Đọc báo in
Tải ứng dụng
30 năm cùng hành động
2024-07-07 23:31:33

Trong 30 năm qua, dù công tác dân số Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể, nhưng vẫn còn không ít thách thức như: chênh lệch mức sinh giữa các vùng; tốc độ già hoá nhanh; tỷ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao...

Cairo 1994 và những vấn đề đang đối mặt

Tại Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển năm 1994 (tổ chức tại Cairo, thủ đô Ai Cập), 179 quốc gia- trong đó có Việt Nam, đã thông qua Chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển (ICPD).

Đến nay, tròn 20 năm (1994-2024) thực hiện Chương trình hành động ICPD, các quốc gia đều đồng thuận quan điểm, cho rằng cần đặt con người vào vị trí trung tâm và khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển.

Việc lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, vùng nhằm giải quyết hợp lý các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, mức chết, di cư... đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế và xã hội.

Một trong những “công dân nhí” đầu tiên chào đời vào ngày 1.1.2024 của tỉnh Tây Ninh là bé gái, nặng 2,9 kg

Tuy nhiên, thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề như: tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản, nhu cầu về kế hoạch hoá gia đình chưa được đáp ứng, bạo lực đối với phụ nữ, mang thai ở tuổi vị thành niên…

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 800 phụ nữ tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được có liên quan đến thai sản, điều này tương đương với hơn 290 ngàn phụ nữ tử vong mỗi năm.

Bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đến gần 1/3 phụ nữ trên toàn thế giới, hiện mới chỉ khoảng 55% phụ nữ có khả năng tự đưa ra quyết định về sức khoẻ sinh sản và tình dục của mình. Hiện một nửa dân số thế giới đang sống ở các trung tâm đô thị, đến năm 2050 con số này sẽ gần 70%.

Bài toán kinh tế đặt ra từ năm 2022 đến năm 2030, nếu chi thêm 79 tỷ USD để giải quyết vấn đề nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hoá gia đình và phòng tránh tử vong bà mẹ có thể sẽ ngăn chặn 400 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn, cứu sống khoảng 1 triệu phụ nữ và tạo ra 660 tỷ USD lợi ích kinh tế.

Đối với nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn, nếu đầu tư khoảng 152 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2030, sẽ tránh được khoảng 230 triệu trường hợp, bảo đảm 386 triệu bé gái được đến trường và mang lại 5,1 nghìn tỷ USD lợi ích kinh tế.

Thành quả của Việt Nam

Tại Việt Nam, công tác dân số trong 30 năm qua đã có những thành tựu đáng kể. Đơn cử, nước ta đã áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư, dân số vượt mốc 100 triệu người, tuổi thọ trung bình đạt 73,7 tuổi (năm 2023).

Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện.

Trong thời gian qua, công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Minh chứng, tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 cho đến nay tiếp tục duy trì xung quanh mức sinh thay thế; cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực; dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.

Đặc biệt từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người (thu nhập người dân khoảng 56 triệu đồng/năm- Tổng cục Thống kê công bố đầu tháng 4.2024).

Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hoá gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan toả, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số và kế hoạch hoá gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn luôn ở mức cao, trong khi tỷ số thông thường là 104-106 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Trên thực tế từ năm 2010, tỷ số này đã ở ngưỡng đáng báo động là 110,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái, có nơi tỷ số này từng lên đến 114 trẻ em trai/100 trẻ em gái.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tăng lên 2,5 triệu vào 25 năm sau đó. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, dưới 109, trung bình mỗi năm phải giảm 0,4 điểm phần trăm.

Tây Ninh: Tăng cường truyền thông về công tác dân số

Bà Trần Thị Ngọc Nương- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để tăng cường công tác tuyên truyền về Ngày Dân số thế giới 11.7, đồng thời bảo đảm công tác dân số hiệu quả trong thời gian tới, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông đến các đơn vị, cơ sở y tế trực thuộc.

Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin thêm, dân số trung bình năm 2023 của toàn tỉnh ước đạt 1,195 triệu người, với 322.582 hộ dân, tăng 0,52%, tỷ suất sinh thô đạt 10,23%. Trong đó, khu vực thành thị: 389.169 người (chiếm tỷ trọng 32,56% tổng số, tăng 0,63%), dân số nông thôn: 805.736 người (chiếm tỷ trọng 67,44% tổng số, tăng 0,46%) so với năm 2022. Trong đó, hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều 2.083 hộ, chiếm tỷ lệ 0,65%/tổng số hộ dân (512 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,16% và 1.571 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,49%).

Dân số trung bình năm 2023 của toàn tỉnh đạt gần 1,195 triệu người.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2023 ước 680.609 người, chiếm tỷ trọng 56,95% dân số tỉnh và tăng 1,62% so năm trước, số lao động đang làm việc là 669.765 người, chiếm tỷ trọng 56,05% dân số của tỉnh, tăng 1,55% so với năm 2022.

Theo ngành Y tế, hoạt động chăm sóc sức khoẻ sinh sản được thực hiện tốt, giảm được tỷ suất chết bà mẹ liên quan đến thai sản. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi giảm nhanh. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2023 là 108,10 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi liên tục cải thiện trong các năm qua, cụ thể năm 2023 là 19,2%.

Với chủ đề năm 2024: “Kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, Cairo 1994”, bên cạnh 12 khẩu hiệu truyền thông của Bộ Y tế, Sở chỉ đạo các đơn vị từ cấp tỉnh, huyện, xã tổ chức các hoạt động truyền thông về Ngày Dân số thế giới 11.7 trên báo, đài địa phương và các loại hình truyền thông số, mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo...); treo băng-rôn cổ động; tổ chức mít tinh, lễ phát động; xe loa phát thanh lưu động tại các nơi công cộng, khu công nghiệp.

Trong đó, đặc biệt chú trọng truyền thông về lợi ích của việc sinh đủ 2 con; chuyển đổi hành vi về giới và bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; truyền thông nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội; lợi ích và tầm quan trọng của việc tư vấn và khám sức khoẻ trước khi kết hôn cho nam/nữ thanh niên; thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; phổ biến các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội trong việc thực hiện giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; ý nghĩa, tầm quan trọng của chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho người cao tuổi; các nội dung rèn luyện thân thể, phòng các bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

Song song đó, ngành Y tế cung cấp kiến thức về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục phù hợp với các nhóm đối tượng đặc thù (gồm: trẻ vị thành niên, thanh niên, người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất…) góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, dự phòng vô sinh và nâng cao chất lượng dân số; đồng thời ưu tiên truyền thông dành cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, bao gồm người dân tộc thiểu số, người di cư, người khuyết tật và những người bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu.

Tâm Giang

Tây Ninh có tỷ lệ tăng dân số tự nhiên thấp nhất, đạt 0,55% so với các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai… Dự đoán, dân số Tây Ninh có xu hướng già hoá trong vòng 20-30 năm tới, điều này tương tự như xu hướng chung của cả nước.

Theo Cục Dân số, Việt Nam được dự báo sẽ bắt đầu thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2%. Thời kỳ dân số già của Việt Nam sẽ kéo dài 20 năm, từ năm 2036 đến năm 2055. Sau giai đoạn này, từ năm 2056 đến 2069, Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số siêu già tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 21%.

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh