BAOTAYNINH.VN trên Google News

40 năm, những cánh sóng vươn xa 

Cập nhật ngày: 31/10/2017 - 09:55

BTNO - Sau 40 năm xây dựng và trưởng thành (1977-2017), Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh đã và đang có những bước phát triển khá toàn diện, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển của vùng đất biên giới.

Vào ngày 1.11.1977, vùng đất biên cương Tây Nam của tổ quốcđã vang lên tiếng nói “Đây là Đài Phát thanh tỉnh Tây Ninh”, đánh dấu sự ra đời của Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh hôm nay. 

Lễ khởi công xây dựng trụ sở Đài PTTH Tây Ninh năm 1995.

Với nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật còn trang bị lạc hậu, cũ kỹ… nhưng Đài Phát thanh Tây Ninh đã tự tin đến với nhân dân trong tỉnh khi phát sóng từ 4-5 giờ mỗi ngày.

Gần như bắt đầu từ con số không, vượt qua những trở ngại ban đầu, lớp cán bộ lãnh đạo của đài ngày đó như ông Huỳnh Văn Luận- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Giám đốc Đài, ông Trần Vân An- Phó Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng kiêm Phó Giám đốc, ông Nguyễn Văn Thọ sau này là Phó giám đốc chuyên trách, cùng các nhà báo Võ Thành Lập, Nguyễn Hoàng Hóa, Phạm Văn Quỳ… đã cùng chung sức để hình thành nên Đài Phát thanh Tây Ninh.

Trong điều kiện tỉnh Tây Ninh lúc bấy giờ vừa phải khôi phục sản xuất, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, đội ngũ nhà báo đầu tiên của Đài Phát thanh Tây Ninh  đã vừa làm vừa học, vượt qua bao khó khăn, đáp ứng cơ bản nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền những chủ trương, định hướng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Phóng viên Đài PTTH Tây Ninh tác nghiệp tại xã An Thạnh, huyện Bến Cầu.

Một điều thú vị là, tuy mang tiếng cơ quan phát thanh nhưng ngay từ những ngày ngày đầu hoạt động, Đài Phát thanh Tây Ninh đã có một bộ phận quay phim chuyên nghiệp là các ông Nguyễn Thanh Nhàn và Phan Tấn Quốc, đã trưởng thành trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và sớm được tăng cường cho Đài.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn kể lại, lúc bấy giờ, nhiệm vụ của Tổ Truyền hình thực chất chỉ là làm cộng tác viên cho Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh. Lúc đó, gọi là truyền hình nhưng quay bằng phim nhựa. Mỗi tuần thực hiện từ 2-3 tin, bài.

Sau khi quay và viết xong, mang tất cả băng chưa dàn dựng gửi cho Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh để biên tập, dựng lại rồi phát sóng. Vất vả là thế, nhưng Tổ Truyền hình ngày đó chính là hạt nhân, là nền tảng để 15 năm sau Đài Phát thanh Tây Ninh chính thức phát sóng những chương trình truyền hình đầu tiên.

Ngày 18.1.1993, Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh phát sóng buổi truyền hình đầu tiên trên kênh K11-VHF,  đồng thời thực hiện phát sóng hàng loạt chương trình truyền hình do đài tự sản xuất. Thương hiệu “TTV 11” bắt đầu vươn xa với hai cánh sóng phát thanh và truyền hình, bước đầu đáp ứng nhu cầu nghe và xem đài của nhân dân trong tỉnh. Giai đoạn này Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh đã phủ sóng toàn bộ hệ thống truyền thanh các huyện, thị trên địa bàn tỉnh nhà.   

Tổ xe màu Đài PTTH Tây Ninh chuẩn bị cho một buổi truyền hình trực tiếp.

Ngày 9.9.1999, từ trên đỉnh Núi Bà Đen cao 986 mét, làn sóng truyền hình của tỉnh đã chính thức phát đi với máy phát 5KHw, tăng công suất phát sóng gấp 5 lần so với trước đó. Cùng với thành quả đó là việc phát sóng phát thanh trên tần số FM với công suất 10Kw. Đó là thành quả của cả tập thể ngày đêm vượt qua bao khó khăn để đưa được các thiết bị, máy móc và phương tiện lên đỉnh núi, dựng trụ ăng ten truyền hình cao nhất miền Nam, kịp thời đưa sóng truyền hình TTV11 tỏa rộng ra nhiều tỉnh, thành thuộc miền Đông Nam bộ.

Ông Vũ Xuân Trường- Giám đốc Đài PTTH Tây Ninh cho biết, trước yêu cầu của bạn nghe và xem đài, cùng sự phát triển mạnh mẽ của các kênh truyền thông trong khu vực và cả nước, Đài PTTH Tây Ninh sẽ tiếp tục thực hiện việc đổi mới về nội dung và hình thức để các chương trình phong phú, đa dạng hơn. Đài PTTH Tây Ninh cũng bắt đầu triển khai thực hiện chủ trương số hóa truyền hình của Chính phủ, đáp ứng nhiệm vụ chính trị và yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Huỳnh Minh Đức