Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
40 năm gắn bó nghề sửa xe đạp
Thứ ba: 06:16 ngày 10/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở thị trấn Bến Cầu, nhiều người đều biết đến ông Hai Cẩu. Nhà ông ở khu phố 2, đây cũng là nơi ông làm cái nghề đã gắn bó với mình hơn nửa đời người- nghề sửa xe đạp.

Công việc sửa xe đạp thường ngày của ông Hai Cẩu.

Người dân địa phương thường gọi là ông Hai Cẩu, nhưng tên thật của ông là Nguyễn Văn Cầu. Năm nay ông đã 70 tuổi, quê quán xã Lộc Du, huyện Trảng Bàng.

Thuở nhỏ, sống trong một gia đình nghèo khó, là con lớn nhất trong nhà, Cầu không được học hành bao nhiêu, chỉ hết lớp ba trường làng là nghỉ để phụ cha mẹ làm lụng kiếm sống.

Sau năm 1975, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông lập gia đình cùng người có cảnh ngộ nghèo khó như mình. Ðôi vợ chồng nghèo ra ở riêng ở ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận (khu phố 2, thị trấn Bến Cầu ngày nay) và sống tại đây cho đến bây giờ.

Không ruộng đất sản xuất, vợ chồng ông mưu sinh bằng nghề làm thuê, làm mướn, xoay xở đủ việc: cấy lúa, đắp bờ, mót củi… để kiếm tiền. Công việc làm thuê cũng gặp không ít khó khăn. Thời điểm đó, xăng, dầu, nhớt khan hiếm, người sử dụng xe gắn máy còn ít, việc đi lại của người dân ở vùng quê thường bằng xe đạp.

Nằm đêm suy nghĩ, tính toán, ông Hai Cẩu quyết định sắm bộ đồ nghề đơn giản và sử dụng miếng đất nhỏ hơn 12m2 trước cửa nhà để làm nghề sửa xe đạp. Buổi ban đầu, tay nghề của ông còn yếu, các dụng cụ phục vụ cho việc sửa chữa lại ít, nên công việc của ông chủ yếu là bơm và vá xe.

Dần dần, ông tự tìm tòi học hỏi, ngoài việc sửa xe hằng ngày, ông còn tìm đến các anh em thợ lành nghề quen biết để học hỏi thêm. Nhờ tính tình hiền hậu, thật thà lại chịu khó, ông được nhiều anh em tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn để tay nghề ngày càng vững vàng hơn. Nhiều bà con lối xóm, cả những người ở xa cũng tìm đến ông để sửa xe đạp.

Cuộc sống gia đình đang êm ấm, bỗng vào một ngày năm 1996, bà Lan- vợ ông Hai Cẩu bị đau bụng và sốt nặng. Ông đưa bà đi cấp cứu, rồi theo đuổi việc chữa trị ở khắp nơi.

Trong thời gian dài bà Lan lâm bệnh, của cải trong nhà lần lượt ra đi nhưng bệnh vẫn không khỏi, và bà đã qua đời vì căn bệnh ung thư gan ở giai đoạn cuối. Trong căn nhà nhỏ trống hoác, chỉ còn ông Hai Cẩu và cô con gái. Hằng ngày, ông vẫn cặm cụi với cái nghề sửa xe đạp, kiếm tiền lo cuộc sống của hai cha con.

Nhiều năm làm nghề, nên ông cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm. Theo ông, sửa xe đạp không khó, chỉ cần chịu khó, tỉ mỉ là được. Trong nghề này, riêng việc bắt căm xe thì phải để ý cân sao cho hai bánh xe thẳng hàng với nhau, khi quay bánh xe không lệch vào phuộc, có thế xe chạy mới nhẹ nhàng, chở được tải trọng hàng chục ký, người điều khiển vẫn thấy khoẻ.

Có một khoảng thời gian, xe gắn máy phát triển rầm rộ. Xe đạp chừng vắng bóng, công việc của ông Hai Cẩu cũng chựng lại, anh em trong nghề ở địa phương đều phải chuyển sang làm công việc khác. Mặc dù vậy, ông vẫn đeo bám cái nghề ông đã quá quen.

Ông tự hào nói: “Tôi có nhiều mối quen và đã duy trì nghề này hơn 40 năm”. Giờ đây, niềm vui của ông Hai Cẩu là cô con gái duy nhất tên Nguyễn Thị Tuyết Nhung năm nay 37 tuổi, đã có gia đình riêng.

Ông cũng đã sửa sang lại căn nhà, dù tường chưa tô nhưng không còn cảnh dột ướt như trước. Trong nhà chỉ còn một mình ông, việc cơm áo không còn nặng gánh.

Người đàn ông đơn thân tuổi đã lớn, ngồi lâu cũng mệt mỏi, nhưng ông vẫn muốn duy trì cái nghề từng nuôi sống mình cho đến khi nào không làm được nữa.

THUỲ DUNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục