Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Học tập cộng đồng:
45/95 trung tâm chưa đạt chuẩn
Thứ sáu: 06:56 ngày 07/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Học tập cộng đồng là một thiết chế văn hoá ở cấp cơ sở (xã, phường). Hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hoá này thường xuyên được cấp quản lý đặt ra, đặc biệt là tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh. Vậy, hiện tại tình hình hoạt động của các trung tâm này như thế nào? Dưới đây là ghi nhận tại một số địa phương.

Văn phòng ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội xuống cấp, bỏ hoang từ lâu.

CÓ SÁCH NHƯNG KHÔNG CÓ NGƯỜI ĐỌC

Ông Nguyễn Minh Dương- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội, huyện Tân Châu cho biết, những người được giao làm việc tại Trung tâm (kiêm nhiệm hoặc chuyên trách, phụ trách) đều có bằng cấp đào tạo của một ngành nào đó, từ trung cấp trở lên. Tuy nhiên, những người này không có chuyên môn về lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Giám đốc Trung tâm kết hợp các ngành, đoàn thể và người dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội như tư vấn sản xuất, khởi nghiệp cho thanh niên, công tác kế hoạch hoá gia đình, phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, khuyến học; các hoạt động văn hoá, văn nghệ...  Trung tâm là nơi tổ chức các hoạt động hội họp, sinh hoạt định kỳ, chuyên đề của các tổ chức trong và ngoài hệ thống chính trị, là nơi tổ chức các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ và các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân.

Nói về hiệu quả của phòng đọc sách, ông Dương cho biết, Trung tâm có 1.269 cuốn sách nhưng ít người mượn đọc. Do không có hoặc rất ít người đọc, Ban Giám đốc Trung tâm xin ý kiến Đảng uỷ, UBND xã dời phòng đọc sách về UBND xã và đặt tại phòng Tiếp nhận và trả kết quả. Tuy nhiên, sau khi di dời, phòng đọc sách cũng hoạt động không hiệu quả.

Ngoài Trung tâm VHTT-HTCĐ, trên địa bàn xã Tân Hội còn có nhà văn hoá ấp. Cũng như Trung tâm, hiệu quả hoạt động của nhà văn hoá ấp không cao. “Trình độ của các trưởng ấp còn hạn chế, không có chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu làm việc bằng tinh thần trách nhiệm và uy tín được nhân dân tín nhiệm”- đại diện UBND xã giải thích.

Hiện tại xã có 6 văn phòng ấp, nhưng có 1 văn phòng ấp Hội Thành xuống cấp trầm trọng không thể hoạt động được, do đó, ấp phải mượn điểm lẻ của Trường tiểu học Tân Hội A tổ chức sinh hoạt, hội họp.

Để cải thiện chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hoá cơ sở, lãnh đạo UBND xã kiến nghị Sở VH,TT&DL đề xuất với UBND tỉnh mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về lĩnh vực văn hoá cho đội ngũ cán bộ quản lý ở cơ sở. Đồng thời, cân đối nguồn kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư, mua sắm thêm trang thiết bị cần thiết, bảo đảm Trung tâm VHTT-HTCĐ cấp xã và Văn phòng các ấp hoạt động hiệu quả. Lãnh đạo UBND xã cũng thông tin thêm, trong thời gian tới, cả Trung tâm VHTT-HTCĐ và nhà văn hoá ấp Hội Thành sẽ được xây mới.

Tại phường 2, thành phố Tây Ninh, Trung tâm VHTT-HTCĐ được thành lập năm 2009, đến năm 2018 trụ sở của Trung tâm được chuyển giao cho Trung tâm Văn hoá - Thông tin thành phố. Do vậy, hiện nay, Trung tâm chuyển về hoạt động tại trụ sở UBND phường. Hiện Trung tâm có phòng truyền thanh, phòng họp làm nơi tiếp nhận, đăng ký tham gia các lớp học, hoạt động văn hoá, thể thao.

