BAOTAYNINH.VN trên Google News

6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội 

Cập nhật ngày: 06/09/2024 - 19:55

Chính phủ ban hành Nghị định số 110 về công tác xã hội, trong đó, quy định cụ thể 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội.

6 hành vi bị nghiêm cấm 

Theo Nghị định 110, công tác xã hội là hoạt động hỗ trợ cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội.

Đối tượng công tác xã hội là cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội (sau đây gọi là đối tượng).

Vụ trẻ bị bạo hành ở Mái ấm Hoa hồng (Ảnh Video báo Thanh Niên)

Công tác xã hội có chức năng hỗ trợ phòng ngừa; can thiệp, trị liệu; hỗ trợ phục hồi, phát triển đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng hạnh phúc của người dân; góp phần bảo đảm thực hiện quyền, nhân phẩm, giá trị của con người, công bằng và bình đẳng xã hội theo quy định của pháp luật.

Nghị định nêu rõ 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội. Đó là cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật; Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.

Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân; Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thỏa thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội
Nghị định cũng có quy định cụ thể về dịch vụ công tác xã hội.

Trong đó nêu rõ đây là dịch vụ do tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp hoạt động công tác xã hội thực hiện nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội của cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng.

Theo Nghị định 110, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác xã hội; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tham gia cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Dịch vụ công tác xã hội gồm một hoặc nhiều dịch vụ như cung cấp các dịch vụ bảo vệ khẩn cấp. Trong đó, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ này phải bảo đảm sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của đối tượng về chăm sóc y tế, nơi tạm trú an toàn, nước uống, thực phẩm, quần áo, đồ dùng thiết yếu và đi lại.

Trường hợp cần thiết thì chuyển gửi đối tượng tới các cơ sở y tế, giáo dục, cơ quan công an hoặc các cơ quan, tổ chức phù hợp khác.

Ngoài ra, dịch vụ công tác xã hội còn bao gồm cung cấp các dịch vụ chăm sóc, can thiệp, phục hồi và hỗ trợ phát triển bao gồm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng; Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, văn hóa, thể thao, tôn giáo và hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe cho đối tượng; Tổ chức dạy văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp, tạo sinh kế...

Nghị định 110 được công bố trong bối cảnh dư luận đang bức xúc về sự việc nhiều bảo mẫu hành hạ các bé tại Mái ấm Hoa Hồng.

Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập do bà Giáp Thị Sông Hương làm chủ, chuyên chăm sóc trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi hoặc mồ côi với quy mô không quá 39 trẻ.

Kể từ khi hoạt động, mái ấm này nhận được sự quan tâm của rất nhiều người hảo tâm. Nhiều người thường xuyên lui tới tặng quà, tã sữa cho các bé và chơi đùa, chăm sóc các bé.

Tuy nhiên, theo phản ánh mới nhất của Báo Thanh niên, nhiều trẻ em dù còn đỏ hỏn tại cơ sở này bị đánh đập dã man.

Sau khi vào cuộc xác minh, qua dữ liệu, chứng cứ thu thập được, bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 xác định, năm nhân viên (bảo mẫu) có hành vi hành hạ trẻ em.

Công an quận 12 đã quyết định tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, ngụ Gò Vấp), chủ mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12) cùng một số bảo mẫu và nhân viên của cơ sở này để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Nguồn baogiaothong