BAOTAYNINH.VN trên Google News

30 năm bắt căm xe nuôi con khôn lớn 

Cập nhật ngày: 18/06/2023 - 09:32

BTN - Đối với ông Tèo, nghề bắt căm xe không chỉ là nghề để kiếm sống mà còn là câu chuyện của cả đời người, tuy bình dị nhưng đầy niềm vui và hạnh phúc.

Ông Tèo cẩn thận bắt căm xe cho khách.

Ở góc tiệm quen thuộc tại hẻm nhỏ số 59, đường Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 2, phường 3, thành phố Tây Ninh, ông Cao Trí Dũng (sinh năm 1968, thường được gọi là ông Tèo) vẫn miệt mài với cái nghề bắt căm xe máy. Từ gỉ sét cho đến mới đều được ông thuần thục đảo bánh, căn chỉnh đều hai bên. Hơn 30 năm qua, cái nghề này đã giúp ông nuôi các con khôn lớn.

Rút căm thành thương hiệu

Tấm bảng hiệu “Bắt căm Tèo Gái” giản dị treo ngay cổng ra vào, tiệm của ông Tèo lúc nào cũng đông khách. Đôi tay thuần thục, tỉ mỉ của ông rà theo bánh xe, rồi dùng cờ lê căn chỉnh những chiếc căm chưa ngay hàng cho cân xứng. Ông kể: “Tôi làm nghề hơn 30 năm.

Đây là nghề của ba tôi truyền lại cho các anh em. Năm học lớp 5, tôi nghỉ học theo ba sửa xe đạp. Thời bao cấp, người chạy xe máy còn ít, người dân chủ yếu đi xe đạp nên tôi chọn nghề bắt căm xe đạp để mưu sinh. Mỗi ngày sửa xe chỉ đủ chi tiêu trong gia đình. Kinh tế dần phát triển, người dân đi xe máy nhiều nên tôi  tự tìm tòi, học hỏi thêm từ những người thợ lành nghề quen biết nghề bắt căm xe máy...”. 

Những năm sau đó, ông cùng người em trai mở tiệm tại ngã tư đường Nguyễn Chí Thanh - Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Tây Ninh. Tiệm nằm tại vị trí đắc địa, cùng sự tỉ mỉ, khéo léo khi làm nghề nên cửa tiệm của gia đình ông được nhiều người biết đến.

“Tiệm của tôi hồi trước khá có tiếng. Khách hàng từ các huyện, thị trong tỉnh cho đến các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước cũng tìm đến. Trung bình một ngày, hai em anh có thể bắt được hơn 20 cặp bánh xe. Tên tiệm “Bắt căm Tèo Gái” đã thành thương hiệu của gia đình. Các anh em của tôi ra nghề đều lấy tên này”- ông Tèo kể.

Sau này, ba ông Tèo bán căn nhà mặt tiền chia cho các con xây dựng gia đình riêng và làm vốn buôn bán, lập nghiệp. Gia đình ông chuyển vào hẻm nhỏ 59, đường CMT8 sinh sống hơn 6 năm qua. Dời vào hẻm nhỏ, khách của ông vơi đi rất nhiều vì vị trí khó tìm.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tìm đến làm rồi truyền tai nhau, tiệm bắt căm xe của ông đông khách trở lại. “Thời gian đầu dời tiệm về đây, khách thưa thớt, thu nhập của tôi giảm sút. Nhờ khách hàng gần xa tin tưởng, lặn lội tìm đến, công việc của tôi mới tiến triển. Tôi rất biết ơn tình cảm của các anh em, bạn hàng”- ông Tèo bộc bạch.

Hạnh phúc với nghề

Theo ông Tèo, nghề bắt căm xe không khó, chỉ cần chịu khó, tỉ mỉ, cẩn thận là được. Mặc dù hiện nay nhiều thứ đã có công nghệ làm thay, nhưng việc rút căm thủ công cho xe máy đến thời điểm này vẫn chưa có máy móc nào thay thế được. “Bánh xe có 2 loại căm, căm mâm và căm chỉ.

Thời nay, người ta sử dụng bánh mâm nhiều, bánh căm ít phổ biến hơn. Loại bánh này cũng dễ bắt căm hơn. Có những người mua xe mới vẫn đến chỗ tôi bắt căm lại vì xe mới bắt căm bằng máy móc nhưng chưa được chuẩn, cân đối, lúc chạy vẫn bị chao đảo bánh”- ông Tèo chia sẻ.

Vừa bắt từng cây căm, vừa căn chỉnh hai bên vành xe bằng ngón tay cái thật cẩn thận, thao tác thành thạo, dứt khoát, ông Tèo nói, bí quyết bắt căm xe chính là cảm nhận về sự cân đối. Căm xe chỉ nên được vặn ở độ cứng vừa phải, đều nhau, khi đó bánh xe sẽ chạy nhẹ nhàng hơn. Nếu bắt căm quá cứng, căm xe có thể sẽ bị gãy do lực từ bánh xe tác động lên. Bánh xe chạy êm hay không tuỳ thuộc vào trình độ của thợ bắt căm. Mỗi thợ sẽ có kỹ thuật căn chỉnh khác nhau.

Ông Lê Quang Sương (ngụ phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh)- một khách hàng thân thiết của ông Tèo cho biết, kỹ thuật bắt căm của ông Tèo rất chuẩn, những bánh xe do ông bắt chạy rất êm, không bị chao đảo. Xe máy của gia đình ông đều đem đến cho ông Tèo căn chỉnh. Ông Sương rất quý tấm lòng tận tâm với nghề của ông Tèo. Mỗi người khách đến tiệm đều được ông tư vấn cẩn thận, bắt căm rất chu đáo.

Hơn 30 năm qua, với nghề bắt căm xe, ông Tèo có thu nhập ổn định để nuôi ba mẹ, vợ và các con. Với ông Tèo, niềm hạnh phúc lớn nhất chính là 3 đứa con được học hành tử tế, có công việc ổn định. Ông cũng đã truyền nghề cho con trai út. Dịp cuối tuần, nghỉ lễ, tết hay bất cứ khi nào rảnh rỗi, anh về phụ ba bắt căm. Tuy nhiên, do nghề khá vất vả, ông Tèo cũng không muốn các con theo nghề mà khuyên con nên làm công việc mình yêu thích.

Hiện tại, tuổi đã cao, mỗi ngày ông Tèo bắt chỉ được 2-3 cặp bánh xe, thu nhập trung bình 200.000 - 300.000 đồng. Đối với ông, như vậy là đã đủ. “Tuổi đã cao, sức khoẻ suy giảm nhiều nên tôi hay bị đau lưng. Vì vậy, tôi không nhận nhiều hàng nữa. Khi bắt căm thấy đau lưng tôi đi nằm nghỉ, khoẻ rồi thì lại làm tiếp. Các con bảo tôi nghỉ việc, dưỡng già nhưng không làm lại “ngứa ngáy tay chân”, khách hàng cũ tìm đến bắt căm tôi bỏ không đặng nên mỗi ngày bắt vài cặp căm là vừa sức và vui rồi”- ông Tèo chia sẻ.

Qua thời gian, nghề không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là niềm vui trong cuộc sống. Đối với ông Tèo, nghề bắt căm xe không chỉ là nghề để kiếm sống mà còn là câu chuyện của cả đời người, tuy bình dị nhưng đầy niềm vui và hạnh phúc.

Ngọc Bích