Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Quan hệ Việt Nam - Campuchia được định hình và phát triển xuất phát từ yêu cầu và mục tiêu chung của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước. Mối quan hệ này đã được nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp bằng công sức, xương máu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Campuchia.
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và các tỉnh bạn thuộc Vương quốc Campuchia chụp ảnh lưu niệm tại khu triển lãm xúc tiến thương mại.
Là một trong 10 tỉnh có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp Vương quốc Campuchia, Tây Ninh luôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại; chủ động xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia. Đối ngoại trong hợp tác an ninh - kinh tế biên giới được đẩy mạnh, quốc phòng an ninh được củng cố để hình thành thế chân kiềng vững chắc, góp phần “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tình hữu nghị là tài sản vô giá
Đầu tháng 9 vừa qua, tỉnh Tây Ninh tổ chức họp mặt với 4 tỉnh: Svay Rieng, Prey Veng, Tboung Khmum, Kampong Cham thuộc Vương quốc Campuchia và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hoá, thể thao, thương mại nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24.6.1967 - 24.6.2022) và Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022.
Đây là dịp ôn lại lịch sử, truyền thống gắn bó giữa hai dân tộc nói chung, của tỉnh Tây Ninh với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia nói riêng. Qua đó để các tầng lớp nhân dân- nhất là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn, trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, không ngừng vun đắp giá trị tốt đẹp hữu nghị truyền thống, đoàn kết giữa hai dân tộc.
Quan hệ Việt Nam - Campuchia được định hình và phát triển xuất phát từ yêu cầu và mục tiêu chung của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước. Mối quan hệ này đã được nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp bằng công sức, xương máu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Campuchia.
Trong bức điện gửi Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk ngày 23.6.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta là biểu tượng rực rỡ của mối tình hữu nghị, thân thiết, đoàn kết chiến đấu. Đó là một sự kiện lịch sử quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc gìn giữ hoà bình ở Đông Dương và Đông Nam Á”.
Chỉ một ngày sau đó, ngày 24.6.1967, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Vương quốc Campuchia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện chính trị trọng đại này mở ra thời kỳ mới, tăng cường đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi quốc gia.
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Campuchia đã sát cánh bên nhau. Tình đoàn kết, tương trợ giữa hai dân tộc càng được thể hiện rõ nét và sâu sắc hơn khi hai nước kề vai sát cánh trong cuộc chiến lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot tàn bạo, hồi sinh đất nước Chùa Tháp.
Trong những năm qua, quan hệ chính trị giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp, hai bên duy trì các chuyến thăm cấp cao, tiếp xúc, trao đổi dưới nhiều hình thức, kể cả khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hoạt động ngoại giao nhân dân, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, nhất là các tỉnh giáp biên diễn ra sôi nổi, hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu. Đến nay, Việt Nam đã có 188 dự án đầu tư ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,8 tỷ USD, duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và trong 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.
Chính quyền và người dân các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia giúp đỡ, hỗ trợ hai Đội K70, K71 hoàn thành tốt nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất nước Campuchia (ảnh tư liệu)
Về vấn đề biên giới, lãnh thổ, trên cơ sở các điều ước và thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương hai bên đang phối hợp tích cực triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền. Năm 2019, hai văn kiện quan trọng về biên giới là Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư về phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia được ký kết; ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia và đang tiếp tục nỗ lực đàm phán, giải quyết phần còn lại.
Hiện nay, chính quyền địa phương các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia chú trọng tăng cường quản lý khu vực biên giới trên đất liền theo các văn kiện pháp lý và thoả thuận song phương đã ký kết. Đồng thời giáo dục không để nhân dân xâm canh, xâm cư, cùng nhau hợp tác giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Phát biểu tại buổi họp mặt kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia và Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh: “55 năm lịch sử vẻ vang của mối quan hệ truyền thống hữu nghị được vun đắp bằng công sức, xương máu của biết bao thế hệ lãnh đạo, của đồng bào, chiến sĩ hai nước Việt Nam - Campuchia, chúng ta trân quý, giữ gìn và tiếp tục phát triển mối quan hệ truyền thống tốt đẹp đó lên tầm cao mới.
Bởi đây là di sản quý giá của hai dân tộc, hai đất nước, của các thế hệ trẻ Việt Nam - Campuchia hôm nay và mai sau, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu nhân chuyến thăm cấp nhà nước Vương quốc Campuchia tháng 7.2017: Cho dù tình hình thế giới và khu vực có những đổi thay, song trước sau như một, Việt Nam luôn coi trọng và sẽ làm hết sức mình cùng với Campuchia giữ gìn, vun đắp mối quan hệ Việt Nam - Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Tây Ninh chủ động, linh hoạt đối ngoại, hợp tác với các tỉnh giáp biên
Tây Ninh có 240km đường biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia (Tboung Khmum, Prey Veng, Svay Rieng), với 3 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở. Để đáp ứng nhu cầu giao lưu, hợp tác qua biên giới, hệ thống cửa khẩu trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư mở rộng, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hoá theo quy định. Hai bên cũng tăng cường phối hợp, hợp tác trong nâng cấp cửa khẩu, xúc tiến thương mại và xây dựng chợ biên giới kiểu mẫu nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ ở khu vực biên giới tăng trưởng.
Công tác đối ngoại được tỉnh chú trọng thực hiện tốt theo từng cấp, từ tỉnh tới cơ sở trên tinh thần hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. Đặc biệt, đối ngoại trong hợp tác an ninh - kinh tế biên giới được đẩy mạnh, song hành cùng với củng cố quốc phòng an ninh, hình thành thế chân kiềng vững chắc, góp phần “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thời gian qua, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện công tác phân giới cắm mốc những đoạn còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch của Trung ương. Tây Ninh là tỉnh hoàn thành sớm trong công tác xây dựng mốc phụ và cọc dấu trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Đến nay, đã thực hiện phân giới được 220,954/233,789km và xác định được 94/101 vị trí mốc với 102/109 cột mốc chính được xây dựng hoàn thành, xây dựng hoàn thiện 218 mốc mang số hiệu chẵn (gồm 172 mốc phụ và 46 cọc dấu) theo đúng tinh thần chỉ đạo và quyết tâm của Trung ương.
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, những năm qua, mối quan hệ giữa Tây Ninh và các tỉnh Svay Rieng, Prey Veng, Tboung Khmum, Kampong Cham không ngừng được củng cố, phát triển toàn diện tốt đẹp và đạt nhiều kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực. Lãnh đạo các tỉnh luôn duy trì thường xuyên kênh liên lạc, các chuyến thăm làm việc trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau giải quyết tốt những vấn đề phát sinh trên biên giới với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao.
Công tác bảo vệ biên giới được phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả, góp phần duy trì ổn định an ninh khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội vùng biên; tích cực hợp tác đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các loại tội phạm. Hoạt động ngoại giao nhân dân, nhất là đối ngoại giữa các địa phương huyện, xã giáp biên, các lực lượng chức năng trên biên giới diễn ra thường xuyên, góp phần làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa tỉnh Tây Ninh với các tỉnh giáp biên ngày càng phát triển và đạt được những kết quả tích cực; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân hai nước thường xuyên qua lại, giao lưu trao đổi hàng hoá, thăm thân, du lịch. Qua đó, không ngừng củng cố, vun đắp và trao truyền cho các thế hệ trẻ hai nước những giá trị truyền thống hữu nghị tốt đẹp mà các thế hệ lãnh đạo Việt Nam - Campuchia đã dày công vun đắp theo phương châm 16 chữ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Hải Đăng