BAOTAYNINH.VN trên Google News

5 năm CNH – HĐH nông nghiệp: Bức tranh nông thôn Tây Ninh có nhiều khởi sắc

Cập nhật ngày: 07/09/2010 - 10:44

Thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về đẩy nhanh công nghiệp hoá- hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn (CNH-HĐH NNNT) thời kỳ 2001-2010, trong những năm qua Tây Ninh tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực này. Trong 5 năm gần đây, từ những nỗ lực của các cấp, các ngành mà  lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và bộ mặt nông thôn Tây Ninh đã có nhiều thay đổi đáng kể.

Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện

Với phương châm Nhà nước đầu tư cùng với sự đóng góp của nhân dân và các thành phần kinh tế, kết cấu hạ tầng nông thôn Tây Ninh trong 5 năm qua tiếp tục được đầu tư phát triển với tốc độ nhanh. Nhiều dự án được xây dựng và hoàn thành làm tăng năng lực sản xuất kinh doanh, bộ mặt nông thôn dần được đô thị hoá, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Lĩnh vực được đầu tư phát triển mạnh và đều khắp là giao thông nông thôn. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cấp và làm mới được hơn 400 km đường giao thông các loại- trong đó có 112 km đường giao thông nội thị và 317 km đường giao thông nông thôn. Trong đó có các tuyến giao thông quan trọng như: Quốc lộ 22B, các tuyến nối thị xã với các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu… và phối hợp triển khai xây dựng đường Hồ Chí Minh. Đến nay, hầu hết các tuyến đường giao thông đến các xã trong tỉnh đều đã được nhựa hoá. Riêng đường giao thông từ các xã đến các ấp và đường giao thông liên ấp cũng được nhân dân tích cực tham gia cùng Nhà nước nâng cấp mở rộng, giúp việc vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân ngày càng thuận tiện.

Một góc huyện biên giới Bến Cầu

Song song với đầu tư phát triển giao thông, những lĩnh vực hạ tầng khác cũng được quan tâm đầu tư. Hệ thống thuỷ lợi được đầu tư thêm hơn 357 tỷ đồng để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kênh tưới Tân Hưng và hệ thống tưới tự chảy vùng nguyên liệu mía Tân Châu và bê tông hoá hơn 220 km kênh mương trọng yếu. Đồng thời xây dựng thêm 3 trạm bơm là Hoà Thạnh, Bến Đình và Long Hưng. Từ năm 2009, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư thêm gần 1.000 tỷ đồng thực hiện dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng” ở Tây Ninh để nâng năng lực tưới lên hơn 100.000 ha. Đây là tiền đề quan trọng giúp lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh phát triển mạnh hơn. Chương trình “Điện khí hoá nông thôn” cũng đã đầu tư đưa lưới điện quốc gia về 21 xã nông thôn trước đây chưa có điện và xây dựng trên 700 km đường dây trung và hạ thế. Từ những nỗ lực phát triển lưới điện mà tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng đã được nâng lên hơn 99% tổng số hộ toàn tỉnh. Bưu chính viễn thông ở nông thôn cũng phát triển mạnh. Mạng lưới bưu chính viễn thông hiện nay đã phủ khắp các địa phương trong tỉnh, mật độ điện thoại được nâng lên hơn 130 máy/100 dân. Chương trình nước sinh hoạt được đầu tư đáp ứng nhu cầu nước sạch nông thôn. Trong 5 năm, tỉnh đã đầu tư hơn 48 tỷ đồng để xây dựng hơn 36 trạm cấp nước tập trung, hơn 1.300 giếng khoan sử dụng vật tư UNICEF, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân có nước sạch, nước hợp vệ sinh sử dụng hiện nay là hơn 80%. Lĩnh vực thương mại dịch vụ cũng được chú trọng, đến nay mạng lưới chợ đã được mở rộng ở hầu hết các khu vực nông thôn, biên giới, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu tiêu dùng và tiêu thụ sản phẩm của nhân dân. Ngành nghề nông thôn đã phát triển ngày càng mạnh bằng nhiều dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Riêng lĩnh vực giáo dục, để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân nông thôn, trong 5 năm tỉnh đã đầu tư xây dựng trên 1.000 phòng học mới. Với số lượng này, các vùng nông thôn Tây Ninh không còn tình trạng học 3 ca, trường lớp tạm được xoá dần và đã có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia…

Trong 5 năm qua, từ những nỗ lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng mà khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ở Tây Ninh ngày càng được thu hẹp. Gần như tất cả các phương tiện hiện đại đã được phổ biến đến các vùng nông thôn, trong đó có cả các phương tiện thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin.

Sản xuất nông nghiệp phát triển ngày càng mạnh

Song song với việc phát triển hạ tầng, một trong những trọng tâm của chương trình CNH-HĐH NNNT ở Tây Ninh là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp- mà trước tiên là giống. Trong 5 năm, Tây Ninh đã đầu tư kinh phí xây dựng và triển khai đồng loạt 6 chương trình giống cây trồng và vật nuôi. Một trong những chương trình đã có kết quả khả quan là giống lúa. Ngoài ra, các cây trồng chính khác như mía, mì, bắp, đậu… cũng được các ngành chức năng, các nhà máy và nhân dân nghiên cứu, tuyển chọn áp dụng- đặc biệt là cây mía. Theo đánh giá của ngành NN-PTNT thì hiện nay Tây Ninh đã có hơn 90% diện tích vùng nguyên liệu mía áp dụng giống mía mới, góp phần nâng năng suất bình quân mía ở Tây Ninh đạt hơn 60 tấn/ha. Ngoài ra, lĩnh vực cơ giới hoá nông nghiệp cũng đã được tập trung đầu tư. Trong những năm qua các khâu làm đất, khâu vận chuyển gần như đã được cơ giới hoá hoàn toàn. Các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch… cũng được cơ giới hoá ngày càng nhiều. Đặc biệt tỉnh đã đầu tư kinh phí hàng tỷ đồng để nghiên cứu, ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ trong canh tác cây mía tại Tây Ninh.

Nông dân Châu Thành thu hoạch hoa màu

Tất cả những nỗ lực đã góp phần hình thành nền nông nghiệp hàng hoá tập trung. Trong 5 năm, giá trị sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh luôn tăng trưởng ổn định- bình quân mỗi năm tăng đến hơn 7%. Trong đó, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân đến hơn 16% mỗi năm. Riêng lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản có sản lượng tăng bình quân mỗi năm đến 20%. Đặc biệt là trong những năm gần đây, cơ cấu ngành trồng trọt ở Tây Ninh đã có sự chuyển dịch đúng hướng, diện tích cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao tăng dần.

Kết quả của những nỗ lực CNH-HĐH NNNT ở Tây Ninh là đời sống nhân dân đã được nâng cao, số lượng hộ khá giàu tăng dần và số lượng hộ nghèo giảm dần. Thu nhập bình quân lao động trong 5 năm qua đạt đến hơn 26 triệu đồng/người/năm- tương đương 1.390 USD/người/năm. Số hộ nghèo theo tiêu chuẩn địa phương trong tỉnh giảm xuống còn dưới 3%, theo tiêu chuẩn Trung ương chỉ còn 1,5% tổng số hộ toàn tỉnh. Qua 5 năm nỗ lực, bức tranh nông thôn Tây Ninh tiếp tục khởi sắc, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ngày càng được thu hẹp. Hiện nay, bộ mặt nông thôn Tây Ninh đã thay đổi rất nhiều, trong đó có những khu dân cư tập trung được quy hoạch xây dựng hiện đại- không thua kém những khu thị trấn, thị xã.

SƠN TRẦN