Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
5.000 đồng/kWh, nguy cơ có tiền không mua được điện để xài
Thứ ba: 08:51 ngày 25/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tình hình cung ứng điện đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu căng thẳng, khả năng thiếu điện ngày càng hiện rõ. Hàng năm, nhu cầu điện vẫn tăng cao trong khi nguồn điện mới đưa vào lại chậm chạp đến mức báo động.

Điện chạy dầu 5.000 đồng/số

Số liệu thống kê từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy tiêu thụ điện đã lập các kỷ lục mới trong lịch sử vào hôm 21/6.

Cụ thể, do nắng nóng gay gắt diện rộng và duy trì liên tục ở mức 39-40 độ C ở miền Bắc và miền Trung trong tuần qua khiến công suất tiêu thụ điện đầu nguồn toàn quốc đã đạt tới 38.147 MW vào khoảng 14 giờ ngày 21/6.

Nắng nóng khiến tiêu thụ điện liên tục lập kỷ lục mới. Ảnh: Lương Bằng

Theo A0, đây là mức công suất đỉnh cao kỷ lục trong lịch sử từ trước đến nay. Mùa hè năm nay cũng ghi nhận liên tiếp các kỷ lục về tiêu thụ điện bị phá vỡ.

Trước tình hình này, để đảm bảo cung cấp điện với mức tiêu thụ tăng rất cao trong những ngày qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải thường xuyên huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu với chi phí rất cao từ 3.500-5.000 đồng/kWh. Riêng ngày 21/6, EVN đã phải huy động nhiều tổ máy nhiệt điện chạy dầu trong hệ thống với tổng công suất chạy dầu lên tới gần 2.000 MW.

Thực tế, tình hình cung ứng điện đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu căng thẳng, khả năng thiếu điệnngày càng hiện rõ. Hàng năm, nhu cầu điện vẫn tăng cao trong khi nguồn điện mới đưa vào lại chậm chạp đến mức báo động. 

PVN đang xây dựng 3 dự án là nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1 (1200MW) nhưng đều chậm tiến độ 2-3 năm. Trong đó, nhiệt điện Thái Bình 2 vướng vào “đại án” Đinh La Thăng chưa rõ ngày nào hoàn thành, còn nhiệt điện Long Phú 1 chưa thấy lối ra khi đang dở dang thì nhà thầu Nga nằm trong diện bị Mỹ cấm vận.

Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cho thấy, tổng hợp tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì chỉ 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW. Trong đó giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án. Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và khó có thể hoàn theo tiến độ trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

Hàng chục dự án điện BOT khác cũng đang chậm tiến độ hoặc chưa thể xác định tiến độ do còn vướng mắc trong đàm phán.

Theo Bộ Công Thương, nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động với sản lượng tương ứng 1,7 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020.

“Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020”, Bộ Công Thương cho biết.

Nhiều dự án điện chậm tiến độ, khiến nguy cơ thiếu điện ngày càng cao.

Một mình EVN không thể lo đủ điện

Cách đây ít lâu, khi trao đổi với báo chí, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thừa nhận: Nguồn điện năm nay bắt đầu gặp khó. Nguồn dự phòng cạn kiệt trong khi tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện vẫn 10%/năm.

Năm 2019 vẫn đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất của toàn quốc. Nhưng đến năm 2020, theo nhận xét sơ bộ thì khó khăn hơn vì thực tế nguồn điện bổ sung trong 2020 dự kiến chỉ khoảng 1.500 MW.

Ngoài ra, hiện nay EVN nắm giữ 60% nguồn điện, còn 40% của các thành phần khác như Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị phát điện độc lập khác.

Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, năm 2025 sở hữu nguồn của EVN sẽ giảm đi, không giữ ở mức 60% như hiện nay. Đến năm 2020, EVN chỉ còn sở hữu 50% nguồn phát điện, đến 2025 còn 35%, và 2030 còn 28%. “Như vậy phần đảm bảo cấp điện hay không phụ thuộc nhiều vào tham gia của các thành phần bên ngoài”, lãnh đạo EVN cho biết.

Nguồn điện phụ thuộc nhiều vào các thành phần bên ngoài. Nhưng có một thực tế, việc đưa các nguồn điện ngoài EVN vào hệ thống là rất chậm chạp như đã đề cập ở trên.

Chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn cho rằng: Nguyên nhân mấu chốt là do các dự án phát triển các nguồn điện bị chậm tiến độ rất nhiều so với quy hoạch phát triển của ngành điện.Trong đó, hầu hết các dự án nhà máy nhiệt điện chạy than của các chủ đầu tư không phải là EVN (như PVN, TKV, và các tư nhân trong nước và nước ngoài) đều bị chậm tiến độ. Còn nguyên nhân của việc chậm tiến độ và đội vốn là do các chủ đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện chạy than không có năng lực (về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm) và buông lỏng quản lý.

“Còn nguyên nhân của việc chủ đầu tư không có năng lực và buông lỏng quản lý là do tất cả các dự án này đều được triển khai theo “cơ chế đặc biệt” như chỉ định chủ đầu tư, không đấu thầu dự án, đưa vào quy hoạch theo “ý chí” của lãnh đạo”, TS Nguyễn Thành Sơn chia sẻ.

Ví dụ điển hình là các dự án của PVN như: nhiệt điện Thái Bình 2 (1200MW), Long Phú 1 (1200MW), Sông Hậu 1 (1200MW), dự án nào cũng vừa bị “chậm” vừa bị “đội vốn”.

Chính vì vậy, giải phóng căn cơ và hiệu quả nhất để tránh tình trạng thiếu được, theo các chuyên gia, là tháo gỡ “điểm nghẽn” về giá điện để thu hút đầu tư và bắt buộc người sử dụng phải tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện - điều mà Việt Nam đang thua xa mức bình quân của thế giới. Nếu không, sẽ đến lúc người dân gặp cảnh “có tiền cũng không mua được điện”.

Theo Bộ Công Thương, các năm 2021-2025, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, tuy nhiên hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam.

Theo đó, mức thiếu hụt tại miền Nam sẽ tăng từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên gần 10 tỷ kWh năm 2022. Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ năm 2025.

Nguồn vietnamnet

Báo Tây Ninh
Phân phối máy lạnh công nghiệp Lê Phạm Máy nén Copeland ZR190KC giá rẻ
Tin cùng chuyên mục