Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Từ phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, dự thảo Quy hoạch xác định tầm nhìn phát triển là Tây Ninh xanh, có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và cửa ngõ thương mại quốc tế.
Chú thích: Lãnh đạo tỉnh tại Lễ khánh thành cầu và đường kết nối hai tỉnh Tây Ninh - Bình Dương. Ảnh: Đỗ Thành Nhân
Chiều 29.12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức phiên họp cho ý kiến về dự thảo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội nghị có sự tham dự của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm; các Phó Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái, Nguyễn Mạnh Hùng cùng các Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.
Tại phiên họp, đại diện đơn vị tư vấn trình bày báo cáo tóm tắt về dự thảo quy hoạch với các nội dung: hiện trạng phát triển, tầm nhìn, mục tiêu phát triển, tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, phương án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phương án phân bổ sử dụng đất, danh mục dự án ưu tiên, giải pháp và kế hoạch trình thẩm định của Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Từ phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, dự thảo Quy hoạch xác định tầm nhìn phát triển là Tây Ninh xanh, có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và cửa ngõ thương mại quốc tế. Định hướng giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh) bình quân đạt 14,4%/năm.
Về cơ cấu kinh tế đến năm 2030, tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp 7,8%, công nghiệp - xây dựng 69,2%, dịch vụ chiếm 16%; GRDP bình quân đầu người 340 triệu đồng/năm; tỷ lệ đô thị hoá từ 55% trở lên, 100% xã và 100% các huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo dự thảo Quy hoạch, tổ chức không gian các hoạt động kinh tế được xác định theo 3 vùng kinh tế - 4 trục động lực. 3 vùng kinh tế gồm: vùng 1 là vùng phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ có tính lan toả và vùng nông nghiệp công nghệ cao; vùng 2 là vùng trung tâm hành chính, văn hoá, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, tiếp đến là công nghiệp hỗ trợ và chế biến, nông nghiệp công nghệ cao; vùng 3 là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng an sinh xã hội và du lịch sinh thái.
4 trục động lực bao gồm, trục số 1: hành lang phát triển Bắc Nam chính của tỉnh Tây Ninh, gắn với cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và quốc lộ 22, 22B; trục số 2: hành lang kết nối vùng với Bình Dương và Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng phía Nam; trục số 3: hành lang trung chuyển hàng hoá giữa khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Tây Nguyên; trục số 4: hành lang kết nối vùng với Bình Dương và Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng trung tâm và trục 4+1: hành lang hỗ trợ an ninh quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.
Đóng góp nội dung dự thảo Quy hoạch tỉnh, có 5 lượt ý kiến, trong đó có ý kiến băn khoăn về tốc độ tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2021-2030 đặt ra cao, sẽ khó khả thi; cần cập nhật quy hoạch vùng Đông Nam bộ vào nội dung quy hoạch tỉnh để xác định đúng định hướng phát triển tỉnh Tây Ninh; không đưa Tạp chí Văn nghệ vào quy hoạch truyền thông đa phương tiện của tỉnh; cần có chi tiết các danh mục phát triển từng ngành, từng vùng trong dự thảo Quy hoạch tỉnh để thuận lợi trong tổ chức thực hiện; đề nghị đơn vị tư vấn và Ban Chỉ đạo quan tâm đưa các đề xuất giải pháp thiết thực để bảo đảm tính khả thi cho Quy hoạch, đặc biệt là yếu tố con người.
Các ý kiến tại hội nghị đều được đơn vị tư vấn, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo UBND tỉnh tiếp thu, giải trình làm rõ. Theo ý kiến giải trình, việc lựa chọn một kịch bản phát triển cao, có những định hướng mang tính đột phá trong quy hoạch này đã được tính toán kỹ. Tốc độ tăng trưởng liên quan đến dự án đề xuất và dồn tham vọng tăng trưởng cho giai đoạn 2026-2030 khi trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án động lực được triển khai.
Nghị quyết và chương trình hành động nghị quyết phát triển vùng Đông Nam bộ cũng đã được tích hợp vào dự thảo quy hoạch tỉnh. Về mức độ chi tiết, đơn vị tư vấn đã làm việc với hội đồng thẩm định, tham khảo ý kiến các địa phương và xác định chỉ nên ghi ở mức định hướng để tạo sự linh hoạt, thuận lợi hơn khi triển khai quy hoạch.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cơ bản thống nhất nội dung, kịch bản tăng trưởng theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị đơn vị tư vấn và Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục bổ sung các giải pháp triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm tính khả thi của định hướng phát triển theo Quy hoạch.
Đối với các nội dung trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên nghiên cứu chọn hướng mở, linh hoạt để tạo thuận lợi hơn việc tổ chức thực hiện về sau, tránh bị động, phải điều chỉnh quy hoạch. Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục thực hiện các bước theo lộ trình, nếu có thay đổi lớn phải báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và về nguyên tắc Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ cho ý kiến dự thảo quy hoạch tỉnh một lần nữa trước khi trình HĐND tỉnh.
Phương Thúy