Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nơi nguỵ quyền Sài Gòn tại Tây Ninh đầu hàng ngày 30.4.1975:
45 năm nhìn lại
Thứ năm: 16:16 ngày 30/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại Tây Ninh, nơi ngày ấy nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn buông súng đầu hàng lực lượng cách mạng là trụ sở xã Long Thành, quận Phú Khương, nay là trung tâm đô thị của thị xã Hoà Thành - thị xã được công nhận cách nay chưa đầy ba tháng, trong những ngày cả nước căng mình chống dịch.

Cờ giải phóng tung bay trên đỉnh núi Bà Đen 1975. Ảnh tư liệu P.TK

Những ngày cuối tháng 4.2020, càng gần đến ngày kỷ niệm 45 năm Chiến thắng 30.4, niềm vui càng nhân lên gấp nhiều lần vì sau hai tuần rồi ba tuần giãn cách xã hội, nước ta đã và đang tiến đến chiến thắng đại dịch Covid-19.

Chiến lược “chống dịch như chống giặc” rất sớm do Đảng, Chính phủ ta phát động cho thấy hiệu quả hết sức tích cực, khi mà cả thế giới có tới hơn hai triệu bảy trăm ngàn người nhiễm, hơn một trăm chín chục ngàn người chết thì nước ta vẫn chỉ có hai trăm bảy mươi người mắc bệnh mà hơn tám phần mười đã được chữa khỏi và không ai phải chết. Có thể nói, đây là chiến thắng thần kỳ được lập lại sau 45 năm ta đã chiến thắng một cường quốc chưa từng biết thua trận.

Tại Tây Ninh, nơi ngày ấy nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn buông súng đầu hàng lực lượng cách mạng là trụ sở xã Long Thành, quận Phú Khương, nay là trung tâm đô thị của thị xã Hoà Thành - thị xã được công nhận cách nay chưa đầy ba tháng, trong những ngày cả nước căng mình chống dịch.

Gần đến kỷ niệm 45 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, mọi người đã từng chứng kiến sự kiện đại thắng mùa xuân 1975 không thể nào quên không khí vỡ oà niềm vui chào đón hoà bình sau bao nhiêu năm chiến tranh giành độc lập dân tộc.

Trước ngày 30.4.1975, quận Phú Khương cũ là địa bàn huyện Toà Thánh của chính quyền cách mạng tỉnh Tây Ninh, nơi có khu nội ô Toà thánh của đạo Cao Đài và chợ Long Hoa, là trung tâm thương mại sầm uất nhất tỉnh. Khi tin tức về bước tiến thần tốc của lực lượng cách mạng từ miền Trung, Tây Nguyên dồn dập đưa về, các cánh quân giải phóng đã áp sát Sài Gòn, thủ đô của chế độ nguỵ, nguỵ quyền Tây Ninh hết sức bấn loạn.

Từ sau ngày quân ta chiếm lĩnh núi Bà Đen, gần như ngày nào thị xã Tây Ninh cũng phải hứng chịu những trận pháo rót chính xác đến các vị trí quân sự, các đơn vị nguỵ quân phải co cụm chung quanh khu vực Toà thánh - Long Hoa, để mong lấy khu dân cư tập trung ở “vùng đạo” làm lá chắn.

Ngày 25.4.1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ở Tây Ninh chính thức bắt đầu. Xác định địa bàn huyện Toà Thánh là nơi trọng yếu, địch quân tập trung lực lượng về cố thủ để bảo vệ hang ổ cuối cùng ở Thị xã, nên Tỉnh uỷ đã cử nhiều đồng chí uỷ viên Thường vụ xuống trực tiếp bám sát địa bàn chỉ đạo chiến dịch. Nhiều tiểu đoàn chủ lực của tỉnh được điều đến để hỗ trợ cho lực lượng địa phương nhằm giải quyết chiến trường gọn nhất, nhanh nhất, đạt hiệu quả cao nhất, không để quân địch kịp trở tay đối phó.

