Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Khu di tích lịch sử - văn hoá Căn cứ Huyện uỷ Toà Thánh (Khu căn cứ Năm Trại) toạ lạc ấp Năm Trại, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành được thành lập vào những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nhà tưởng niệm trong khu căn cứ Năm Trại (ấp Năm Trại, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành).
Khu căn cứ Năm Trại trực tiếp chỉ đạo 2 xã Long Thành và Trường Hoà; tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia lực lượng vũ trang huyện Toà Thánh (C36) và đội du kích xã Trường Hoà, xây dựng cơ sở mật… Ngoài ra, căn cứ còn là nơi đứng chân của các đơn vị tỉnh như Tiểu đoàn D1, D14, D16 để thực hiện phối hợp ba mũi giáp công gồm chính trị, binh vận và quân sự; chống địch càn quét, bình định lấn chiếm vùng giải phóng, tách dân ra khỏi cách mạng.
Khu căn cứ Năm Trại khi xưa là khu rừng rậm nối liền rừng 16 mẫu bao quát cả một vùng rộng lớn của 3 huyện Toà Thánh (nay là thị xã Hoà Thành), Gò Dầu, Dương Minh Châu. Nhưng nay chỉ còn giữ được ở khu trung tâm của căn cứ Huyện uỷ được khoanh vùng bảo vệ với diện tích 9.047m2. Từ khi Căn cứ Năm Trại được thành lập (năm 1961), lực lượng vũ trang huyện Toà Thánh và Đội du kích xã Trường Hoà đã tổ chức nhiều trận đánh thắng oanh liệt, gieo rắc nỗi sợ hãi cho quân địch.
Bia tưởng niệm tại Khu căn cứ Năm Trại ghi rõ: ngày 26.3.1975, Tiểu đoàn 26 của huyện Toà Thánh chính thức thành lập tại Căn cứ Năm Trại. Ngay từ những ngày đầu được thành lập, đơn vị đã cùng Đội du kích Trường Hoà phối hợp D1, D26 huyện Dương Minh Châu tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó D26 của huyện Toà Thánh chia làm hai mũi tiến về giải phóng Chi khu Phú Khương. Khi đến Báo Quốc Từ và xã Hiệp Ninh vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975 thì chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng.
Trong suốt 14 năm (1961-1975), Căn cứ Năm Trại dù bị địch đánh phá ác liệt nhưng với sự chi viện của cấp trên, sự đùm bọc giúp đỡ của Nhân dân, C36 và Đội du kích xã Trường Hoà đã mưu trí, dũng cảm kiên cường bám trụ vượt qua gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Khu rừng chồi trong căn cứ Năm Trại được Đảng bộ thị xã Hoà Thành gìn giữ, bảo tồn.
49 năm đã qua kể từ ngày đất nước thống nhất, bà Trần Thị Tuyết, 67 tuổi, ngụ ấp Năm Trại, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành vẫn nhớ rõ những ngày tham gia cùng lực lượng vũ trang đóng quân tại Căn cứ Năm Trại.
Bà Tuyết kể: khoảng năm 1972, bà Tuyết cùng nhiều phụ nữ ở xã Trường Hoà đã giác ngộ và đi theo cách mạng. Theo sự phân công của các chú trong căn cứ, bà Tuyết cùng một số chị em làm công tác tiếp tế lương thực, thuốc men cho các anh chiến đấu trong căn cứ, đồng thời theo dõi, nắm tình hình hoạt động của địch tại khu vực xã Trường Hoà để thông báo cho căn cứ.
Ngày trước, đường vào khu rừng lõm Căn cứ Năm Trại chỉ là đường xe bò. Để tiếp tế lương thực, thuốc men, bà Tuyết cùng một số chị em ở Chi hội Phụ nữ xã Trường Hoà lợi dụng việc đi làm rẫy ở gần căn cứ Năm Trại để thực hiện nhiệm vụ. Khi thì tiếp tế gạo, thuốc, có khi thông tin về tình hình của địch để các chú, các anh trong căn cứ nắm, tổ chức mai phục đánh địch.
Bà Trần Thị Tuyết kể lại những ngày cùng chị em phụ nữ xã Trường Hoà làm công tác tiếp tế lương thực, thuốc men cho lực lượng chiến đấu trong khu căn cứ Năm Trại.
Sau ngày 30.4.1975, bà Tuyết tham gia công tác phụ nữ ở xã Trường Hoà, sau đó chuyển về công tác tại Hội Phụ nữ Hoà Thành và lập gia đình. Năm 1992, bà xin nghỉ việc, dành thời gian chăm sóc gia đình.
Khoảng năm 2000, vợ chồng bà Trần Thị Tuyết mua một mảnh đất gần Khu căn cứ Năm Trại sinh sống, làm rẫy. Khi khu căn cứ được tu bổ, chồng bà Tuyết nhận nhiệm vụ trông coi.
Năm 2016, chồng bà Tuyết qua đời, bà tiếp tục công việc trông coi khu căn cứ và thường xuyên vào thắp hương tại bia tưởng niệm. Mỗi khi có người muốn vào tìm hiểu khu di tích, bà Tuyết đều sốt sắng mở cổng, dẫn du khách vào tham quan.
Ngày 26.3 hằng năm, nơi đây trở thành chốn về của nhiều thế hệ từng tham gia chiến đấu tại Căn cứ Năm Trại cùng ôn lại những ngày tháng hào hùng. Mỗi lần họp mặt, bà Tuyết đều xúc động và rất vui gặp lại những chú, người anh năm xưa, những người đã tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho bà Trần Thị Tuyết và cho chị em Chi hội Phụ nữ xã Trường Hoà những năm kháng chiến chống Mỹ.
Hiện nay, Khu căn cứ Năm Trại đã được thị xã Hoà Thành trùng tu, tu bổ khang trang, trở thành nơi thường xuyên tổ chức hoạt động về nguồn của các ban, ngành, đoàn thể; đặc biệt hằng năm nơi đây được chọn để tổ chức Hội trại tòng quân, lễ giao nhận quân của thị xã Hoà Thành nhằm giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho các hội viên, đoàn viên, thế hệ trẻ và Nhân dân.
Tấn Hưng