Hội trường Trung tâm có thể phục vụ 100 người, được dùng cho sinh hoạt các câu lạc bộ, lớp năng khiếu nghệ thuật. Năm 2018, Trung tâm tổ chức, phối hợp thực hiện 24 lượt chuyên đề liên quan đến học tập, thu hút 1.199 lượt người tham dự. Trung tâm đã tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục, y tế, sức khoẻ, kỹ năng sống về tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, chăm sóc sức khoẻ cho mẹ và bé, vận động kế hoạch hoá gia đình.

Trung tâm còn hỗ trợ các trường trong công tác giảng dạy, thiết kế sản phẩm công nghệ thông tin. Trung tâm cũng thường xuyên vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo học giỏi, con em gia đình thương binh - liệt sĩ.

Khó khăn hiện nay là, cơ sở vật chất trang thiết bị còn thiếu thốn, đúng hơn là không có. UBND phường đề nghị cấp trên hỗ trợ xây mới Trung tâm VHTT-HTCĐ để tạo nơi vui chơi giải trí cho người dân.

NGHÈO NÀN, THIẾU SỨC HÚT

Lãnh đạo Sở VH,TT&DL đánh giá, thiết chế văn hoá cơ sở trong những năm qua có nhiều khởi sắc, các Trung tâm VHTT-HTCĐ từng bước được sửa chữa, xây mới khang trang, bước đầu đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí và học tập của người dân. Một số Trung tâm đã quan tâm củng cố bộ máy hoạt động, tổ chức được nhiều hoạt động phong phú, mời gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất cũng như tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao tại địa phương.

Đa số các Trung tâm đều có bộ máy tổ chức bảo đảm theo quy định và hình thành hệ thống cộng tác viên, có quy chế hoạt động, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, qua đó góp phần bảo đảm hoạt động cho các Trung tâm. Một số Trung tâm cũng đã chủ động hướng dẫn hoạt động cho nhà văn hoá ấp trên địa bàn. Công tác xã hội hoá đối với một số Trung tâm đạt chuẩn được thực hiện khá tốt, đã kêu gọi được các tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác các khu vui chơi giải trí cho trẻ em, sân bóng đá mi ni, hồ bơi… góp phần phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân, giảm kinh phí đầu tư Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Về hạn chế, ban giám đốc ở một số Trung tâm thiếu tính sáng tạo, còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm. Vị trí  phó giám đốc Trung tâm là giáo viên, tuy làm việc cho Trung tâm nhưng do nhà trường trả lương và đánh giá hằng năm nên vẫn phải tham gia giảng dạy dẫn đến thực hiện nhiệm vụ còn chồng chéo, chưa tham mưu tổ chức được nhiều hoạt động về học tập cộng đồng, xây dựng xã hội học tập.

Hầu hết ban giám đốc Trung tâm chưa được đào tạo chuyên sâu về văn hoá, thể dục thể thao, chưa có kế hoạch khảo sát, nắm bắt nhu cầu hưởng thụ văn hoá, học tập của người dân dẫn đến việc xây dựng kế hoạch hoạt động thường mang tính chủ quan, thiếu thực tế, tính khả thi chưa cao.

Trên toàn tỉnh, có đến 45/95 Trung tâm chưa đạt chuẩn, trang thiết bị chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động. Một số Trung tâm đạt chuẩn nhưng không kêu gọi xã hội hoá được nên các phòng chức năng hầu như không hoạt động, gây lãng phí. Một số Trung tâm nằm trong UBND xã hoặc đặt ở vị trí xa trung tâm nên khó khăn trong tổ chức hoạt động và kêu gọi đầu tư. Có Trung tâm khai thác chưa hiệu quả trang thiết bị và cũng có Trung tâm không có trang thiết bị; nên khi có hoạt động phải thuê ở bên ngoài.

