Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5.2020 tăng 8,39% so tháng trước, chủ yếu do thời gian hoạt động của tháng 5 dài hơn vì tháng trước có thực hiện “giãn cách xã hội” (từ 1.4 đến 22.4.2020 để phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19).
Trong đó, tăng nhiều từ các ngành: khai khoáng (tăng 15,20%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (tăng 32,38%); sản xuất trang phục (tăng 25,01%); công nghiệp chế biến và chế tạo khác (tăng 28,40%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 17,09%).
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp dệt may.
Theo Cục Thống kê, cộng dồn 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4% so cùng kỳ, thấp hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ một số năm gần đây. Trong đó, ngành khai khoáng (giảm 13,07%); công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 1,22%).
Chỉ có ngành dệt duy trì mức tăng khá (tăng 17,08%), còn các ngành khác đều giảm, như sản xuất chế biến thực phẩm (giảm 10,23%), sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (giảm 11,34%); sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy (giảm 2,92%); sản xuất hoá chất và sản phẩm từ hoá chất (giảm 4,66%). Đối với các ngành công nghiệp khác như sản xuất phân phối điện tăng 148,09%; khai thác, xử lý và cung cấp nước giảm 0,83%.
Đối với sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất nhiều sản phẩm giảm so cùng kỳ, cụ thể: bột mì giảm 12,2%; giày dép các loại giảm 8,66%; quần áo các loại giảm 2,52%; gạch các loại giảm 2,64%; nước đường các loại giảm 3,99%.
Cũng có một số sản phẩm sản xuất tăng so cùng kỳ như: xi măng tăng 0,21%; Clanke poolan tăng 16,68%; vỏ, ruột xe các loại tăng 1,44%; điện thương phẩm tăng 0,21%; điện sản xuất tăng 540,42%; nước máy sản xuất tăng 8,71%.
Trước tác động của đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất ở các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở giai đoạn đầu, đa số các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ không có đủ nguyên liệu, không chủ động được nguyên liệu trong thời gian dài do không đủ nguồn vốn và chủ yếu là gia công nên nguyên liệu phụ thuộc nhiều vào khách hàng, nguồn nguyên liệu chỉ có thể bảo đảm nhiều nhất là trong vòng 1 tháng, thiếu nguyên liệu sản xuất, đơn hàng bị hủy nên buộc một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp sản xuất giày.
Số doanh nghiệp còn lại còn đơn hàng nhưng nguồn nguyên liệu không bảo đảm phải cắt giảm lao động, không tăng ca, thậm chí giảm giờ làm hoặc cho nghỉ việc luân phiên, nghỉ phép năm để bảo đảm ai cũng có thu nhập. Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà cả những doanh nghiệp lớn mặc dù chủ động được nguồn nguyên liệu cũng đứng trước nhiều khó khăn ở khâu xuất hàng; một số trường hợp hàng xuất đi khách hàng từ chối không nhận, số khác thì hàng đã làm nhưng khách hàng lại hủy hợp đồng…
Chính vì những khó khăn nêu trên nên mặc dù nước ta đã và đang thiết lập trạng thái mới để vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả nhưng hoạt động sản xuất vẫn chưa thể chuyển biến tích cực ngay. Bên cạnh đó, nước ta đã kiểm soát tốt, nhưng tình hình dịch bệnh Coivid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp nên hoạt động thương mại quốc tế chưa được thông suốt.
Giang Hà