Chiều 26.4, ba tiểu đoàn chủ lực 14, 16,18 theo nhiệm vụ được giao đánh bứt đường 22 tại cầu Bàu Nâu, lập thế trận chờ Trung đoàn 46 thuộc Sư đoàn 25 nguỵ rút chạy về Sài Gòn để tiêu diệt, nhưng chờ đến hết ngày 27.4 vẫn không thấy quân địch rút đi. Về sau ta mới biết, lúc ấy viên Tư lệnh Sư đoàn 25 nguỵ không ngừng thúc hối nhưng Đại tá nguỵ Bùi Đức Tài, Tỉnh trưởng Tây Ninh vẫn không chịu rút đi để chờ… đầu hàng cách mạng.

Sáng 28.4, hai Tiểu đoàn 16, 18 tiếp tục chặn đường 22, Tiểu đoàn 14 chuyển sang xã Trường Hoà cùng Tiểu đoàn 20 bao vây tiêu diệt Tiểu đoàn 352 bảo an nguỵ đang án ngữ tại nhà tịnh Trí Huệ cung, chiếm giữ cầu Đoạn Trần Kiều và tiến công đồn Trường Xuân. Với lực lượng mạnh, tinh thần chiến đấu cao, ta nhanh chóng giành thắng lợi cả ba mục tiêu. Tại đồn Trường Xuân, ta bắt được 6 tù binh và giải thoát 1 chiến sĩ của Tiểu đoàn 16 bị sa vào tay địch trước đó mấy ngày.

Ngày 29.4, Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh của tỉnh ra lệnh tổng công kích trên tất cả các chiến trường, mục tiêu cuối cùng của ta là tiểu khu Tây Ninh của địch. Đêm đó, Tiểu đoàn 14 hành quân, phối hợp với Tiểu đoàn 24 và lực lượng huyện Toà Thánh tiến công đồn Quy Thiện (gần trụ sở xã Trường Hoà ngày nay). Sau đó, lực lượng của ta tiến vào khu vực chợ Long Hoa, Tiểu đoàn 24 tiếp cận vùng nội ô Toà thánh và Tiểu đoàn 14 sẽ tiến thẳng ra Thị xã đánh chiếm mục tiêu cuối cùng.

Ở mặt trận phía Bắc huyện Toà Thánh, lực lượng Tiểu đoàn 26 của huyện xuất quân tại suối Bà Mùi, gần chân núi Bà Đen chọc thẳng vào hai ấp Ninh Tân, Ninh Thọ, xã Ninh Thạnh (nay là khu vực phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh).

Ngày 29.4, Tiểu đoàn 26 chia làm hai mũi, một mũi kết hợp với đơn vị Công an vũ trang của tỉnh tấn công bao vây bót Cầu Vườn Điều, một mũi kết hợp du kích xã Ninh Thạnh vượt lộ 20 (nay là đường Huỳnh Tấn Phát) vào chiếm khu vực Chợ Bắp thuộc xã Hiệp Ninh (nay là giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Cách Mạng Tháng Tám).

Lúc này, trung tâm đầu não của địch ở tỉnh lỵ (nay là trung tâm thành phố Tây Ninh) hoàn toàn rối loạn. Nguỵ quyền tỉnh không còn chỉ huy được việc hợp đồng tác chiến của lực lượng chúng ở Thị xã và các quận lỵ. Các đơn vị địch không còn phối hợp, chi viện cho nhau được nữa.

8 giờ sáng 30.4.1975, Ban Chỉ huy chiến dịch của tỉnh sử dụng vô tuyến điện liên lạc với Tỉnh trưởng nguỵ kêu gọi kẻ địch đầu hàng, kéo cờ trắng ở các đơn vị tác chiến và cử cấp chỉ huy ra gặp chỉ huy khu vực của ta.

Lúc đó, tại bót số 8 (phía Đông Nam khu nội ô Toà thánh, nay thuộc phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành), tên thiếu tá chỉ huy đơn vị Biệt động quân nguỵ cố thủ ở đây thấy không có “phép mầu” nào cứu được sinh mạng bọn chúng nên đã khoác áo dài trắng (đạo phục của tín đồ Cao Đài), kéo cờ trắng ra xin gặp lực lượng cách mạng để đầu hàng. Mặt trận phía Nam không còn sức kháng cự nào ngăn trở đường tiến công của Quân giải phóng.