Trong các kỳ tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến đánh giá, một số Trung tâm hoạt động chưa đa dạng, phong phú, thiếu sức hút, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Về ý kiến này, lãnh đạo Sở cho biết, trong nhiều năm qua, ngành đã phối hợp với ngành Giáo dục-Đào tạo tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng hoạt động của Trung tâm.

Trong đó, hướng dẫn xây dựng cơ sở vật chất; hướng dẫn hoạt động; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; kiểm tra, thẩm định việc thực hiện các tiêu chí nâng cao. Ban giám đốc các Trung tâm đã có nhiều nỗ lực thực hiện các hướng dẫn, bảng điểm thi đua... nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Nguyên nhân được xác định là chính quyền ở một số địa phương chưa sâu sát, chưa xác định đúng vai trò của Trung tâm nên thiếu sự chỉ đạo, hướng dẫn trong tổ chức các hoạt động chuyên môn, việc đầu tư kinh phí, nguồn lực chưa kịp thời nên hoạt động còn hạn chế.

Ban giám đốc Trung tâm chưa khảo sát nhu cầu của người dân, chưa nghiên cứu tổ chức các loại hình hoạt động có sức thu hút đối với cộng đồng. Mặt khác, ban giám đốc Trung tâm thường xuyên thay đổi người, lại thiếu kỹ năng hoạt động nên chưa đẩy mạnh hoạt động của các Trung tâm. Việc hướng dẫn, phân bổ kinh phí năm 2019 cho các Trung tâm chưa thống nhất giữa các huyện, thành phố, chưa kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc cho cơ quan cấp trên để hướng dẫn kịp thời, vì vậy có địa phương chưa hướng dẫn cho các Trung tâm thực hiện kinh phí mới, có địa phương đã triển khai nhưng các Trung tâm vẫn chưa nhận được kinh phí hoạt động.

Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân ngày càng cao, hệ thống internet ngày phát triển, trong khi phòng đọc tại các Trung tâm không hấp dẫn, nên ít thu hút được người dân đến sinh hoạt. Tỉnh chưa có văn bản hướng dẫn về việc thu hút xã hội hoá đối với lĩnh vực văn hoá, thể dục thể thao để thu hút các tổ chức, cá nhân trong việc đẩy mạnh hoạt động của các Trung tâm.

Vì sao trong thời gian qua, nhiều Trung tâm VHTT-HTCĐ cấp xã chưa khai thác tối đa cơ sở vật chất hiện có phục vụ nhu cầu tại các địa phương? Lãnh đạo Sở giải thích, ban giám đốc một số Trung tâm ít dành thời gian đầu tư cho việc xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch đổi mới nội dung hoạt động, từ đó chưa đa dạng hoá các nội dung hoạt động của trung tâm.

Chuyên môn nghiệp vụ của ban giám đốc chưa được đào tạo căn bản, không có năng khiếu, sở trường về văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao để sử dụng các phương tiện trang thiết bị được đầu tư... Để cải thiện hiệu quả hoạt động của Trung tâm VHTT-HTCĐ cần phải làm những gì? Lãnh đạo Sở cho biết, sắp tới sẽ rà soát, nắm bắt nhu cầu sử dụng cơ sở vật chất, trang cấp trang thiết bị cho những Trung tâm có nhu cầu hoạt động.

Cùng với đó, đổi mới nội dung các lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn hoạt động và kỹ năng hoạt động của cán bộ Trung tâm, tổ chức trao đổi kinh nghiệm nhân rộng các điển hình hoạt động hiệu quả cho cán bộ làm nhiệm vụ. Sở VH,TT&DL sẽ khảo sát nhu cầu của người dân về phòng đọc sách tại các Trung tâm, khảo sát nhu cầu của người dân, cộng đồng về việc tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao, học tập tại các địa phương để có hướng khắc phục, nâng cao hiệu quả hoạt động.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh