BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sở Tư pháp Tây Ninh:

35 năm hình thành và phát triển 

Cập nhật ngày: 27/12/2017 - 07:48

BTNO - Trong thời gian qua, ngành Tư pháp Tây Ninh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương lao động hạng III cho tập thể và 3 cá nhân của Sở Tư pháp…

Trụ sở Sở Tư pháp Tây Ninh.

Ngày 28/12/1982 là một mốc son trong lịch sử hình thành và phát triển Sở Tư pháp Tây Ninh, đánh dấu sự ra đời của Sở Tư pháp Tây Ninh theo Quyết định số 276/QĐ-UB của UBND tỉnh Tây Ninh (Tiền thân là Ban Pháp chế thuộc UBND tỉnh). Kể từ thời điểm này, Sở Tư pháp bắt đầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác tư pháp tại địa phương.

Qua 35 năm hình thành và phát triển của Sở Tư pháp Tây Ninh, toàn thể công chức, viên chức và người lao động của ngành đã không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ tư pháp như Bác Hồ đã dạy “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” và luôn đề cao tinh thần đoàn kết, không ngừng phấn đấu, đổi mới, sáng tạo. 35 năm qua, Sở Tư pháp đã từng bước vững mạnh và ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình là cơ quan “ gác cửa” cho UBND tỉnh về công tác pháp luật một cách hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của tỉnh nhà.

Qua các thời kỳ hình thành và phát triển của ngành, Sở Tư pháp Tây Ninh ngày càng được củng cố, tăng cường về mặt tổ chức, số lượng, chất lượng cán bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phục vụ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Khi mới thành lập, Sở Tư pháp chỉ có 03 đồng chí, sau đó tiếp tục bổ sung thêm biên chế lên đến 18 người, từ đó 04 phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở được thành lập như: Phòng quản lý tòa án và quản lý tư pháp khác, Phòng Nghiên cứu và Tuyên truyền giáo dục pháp luật, Phòng Quản lý công tác chấp hành án, Văn phòng, tổ chức, đào tạo. Đến cuối năm 1986, hệ thống các cơ quan tư pháp của tỉnh từng bước được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở, gồm: Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện, Ban Tư pháp cấp xã.

Nhiệm vụ của ngành giai đoạn này (1982-1986) là tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý thống nhất các công việc tư pháp sau: Công tác ban hành văn bản pháp quy; công tác tuyên truyền pháp luật; tổ chức đào tạo; quản lý công tác tư pháp khác; từ tháng 8/1985, giúp Bộ Tư pháp quản lý về mặt tổ chức TAND cấp huyện từ TAND tỉnh chuyển qua.

Năm 1987, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo tinh thần thông báo số 46-TBTƯ ngày 12/12/1987 của Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, tổ chức, bộ máy của Ngành Tư pháp có biến động. Biên chế của Sở chỉ còn 17 người; Phòng Tư pháp cấp huyện bị giải thể, sáp nhập vào Văn phòng UBND cấp huyện, tổ chức pháp chế ngành bị tinh giản. Ban Tư pháp cấp xã gặp khó khăn, lúng túng trong thực hiện chuyên môn do không có sự chỉ đạo hướng dẫn của Phòng Tư pháp. Bên cạnh đó, Ngành lại được tiếp tục giao thêm nhiều nhiệm vụ mới như: Giúp UBND các cấp quản lý, đăng ký hộ tịch (có cả việc quản lý, đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài), công tác công chứng, luật sư, giám định tư pháp.

Trong giai đoạn từ năm 1989 đến năm 1991 thành lập các tổ chức mới như: Đoàn Luật sư Tây Ninh (Tiền thân là Đoàn bào chữa viên nhân dân), các tổ chức giám định Tư pháp và năm 1991 thành lập Phòng Công chứng số 1.

Đến năm 1993, thực hiện Nghị định số 38/CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp và Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 20/7/1993 của Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ, trong đó xác định rõ hệ thống ngành Tư pháp từ Trung ương đến địa phương có 4 cấp là Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp.

Theo đó, Sở Tư pháp được giao 9 nhiệm vụ với 8 phòng, trung tâm trực thuộc giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý thống nhất việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân; quản lý các Toà án nhân dân huyện, thị xã thuộc tỉnh về mặt tổ chức theo sự phân cấp của Bộ Tư pháp; quản lý công tác thi hành án dân sự địa phương theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự; quản lý tổ chức và hoạt động của các đoàn luật sư, các tổ chức tư vấn luật theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra thực hiện công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp, thống kê tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện một số công tác hộ tịch thuộc thẩm quyền; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn và ngắn hạn ở địa phương, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình giảng dạy pháp luật trong các trường học; bồi dưỡng kiến thức pháp lý và hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp địa phương; chỉ đạo và tổng kết hoạt động hoà giải trong phạm vi tỉnh; thực hiện thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, tổ chức bộ máy Ngành Tư pháp Tây Ninh có sự chuyển biến lớn cả về số lượng và chất lượng.

Thực hiện Nghị định số 171/2004/NĐ-CP và Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, Trên cơ sở các văn bản này, Ngành Tư pháp Tây Ninh tiếp tục được giao thêm nhiệm vụ mới: công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL. Thực hiện sự phân cấp của Bộ Tư pháp về công tác quản lý TAND cấp huyện về mặt tổ chức từ năm 1982 - 2002 Sở tư pháp đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Tính đến thời điểm bàn giao về tổ chức bộ máy hệ thống toà án theo tinh thần Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2002 các toà án đều đã được sắp xếp, thành lập đủ cơ cấu bộ máy và bố trí đủ các chức danh lãnh đạo và chuyên môn nghiệp vụ theo quy định pháp luật. Cơ sở vật chất đã được xây mới hoặc được sửa chữa nâng cấp một cách cơ bản.

Sở Tư pháp giai đoạn này (2003-2008) gồm 06 phòng: Văn phòng Sở; Thanh tra Sở; Phòng Văn bản; Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật; Phòng Hành chính tư pháp; Phòng Tổ chức – Tư pháp khác. Và 05 đơn vị trực thuộc: Phòng Công chứng số 1; Phòng Công chứng số 2, Phòng Công chứng số 3; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản.

Nhiệm vụ chính trị của Ngành Tư pháp Tây Ninh trong giai đoạn này là tiếp tục tham mưu cho UBND các cấp trong công tác xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; công chứng; chứng thực; nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; trọng tài thương mại; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; luật sư; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; giám định tư pháp; hòa giải ở cơ sở; bán đấu giá tài sản và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới, Thông tư Liên tịch số 01/2009/ TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Liên bộ Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và công tác Tư pháp của UBND cấp xã, theo đó, Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý thống nhất 26 nhóm nhiệm vụ về công tác tư pháp trong tỉnh; một số nhiệm vụ công tác mới giao gồm: Theo dõi chung về thi hành pháp luật; Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Xây dựng hương ước, quy ước; Bán đấu giá tài sản; Pháp chế; Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Trọng tài thương mại… Theo đó, Sở Tư pháp được kiện toàn từ 6 phòng chuyên môn nghiệp vụ lên 7 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 05 đơn vị trực thuộc. Biên chế của Sở giai đoạn này (2009-2012) là 52 công chức, viên chức. Về trình độ chuyên môn có 03 thạc sĩ luật, 36 cử nhân Luật; 10 đại học và 05 trung cấp khác.

Thực hiện Luật Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện không còn trực thuộc Sở Tư pháp, tháng 04/2010, Sở Tư pháp đã chính thức bàn giao công tác này cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Năm 2013, thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, Sở Tư pháp đã tổ chức tiếp nhận việc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ và tổ chức biên chế làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng UBND tỉnh sang Sở Tư pháp.

Thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh, Phòng Tư pháp huyện, thành phố, Sở Tư pháp được giao 34 nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ mới như: kiểm soát thủ tục hành chính, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cụ thể hóa nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính….Như vậy, so với Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV Sở Tư pháp đã tăng thêm 8 nhiệm vụ. Theo đó, Sở Tư pháp được kiện toàn từ 7 phòng chuyên môn nghiệp vụ lên 8 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 05 đơn vị trực thuộc. Biên chế của Sở giai đoạn này (2009-2012) là 52 công chức, viên chức.

Thực hiện Nghị định số 92/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, nhằm để kịp thời tạo khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan, đơn vị làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ trung ương đến địa phương. Sở Tư pháp lại thực hiện việc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ và tổ chức biên chế làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ Sở Tư pháp sang Văn phòng UBND tỉnh từ ngày 01/10/2017.

Hiện nay, Sở Tư pháp có 07 phòng nghiệp vụ với 24/27 biên chế hành chính; 36/42 biên chế đơn vị sự nghiệp; 05 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và 12 hợp đồng lao động khác. Công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở có 04 công chức trình độ thạc sĩ Luật, 42 công chức, viên chức có trình độ Đại học Luật, 15 công chức, viên chức có trình độ đại học, cao đẳng khác.

Trong những năm qua, Sở Tư pháp Tây Ninh đã phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị - pháp lý quan trọng của tỉnh và đã đạt được các thành tích quan trọng. Sở đã tham gia, thẩm định văn bản QPPL của tỉnh với chất lượng ngày càng cao; thực hiện rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa văn bản QPPL được chú trọng, qua đó đã giúp phòng ngừa, phát hiện các vi phạm, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của các văn bản; tăng cường phối hợp với các ngành và các tổ chức đoàn thể cùng cấp để triển khai công tác PBGDPL kịp thời bằng  nhiều hình thức đa dạng, nội dung  phong phú, sát thực và đạt hiệu quả cao..., góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của cán bộ và nhân dân. 

Công tác hành chính tư pháp từng bước được nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng với yêu cầu của tổ chức, cá nhân về lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) cũng đi vào nền nếp, hoạt động chất lượng, hiệu quả, đã tác động tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội, gỡ bỏ những rào cản về TTHC đối với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân; tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được chú trọng, qua đó từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật. Công tác bổ trợ tư pháp hoạt động ngày càng có hiệu quả, chuyên nghiệp hơn. Công tác xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị đã được triển khai thực hiện tốt, đáp ứng chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước. 

 Trải qua 35 năm, nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, Ngành Tư pháp Tây Ninh  đã có những bước phát triển về mọi mặt, chức năng nhiệm vụ của ngành được nhà nước tin tưởng giao ngày càng tăng, từ 10 nhiệm vụ được giao theo NĐ 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng lên đến 34 nhiệm vụ theo NĐ 24/2014/NĐ-CP. Đội ngũ công chức, viên chức của Ngành từng bước được củng cố kiện toàn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ 18 biên chế buổi đầu thành lập Sở, đến thời điểm hiện nay là 27 biên chế theo NĐ 24/2014/NĐ-CP. Bộ máy tổ chức của Sở không ngừng được củng cố, kiện toàn phù hợp với các nhiệm vụ ở mỗi thời kỳ.

Ghi nhận kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành Tư pháp Tây Ninh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương lao động hạng III cho tập thể Sở Tư pháp và 03 cá nhân của Sở Tư pháp; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 01 tập thể Trung tâm trợ giúp pháp lý và 13 cá nhân; Tập thể Sở Tư pháp nhận 01 cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, 05 cờ thi đua xuất sắc của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh; Bộ Tư pháp tặng 15 Bằng khen cho tập thể và cá nhân hằng năm và nhiều Bằng khen theo chuyên đề; UBND tỉnh đã trao 04 cờ thi đua xuất sắc cho các đơn vị sự nghiệp của Sở và 14 cờ thi đua xuất sắc cho Phòng Tư pháp các huyện, thành phố…

Kim Hương