BAOTAYNINH.VN trên Google News

50,68% DN công nghiệp Tây Ninh có cơ hội mở rộng thị trường, 31,51% gặp khó khăn

Cập nhật ngày: 11/08/2011 - 11:48

Ông Phạm Văn Quan, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sau 4 năm hội nhập (2007- 2010), kim ngạch xuất khẩu của Tây Ninh đạt 683 triệu USD/năm. Mức tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân mỗi năm là 22,06%. Nếu tính chung cả giai đoạn 5 năm 2006- 2010 thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 28,02% (đạt bình quân 627 triệu USD/năm).

Hàng hoá từ Việt Nam chờ làm thủ tục nhập khẩu qua cửa khẩu Ba Vét – Campuchia

Trong khi đó, giai đoạn trước hội nhập (2001- 2005), Tây Ninh lại có mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân mỗi năm là 34,3%. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu trước hội nhập lại thấp hơn giai đoạn hội nhập. Bình quân, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2001- 2005 chỉ đạt 150 triệu USD/năm. Trong giai đoạn đầu hội nhập, tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến đang chiếm tỷ trọng ngày càng cao.

Nguyên nhân chủ yếu làm cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn hội nhập giảm so với giai đoạn trước là do nền kinh tế phải chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Các lĩnh vực quan trọng là thương mại, đầu tư và tài chính đều bị ảnh hưởng nặng nề. Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và đầu tư sụt giảm. Từ đó, làm cho thị trường xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng bị thu hẹp đáng kể.

Sau hơn 4 năm hội nhập, vẫn còn không ít doanh nghiệp (DN) tư duy làm ăn theo “phong trào”; văn hoá kinh doanh chưa cao, thiếu doanh nhân và cán bộ quản lý có trình độ cao… Nhiều DN vẫn chưa tận dụng được cơ hội mở rộng thị trường, thậm chí đứng trước nguy cơ bị cạnh tranh lấy mất thị phần. Năng lực cạnh tranh của DN vẫn còn hạn chế, nhất là đối với 4 tiêu chí mang tính quyết định: chất lượng nguồn nhân lực, tiềm lực vốn, công nghệ và năng suất lao động. Trong đó, năng suất lao động đang là vấn đề đáng quan tâm, cần khắc phục để bảo đảm sự phát triển của DN trong tiến trình hội nhập.

Theo kết quả điều tra mới đây của Sở Công thương, hội nhập kinh tế quốc tế mang đến nhiều cơ hội cho DN thuộc lĩnh vực công nghiệp ở Tây Ninh nhiều hơn thách thức đối với thị trường đầu ra của sản phẩm. Có 50,68% DN cho rằng hội nhập đã mang đến cho họ cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá, trong khi chỉ có 31,51% DN cho rằng hội nhập khiến họ phải đối đầu với thách thức trong việc tìm thị trường xuất khẩu. Số DN còn lại cho rằng việc hội nhập không có tác động đáng kể đến quá trình sản xuất, kinh doanh của họ.

Nhiều DN cho rằng hội nhập mang đến cơ hội phát triển thị trường xuất khẩu

Đối với thị trường nguyên liệu, 40,32% DN cho rằng hội nhập tạo ra cơ hội cho họ, trong khi có 41,94% DN cho rằng hội nhập đem đến thách thức. 50,91% DN cho rằng hội nhập sẽ tạo ra thách thức đối với họ về vốn trong khi chỉ có 23,64% cho biết hội nhập là cơ hội phát triển quy mô và nguồn vốn. Có 54,51% DN cho biết họ gặp khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu về chất lượng sản phẩm khi hội nhập, trong khi chỉ có 15,25% cho rằng họ có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm. 25% DN cho biết họ gặp khó khăn về nguồn lao động có tay nghề, 35% lại cho rằng họ thuận lợi hơn trong vấn đề này khi hội nhập; phần còn lại cho biết tác động của hội nhập không đáng kể về nguồn lao động có tay nghề. Đáng chú ý là có 57,64% DN cho biết khi hội nhập, họ đối đầu với nhiều thách thức từ áp lực cải cách hành chính, trong khi chỉ có 15,25% cho rằng hội nhập là cơ hội.

Dù các DN địa phương đã có một số bước chuẩn bị, điều chỉnh để thích nghi trong tiến trình hội nhập nhưng phần lớn chỉ mới đang bắt đầu một số việc như mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh ngoài nước, nghiên cứu thị trường xuất khẩu. Chỉ có hơn 20% DN cho biết đã hoàn thành khâu xây dựng thương hiệu và gần 30% DN đã đa dạng hoá được sản phẩm làm ra.

HOÀNG THI