BAOTAYNINH.VN trên Google News

3 dấu hiệu điển hình của viêm phế quản mãn tính 

Cập nhật ngày: 30/08/2022 - 11:20

Viêm phế quản là một bệnh khá phổ biến, thường người bệnh sẽ phục hồi sau 2 tuần nhưng nếu điều trị không dứt điểm có thể chuyển thành mãn tính.

Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc BV Đa khoa An Việt, khi bị viêm phế quản cấp tính là tình trạng viêm niêm mạc phế quản mà trước đó không có tổn thương. Người bệnh có các dấu hiệu như sốt nhẹ, sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát cổ họng, đau nhức cơ thể….

Viêm phế quản cấp thường diễn biến lành tính, bệnh tự khỏi sau 2 tuần. Nhưng ở người cao tuổi, trẻ sơ sinh, những người có thể trạng yếu, sức miễn dịch kém và những người hút thuốc lá, tiếp xúc với khói bụi độc hại thường xuyên… bệnh có thể diễn tiến lâu hơn và nếu không xử lý kịp thời có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi và chuyển sang thành viêm phế quản mãn tính.
 
PGS An cho rằng, viêm phế quản mạn tính một bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới và bệnh tiến triển từ từ, có thể tăng dần nếu không được điều trị tích cực. Bệnh cũng có thể tiến triển thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Theo PGS An, phế quản là một bộ phận của hệ thống hô hấp dưới, có nhiệm vụ dẫn khí vào phổi. Phế quản được chia thành phế quản chính phải và phế quản chính trái, bắt đầu từ nơi phân chia của khí quản đến rốn phổi.

Khi bị viêm phế quản cấp không được chữa trị hoặc chữa trị không đúng dẫn đến viêm phế quản mạn tính. Viêm phế quản mạn tính có thể đơn thuần, có thể kết hợp với một số bệnh khác về phổi (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, khí phế thũng…) hoặc kết hợp với vệnh về tim (bệnh tâm phế mãn).

PGS An khám cho bệnh nhân. 

Nguyên nhân của viêm phế quản mãn tính, PGS An cho biết, ở người cao tuổi nguyên nhân chủ yếu do sự giảm chức năng đề kháng của cơ thể kết hợp với sức khỏe nói chung bị sa sút bởi tuổi tác cao và sự tấn công của vi sinh vật gây bệnh đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Nếu người cao tuổi nghiện thuốc lá, thuốc lào hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, có nhiều bụi, khói như khói công nghiệp, khói bếp, nhất là bếp than, bếp đun rơm, rạ, củi sẽ càng có nguy cơ bị bệnh này hơn.
 
Hoặc những người có cơ địa dị ứng, hen suyễn, dị ứng với thời tiết nhất là thời tiết ẩm, ướt, lạnh, khô hanh.

Dấu hiệu của viêm phế quản mãn tính, người bệnh có 3 dấu hiệu đặc trưng đó là ho, khạc đờm nhầy hoặc mủ và khó thở.

Theo PGS An, ở giai đoạn đầu của bệnh người bệnh ho và khạc ra đờm vào buổi sáng. Ho thường xảy ra từng đợt, nhất là khi thời tiết thay đổi như nóng, lạnh đột ngột, mưa nắng thất thường, gió mùa hoặc lúc thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại, mỗi đợt ho kéo dài từ một đến vài tuần, mỗi năm có khi xảy ra ho, khạc đờm nhầy đến 5 - 6 lần.

Người bệnh ho đờm, đờm có màu trắng, lỏng hoặc đặc quánh, đôi khi có bọt. Bệnh càng kéo dài, gây ho càng nhiều và đờm ngày càng đặc hơn và đổi màu thường là màu vàng. Khối lượng đờm do ho, khạc ra trong một ngày có khi lên tới 100ml hoặc hơn thế nữa.

Những tháng sau, năm sau, ho ngày càng tăng lên, số lượng đờm cũng tăng dần và bệnh viêm phế quản mạn tính cũng càng nặng hơn mỗi đợt ho sẽ kéo dài hơn vài tuần và số lần ho cũng tăng lên một cách đáng kể.

Viêm phế quản mạn tính ở giai đoạn muộn hơn có khó thở. Lúc đầu người bệnh chỉ mới cảm thấy nặng ngực giống như hen suyễn, dần dần là khó thở thực sự.

Viêm phế quản mãn tính gây nên sự thiếu hụt không khí càng nhiều, từ đó làm rối loạn chức năng hô hấp một cách đáng kể, người bệnh bị thiếu dưỡng khí. Họ luôn bị mệt mỏi, sụt cân, ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể, nhất là hệ tuần hoàn và hệ thần kinh trung ương như tim đập nhanh, mệt mỏi, buồn ngủ….

Nếu không được điều trị đúng, dứt điểm, bệnh có thể dẫn đến bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm phế mạn, khí phế thũng, giãn phế quản. Đây là những bệnh thuộc loại bệnh nặng của đường hô hấp.

PGS An khuyến cáo, khi bị viêm phế quản cấp cần được khám bệnh và điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ, không tự chẩn đoán và không tự mua thuốc để điều trị, nhất là dùng kháng sinh không theo đơn thuốc của bác sĩ bệnh càng dễ thành mạn tính và làm cho vi khuẩn kháng thuốc rất khó điều trị mỗi khi bệnh tái phát.

Nguồn infonet