Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
6 dưỡng chất giúp trí não minh mẫn, nhạy bén
Thứ hai: 07:42 ngày 22/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chúng ta sẽ già đi theo thời gian và bộ não của chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, ta có thể làm tăng năng lực cho não bằng cách bổ sung những dưỡng chất cần thiết giúp trí não trở nên minh mẫn, nhạy bén, khả năng ghi nhớ được tăng cường hơn…

Nước

Trong các thành phần cấu tạo não, có khoảng 80% là nước. Một nguyên tắc vàng bạn cần ghi nhớ là cung cấp đủ nước cho cơ thể. Việc thiếu hụt nước có thể làm tăng hormon gây stress, ảnh hưởng xấu đến các hoạt động của não. Vì thế, nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để não hoạt động tốt hơn.

Đường glucose

Là một chất cung cấp năng lượng giúp não bộ hoạt động nên không thể thiếu trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nó được cơ thể chuyển hóa từ các thức ăn có chứa đường và các chất hydratcarbon. Đó là lý do tại sao uống một cốc nước đường có thể tăng cường trí nhớ, suy nghĩ và khả năng nhận thức.

Tuy nhiên, ăn quá nhiều đường sẽ làm suy giảm trí nhớ, vì thế nên ăn một lượng đường vừa đủ sẽ làm tăng trí nhớ mà không sợ bị tăng cân. Nguồn cung cấp chất đường tốt nhất là từ ngũ cốc nguyên hạt và trái cây tươi.

Ngũ cốc nguyên hạt giúp tăng cường hoạt động trí não.

Protein (chất đạm) tốt cho chức năng của não

Một trong những lợi ích của protein là giúp bạn kéo dài trí nhớ. Khẩu phần ăn nhiều thịt nạc và ít mỡ sẽ rất tốt cho việc giảm cân và tốt cho sức khỏe, hơn nữa nó cũng rất tốt cho chức năng não. Protein động vật được tìm thấy trong những nguồn thực phẩm như gà tây, cá ngừ và thịt gà, cung cấp cho não chất tyrosine, một loại amino acid giúp làm tăng lượng dopamine và norepinephrine trong não.

Đây là những chất hóa học giúp giữ cho não luôn tỉnh táo và tinh thần tập trung hơn. Những nguồn cung cấp protein có ích khác là các loại đậu, đậu Hà Lan, thịt bò nạc, pho mát ít béo, cá, sữa, thịt gia cầm, sản phẩm từ đậu nành và sữa chua.

Acid amin là đơn vị cấu tạo của protein. Não bộ cần để chế tạo các chất dẫn truyền thần kinh và cung cấp năng lượng. Hai loại acid amin quan trọng cho trí não là tryptophan và tyrosine. Tryptophanlà tiền thân của chất làm dịu thần kinh serotonin. Cơ thể không tạo ra tryptophan được nên cần thực phẩm cung cấp. Tyrosine cần để sản xuất các chất dẫn truyền hưng phấn trí não là dopamine, epinephrine và norepinephrine. Cơ thể tạo ra được tyrosine nếu trong thực phẩm không có đầy đủ. Mỗi ngày cơ thể cần từ 45 - 50g chất protein.

Choline

Choline là chất giống vitamin, được xem là “món quà” tuyệt vời cho bộ não. Choline có tác dụng giúp não bộ ghi nhớ tốt hơn. Bạn có thể tìm thấy loại chất này trong các loại thực phẩm như cá, gan, trứng, đậu Hà Lan, gạo… Trong đó, lòng đỏ trứng là nguồn thực phẩm chứa nhiều choline nhất.

Chất béo omega-3

60% mô não được cấu thành tự nhiên từ mô mỡ, một phần lớn của mô mỡ được cấu thành từ omega-3. Các chất béo cho phép các nơron hoặc tế bào thần kinh tạo ra cấu trúc đặc biệt của chúng ở trong não. Lượng omega-3 trong lớp màng đôi của các tế bào thần kinh có tầm quan trọng đặc biệt, vì nó làm tăng tính lưu động và tạo thuận lợi cho việc truyền dẫn tín hiệu và hoạt động chức năng của tế bào thần kinh. Axit docosahexaenoic (DHA) chiếm 10-20% tổng chất béo của não, là chất béo omega-3 quan trọng nhất đối với não được coi là “gạch xây não người”.

Từ khi thụ thai, DHA và EPA là các chất béo omega-3 cần thiết cho sự phát triển và hoạt động chức năng của não. Việc hấp thu DHA nhanh nhất trong ba tháng cuối của thai kỳ, vì DHA chiếm khoảng xấp xỉ 9% toàn bộ mô não ở những em bé sinh đủ tháng bình thường.

Ở những trẻ sinh non, tỉ lệ mắc các triệu chứng liên quan tới rối loạn thiếu tập trung, mất khả năng học tập, lo lắng và hoạt động xã hội kém cao hơn đáng kể. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng em bé của các thai phụ chủ động bổ sung omega-3 cho chế độ ăn uống hoặc bằng các sản phẩm bổ sung, tăng chức năng nhận thức dẫn tới sự phát triển ngôn ngữ, thị lực và vận động tốt hơn. 

Việc bổ sung các chất béo omega-3 có thể làm tăng lượng glucose đến não, đó có thể là lý do giúp cho chức năng não được tốt hơn. Từ lâu nay, cá vẫn được coi như “thực phẩm của trí não”, chất béo này có ở cá thu, cá hồi, cá trích, cá cơm, cá ngừ và một số thực vật như đậu nành, lạc, vừng, ôliu, hướng dương, hạt óc chó, rong biển… Nên ăn cá 3 lần/tuần.

Phospholipid

Là chất giúp tạo myelin bao bọc dây thần kinh dẫn đến việc truyền các tín hiệu chỉ đạo của bộ não tốt hơn. Chất phospholipid có nhiều trong lòng đỏ trứng, thịt nội tạng…

Bên cạnh việc cung cấp những dưỡng chất thiết yếu cho não, cần hạn chế hoặc loại bỏ những chất có hại cho não như các chất béo chuyển hóa (transfatty acid), rượu, thuốc lá…

Tăng cường tiêu thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho não bằng cách ăn xen kẽ các thực phẩm mà não cần, bằng các thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Cân bằng giữa ba chất dinh dưỡng chính là carbohydrat (chất bột), chất béo và chất đạm để não có thể làm việc hiệu quả ban ngày và nghỉ ngơi thoải mái ban đêm.

Nên thường xuyên vận động trí não để tránh sa sút trí tuệ. Kích thích tế bào não bằng các trò chơi trí óc như cờ tướng, ô chữ, games… Tập luyện cơ thể đều đặn mỗi ngày để tăng máu huyết lưu thông lên não và đừng để cơ thể bị béo phì.Hoạt động của bộ não con người là hoạt động quan trọng, thiết yếu. Hãy biết cách chăm sóc và “nạp nhiên liệu” cho nó một cách đúng đắn để cơ thể phát triển khỏe mạnh, luôn minh mẫn và toàn diện về mọi mặt.

Nguồn SK&ĐS

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục