Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
4 năm sau trận thắng ở Mỹ Đình, Thái Lan còn mạnh hơn Việt Nam?
Thứ hai: 15:02 ngày 26/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cán cân lực lượng giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan đã thay đổi rõ rệt với ưu thế có phần nghiêng về HLV Park Hang-seo cùng các học trò, kể từ trận đấu ở Mỹ Đình năm 2015.

Ngày 5/9, tuyển Việt Nam mở màn chiến dịch vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á bằng trận gặp Thái Lan. Đó dường như là một định mệnh được sắp đặt. 4 năm trước, cũng ở vòng loại thứ hai World Cup, vẫn là trận mở màn, vẫn trên sân Thái Lan, hai đội cũng gặp nhau.

4 năm trước, hai chiến thắng (1-0 trên sân Rajamangala và 3-0 tại Mỹ Đình) trước Việt Nam đã góp phần mở ra thời kỳ hoàng kim của bóng đá Thái Lan. 4 năm sau, thế hệ 2015 của người Thái đã có nhiều thay đổi.

Tuyển Thái Lan từng trội hơn Việt Nam mọi mặt hồi năm 2015.

Thái Lan thay đổi thế nào sau 4 năm?

4 năm trước, Thái Lan của Kiatisak Senamuang gặp Việt Nam tại vòng loại World Cup 2018 mà không có cầu thủ nào đang thi đấu ở nước ngoài. Ngôi sao số một của bóng đá Thái ngày ấy là Teerasil Dangda vừa trở về từ CLB La Liga Almeria sau một năm thi đấu theo dạng cho mượn.

4 năm sau, sự khác biệt là khá rõ ràng. Đội hình Thái Lan của HLV Akira Nishino có 4 cái tên đang chơi ở nước ngoài là Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan, Thitiphan Puangchan và Kawin Thamsatchanan. So với Dangda năm xưa, Chanathip còn có phần trội hơn, thậm chí đang trên đường trở thành cầu thủ Thái Lan hay nhất lịch sử. Nhiều người tin rằng vắng Chanathip là lý do chính dẫn tới thất bại của Thái Lan trước Việt Nam hồi tháng 6.

3 năm ở J.League là 3 năm Chanathip khiến nền bóng đá số một châu lục phải tôn trọng. Anh luôn nằm trong nhóm những tiền vệ công hay nhất giải đấu, sánh ngang với các ngôi sao Nhật Bản và những ngoại binh xuất sắc từ khắp thế giới. Mùa trước, Chanathip có tên trong đội hình tiêu biểu J.League, điều mà cả Andres Iniesta, Fernando Torres lẫn Lukas Podolski đều không làm được.

Ngoài Chanathip, Thái Lan còn bộ đôi Theerathon Bunmathan và Thitiphan Puangchan. Cả hai đều đá chính ở những CLB hùng mạnh là Yokohama F. Marinos và Oita Trinita. Họ cũng là những người đầy duyên nợ với bóng đá Việt. Bunmathan từng sút tung lưới Nguyên Mạnh tại Mỹ Đình còn Puangchan buộc Phí Minh Long vào lưới nhặt bóng ở SEA Games 2015.

Chanathip (phải) là sự khác biệt lớn nhất của Thái Lan ở King’s Cup và vòng loại World Cup. Đồ họa: Minh Phúc.

Tại King’s Cup, chỉ Bunmathan và Puangchan là đủ để gây muôn vàn khó khăn cho tuyến giữa tuyển Việt Nam. Lần tới, họ còn có thêm Chanathip. Transfermarkt định giá Chanathip 2,2 triệu euro, tức là hơn toàn bộ đội hình tuyển Việt Nam cộng lại (1,55 triệu euro).

Ba trận gần nhất Chanathip có mặt trải dài từ AFF Cup 2012, Thái Lan đều thắng Việt Nam, ghi tổng cộng 7 bàn, lọt lưới đúng 1 lần. Từ Dương Hồng Sơn, Huỳnh Quốc Anh tới Lê Công Vinh, Nguyễn Văn Quyết hay sau này là Đỗ Duy Mạnh, Quế Ngọc Hải, họ đều từng là bại tướng dưới tay Chanathip.

Bên cạnh “Messi Jay”, Thái Lan vẫn còn 6 người trong đội hình chiến thắng vào năm 2015. Về cơ bản, họ vẫn giữ được bộ khung của “thế hệ vàng” năm xưa. Đấy là lý do HLV Sasom Pobprasert của Chonburi tự tin khẳng định: “Tôi nghĩ nếu bộ ba Chanathip, Bunmathan và Puangchan trở về, sẽ không có vấn đề gì lớn cho tuyển Thái Lan (trước Việt Nam)”.

Đương nhiên, điều đó không có nghĩa rằng Thái Lan không có điểm yếu. Ngoài tuyến tiền vệ, ba khu vực còn lại trong đội hình Thái Lan đều có những vấn đề riêng.

Trên hàng công, HLV Akira Nishino đoạn tuyệt quá khứ khi loại Dangda và Adisak Kraisorn nhưng chưa tìm ra phương án tương lai tương xứng. Trước khung thành, “gã khổng lồ” Kawin Thamsatchanan vẫn hiện diện nhưng không còn ở đỉnh cao phong độ. Chính Kawin là tội đồ trong thất bại ở Buriram khi lóng ngóng tự đưa bóng vào lưới từ cú đánh đầu của Nguyễn Anh Đức.

Vị trí của Kawin có vẻ cũng khiến HLV Nishino đau đầu hơn cả. Bằng chứng là ông đã gọi tới 5 thủ môn cho một đợt tập trung ngắn hạn. Nhưng cả 4 thủ môn kia mới có tổng cộng 28 trận cho đội tuyển Thái Lan. Từng ấy là quá ít cho một trận quyết đấu căng thẳng đang tới rất gần.

Thái Lan 2019 không còn giữ được khí thế cao ngạo như hồi 2015.

Đâu rồi uy thế áp đảo quần hùng?

Tuy nhiên, lực lượng chưa phải là vấn đề lớn nhất với tuyển Thái Lan của HLV Akira Nishino.

Khác biệt lớn nhất của Thái Lan 2015 và Thái Lan hiện tại có lẽ nằm ở yếu tố tinh thần. 4 năm trước, tuyển Thái Lan đang bước vào thời kỳ đẹp nhất trong lịch sử. Họ gặp Việt Nam khi vừa vô địch SEA Games 2013, đăng quang AFF Cup 2014, vào tới bán kết Asian Games ở Incheon. Thế hệ Thái Lan khi ấy mạnh vượt trội so với toàn bộ Đông Nam Á đồng thời sở hữu khí thế áp đảo quần hùng.

Ở chiều ngược lại, bóng đá Việt Nam vẫn đang tái thiết sau sự đi xuống có hệ thống của V.League cùng những thất bại liên tiếp ở AFF Cup 2012 và SEA Games 2013. Nền bóng đá mới bắt đầu gượng dậy khi vào tới bán kết AFF Cup 2014 dưới thời Toshiya Miura. Bất chấp lối chơi phòng ngự tử thủ, ông Miura không ngăn được Thái Lan thắng cả 2 lượt trận, ghi 4 bàn, không để lọt lưới lần nào.

Tuyển Thái ngày ấy cũng giữ được sự ổn định trên băng ghế huấn luyện trong năm thứ ba dưới triều đại Kiatisak. Họ duy trì được sự thống nhất cả về con người lẫn lối chơi từ cấp độ U23. Lứa Chanathip do Kiatisak bồi dưỡng, nâng tầm, được ông đưa tới đỉnh cao. Mối quan hệ giữa họ khăng khít, mạnh mẽ, tạo thành khối đoàn kết cực mạnh.

Trong khi Việt Nam ổn định, Thái Lan liên tục biến động trên băng ghế huấn luyện.

Ngày nay, tất cả những điều đó đã mất. Thái Lan thảm bại ở vòng loại thứ ba World Cup 2018, mất ngôi vương AFF Cup, thua nhục nhã Ấn Độ ở Asian Cup, liên tiếp thất bại trước Việt Nam từ cấp độ U19, U23 tới tuyển quốc gia. Cuộc khảo sát mới đây của Matichon cho thấy 45% CĐV Thái không tin rằng chủ nhà có thể đánh bại Việt Nam.

Băng ghế HLV trưởng tuyển Thái đã 3 lần đổi chủ kể từ năm 2017. HLV Nishino đẳng cấp nhưng thử thách ở Thái Lan vẫn là rất lớn. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã bước vào năm thứ 3 của triều đại Park Hang-seo, đồng thời vẫn duy trì được sự ổn định cao độ cả ở cấp độ U23 và tuyển quốc gia.

4 năm trước, Kiatisak từng nói ông đã chứng minh “Thái Lan mới là Vua Đông Nam Á” trong phòng họp báo sân Mỹ Đình. 4 năm sau, người nói câu đó chắc chắn là một cái tên khác, thậm chí có thể tới từ bên kia chiến tuyến.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục