, một chữ. Tôi đã định để dành đến 7/5 kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ mới dàn dựng, không ngờ thắng lợi nhanh đến thế! 30/4, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập”.

Ngay trong chiều 30/4, ca khúc được lãnh đạo Đài cho dàn hợp xướng 40 người tập luyện để kịp phát thanh. Vị nhạc sĩ xúc động: “Chưa có buổi thu thanh bài hát nào ở Đài TNVN mà từ người kéo đàn đến nhạc trưởng cũng như ca sĩ đều rưng rưng nước mắt như thế. Khi ca khúc được thu âm xong thì chính tôi cũng khóc”.

Cứ sau một bản tin thông báo thắng trận tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế là bài hát lại vang lên hào hùng. Khi Đài Phát thanh Giải phóng Sài Gòn phát ca khúc, chính nhạc sĩ cũng ngỡ ngàng bởi ông và Đài TNVN vẫn chưa kịp gửi bài hát và băng thu thanh vào Sài Gòn. Rồi, người miền Nam đã ngân nga điệp khúc “Việt Nam - Hồ Chí Minh! Việt Nam - Hồ Chí Minh!” hòa chung vào niềm vui giải phóng.

“Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” – Xuân Hồng

Năm 1963, nhạc sĩ Xuân Hồng thành lập đoàn văn công của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ đây, những nhạc phẩm nổi tiếng của ông ra đời như "Xuân chiến khu", "Bài ca may áo", "Chiếc khăn tay", "Tiếng chày trên sóc Bom Bo"...

“Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” - Nhóm Con Gái.

Còn ca khúc “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” được nhạc sĩ Xuân Hồng viết trên đường hành quân tiến vào Sài Gòn mùa xuân 1975. Ông nhẩm hát, nhẩm thuộc và cứ thế bài hát hình thành. Để dễ thuộc, không quên vì nhiều sự kiện dồn dập, với phong cách dân gian dân tộc, nhạc sĩ Xuân Hồng chọn làn điệu dân ca quen thuộc cho sáng tác của mình.

Khi Sài Gòn giải phóng, nhạc sĩ Xuân Hồng chỉnh sửa ca từ và từ đó, bài hát cứ vang lên vui tươi, rộn ràng đầy ắp tự hào, tha thiết: “Mùa xuân này về trên quê ta/ Khắp đất trời biển rộng bao la/ Cây xanh tươi ra lá trổ hoa/ Chào mùa xuân về với mọi nhà”… “Thành phố Hồ Chí Minh quê ta/ Đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói/ Lưu danh đến muôn đời”.

Đây là một trong 6 tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Xuân Hồng đã mang đến Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho ông.

Nguồn VOV.VN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục