BAOTAYNINH.VN trên Google News

6 cường quốc thuyết phục Iran trở lại bàn đàm phán hạt nhân

Cập nhật ngày: 09/03/2012 - 01:59

Sáu cường quốc liên quan trong các cuộc đàm phán hạt nhân Iran, gồm: Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ kêu gọi Iran tham gia vào các cuộc hội đàm mới mà “không có điều kiện tiên quyết” nào.

Các nước đã đưa ra lời kêu gọi trong một tuyên bố chung tại cuộc họp hội đồng của 35 thành viên thuộc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Trong cuộc thảo luận để đi đến “tiếng nói chung” này, các nước phương Tây đều tỏ quan điểm cứng rắn đối với Iran, trong khi Nga và Trung Quốc muốn đưa ra tuyên bố mềm dẻo hơn, bởi họ tin rằng nó sẽ tạo động lực tốt cho các cuộc đối thoại.

Tuyên bố chung cũng thuyết phục Iran cho phép các thanh sát viên của IAEA đến thăm căn cứ quân sự Parchin, nơi bị nghi ngờ đang che dấu hoạt động làm giàu uranium của chính quyền Tehran.

Ảnh minh hoạ

Đại diện các nước thành viên IAEA, Đại sứ Trung Quốc tại IAEA, ông Jingye Cheng tuyên bố: “Chúng tôi xác nhận sẽ tiếp tục ủng hộ việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran bằng ngoại giao và sẵn sàng khởi động lại đàm phán với Iran. Chúng tôi hi vọng được chứng kiến Iran và 6 nước bắt đầu các cuộc đàm phán vào một ngày sớm nhất, từng bước xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau nhằm đạt được cách giải quyết thích hợp toàn diện và lâu dài đối với vấn đề hạt nhân Iran”.

Các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran đã bế tắt trong những năm gần đây, một phần là do Iran không cho phép LHQ tiếp cận các cơ sở hạt nhân của nước này, bao gồm căn cứ quân sự Parchin.

Báo cáo của IAEA đưa ra năm 2011 cho rằng, Iran đã xây dựng một buồng chứa lớn tại Parchin để tiến hành các thử nghiệm chất nổ mạnh. Đây được xem là “những dấu hiệu rõ ràng” về khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran. Trong suốt những chuyến công tác của thanh sát viên IAEA đến Tehran trong tháng 01.2012 và tháng 02.2012, giới chức Iran luôn từ chối việc cho phép đến thăm Parchin, trọng tâm của cuộc điều tra nhằm làm sáng tỏ về chương trình hạt nhân gây nghi ngờ của Iran. IAEA phỏng đoán động thái trì hoãn này của Iran là nhằm di chuyển các bằng chứng về hoạt động hạt nhân tại cơ sở này.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại cuộc họp hội đồng IAEA, đại sứ của Iran, Ali Asghar Soltanieh khẳng định rằng, IAEA có thể tiếp cận căn cứ Parchin, nơi Tehran khẳng định là không có hoạt động hạt nhân, nếu họ nhất trí với các quan chức Iran sẽ làm theo những điều kiện tiên quyết khi thăm căn cứ này. 

Trong khi đó, Mỹ phản đối việc lấy các chuyến thăm cơ sở hạt nhân của Iran làm điều kiện để duy trì các cuộc đàm phán hạt nhân.

Lầu Năm Góc mới đây đã bắt đầu thảo luận về các giải pháp quân sự nếu các biện pháp cấm vận và ngoại giao thất bại trong việc ngăn chặn Tehran chế tạo vũ khí nguyên tử.

Trang web DefenseNews.com trích lời Trung tướng Không quân Mỹ Herbert Carlisle hôm 8.3 tuyên bố, Mỹ có thể sử dụng một loại bom phá boong-ke mới nặng 13,6 tấn chống lại Iran.

Phát biểu tại hội nghị về các chương trình quốc phòng của Mỹ, ông Carlisle cho hay quả bom là một “vũ khí vĩ đại”, được thiết kế đặc biệt để tấn công các quốc gia như Iran, vốn có các địa điểm hạt nhân nằm sâu trong lòng đất.

“Quả bom là một phần trong kho vũ khí của chúng tôi và sẽ trở thành vũ khí tiềm năng nếu chúng tôi cần nó trong trường hợp xảy ra xung đột với Iran”, Trung tướng Carlisle nói.

Theo ông Carlisle, vũ khí nặng 13,6 tấn có thể đi xuyên boong-ke bê tông dầy 65m.

Israel và các quốc gia phương Tây nghi ngờ Iran đang tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Tehran phủ nhận điều này và nói rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ mục đích dân sự.

Thuý Trinh

(Theo THX/Ria Novosti)