10 giờ, Đại tá Bùi Đức Tài - Tỉnh trưởng nguỵ quyền Tây Ninh liên lạc bằng vô tuyến gặp Ban Chỉ huy chiến dịch của ta xin cử người ra gặp chỉ huy của ta ở Bến Kéo (ấp Long Yên, xã Long Thành Nam ngày nay) để xin đầu hàng. 30 phút sau, Đại tá Tỉnh trưởng nguỵ tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Ngay khi đó, bà Tư Giang, cán bộ binh vận huyện Toà Thánh đi từ Trường Hoà đã đến trụ sở xã Long Thành (Bưu điện thị xã Hoà Thành ngày nay) cắm lá cờ giải phóng lên cổng trụ sở xã của địch, chấm dứt cuộc chiến tranh tàn khốc mấy mươi năm tại địa phương.

Niềm mơ ước của toàn dân Tây Ninh đã thành hiện thực khi địa phương huyện Toà Thánh được chọn làm địa điểm đặt trụ sở Uỷ ban quân quản tỉnh để toàn bộ nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn ở Tây Ninh từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất đến trình diện chính quyền cách mạng, chấm dứt vĩnh viễn chế độ thối nát mà chủ nghĩa đế quốc đã xây dựng lên ở tỉnh nhà.

Vũ khí của kẻ địch mang đến nộp để đầu hàng chất thành đống trước trụ sở xã Long Thành (khu vực quảng trường Báo Quốc Từ) là hình ảnh mà người Tây Ninh được chứng kiến đến ngày nay khi hồi tưởng lại như vẫn còn hiển hiện trước mắt.

Hơn bốn thập kỷ định hình quê hương Hoà Thành giải phóng, thể theo nguyện vọng của gần 148.000 người dân đang sống ấm no, an lạc trên vùng đất chưa đầy 83 “cây số vuông” - gấp đôi khu vực “40 cây số vuông - thánh thị vô phòng thủ” theo quan niệm của các bậc tiền nhân khai vỡ đất Long Thành lập nên Tổ đình của đạo Cao Đài (khu nội ô Toà thánh) 95 năm trước, UBND tỉnh Tây Ninh đã lập đề án, thông qua HĐND tỉnh tại kỳ họp bất thường đầu tháng 10.2019, đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép thành lập “thị xã Hoà Thành” và các phường thuộc Thị xã trên cơ sở nguyên trạng huyện Hoà Thành, vốn đã đạt chuẩn đô thị loại IV từ một năm trước đó. 

Theo đề án, sau khi được Trung ương chấp thuận, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện Hoà Thành sẽ tích cực duy trì, đóng công góp sức phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Tính đến cuối năm 2019, Hoà Thành đã có nhiều nét phát triển đặc sắc, đủ điều kiện để được nâng cấp đô thị.

Cụ thể, theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 - đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2044/QĐ-TTg ngày 9.11.2010 và nhiều văn bản khác của Trung ương và của tỉnh, đã xác định vùng trung tâm phát triển đô thị của tỉnh gồm thành phố Tây Ninh (đô thị loại II), Hoà Thành (đô thị loại III), là chùm đô thị động lực chủ đạo, là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội tổng hợp vùng tỉnh, với trọng tâm là đầu mối kinh tế - hạ tầng xã hội, dịch vụ, du lịch, giáo dục đào tạo đại học và liên kết không gian kinh tế liên vùng tỉnh.

Đến nay, niềm mong ước của người dân Hoà Thành đã trở thành hiện thực. Tuy buổi lễ công nhận thị xã Hoà Thành chỉ tổ chức gọn nhẹ do diễn ra giữa mùa đại dịch toàn cầu Covid-19, nhưng vẫn hết sức long trọng với cờ hoa, biểu ngữ giăng khắp mọi nẻo đường từ tất cả các phường đô thị văn minh đến các xã nông thôn mới.

Gần đến ngày kỷ niệm 45 miền Nam giải phóng, Tây Ninh giải phóng, thời gian cách ly xã hội để phòng chống dịch đã qua, chuyển sang giai đoạn thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực phòng, chống dịch, bảo vệ sức khoẻ toàn dân, vừa ra sức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, niềm tin về một tương lai của quê hương đổi mới vẫn luôn ngời sáng trên ánh mắt của mọi người dân được giải phóng.

Nguyễn Tấn Hùng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh