Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sáng 29.6, ông Nguyễn Đình Bửu Quang – Cục trưởng Cục thống kê chủ trì họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu dự họp báo.
6 tháng qua, Tây Ninh không phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn tỉnh như cùng kỳ năm trước, các hoạt động sản xuất kinh doanh, công nghiệp, thương mại, dịch vụ vẫn duy trì hoạt động và có mức tăng khá so cùng kỳ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng; chuyển dịch cây trồng, vật nuôi diễn tiến còn chậm.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,04% so cùng kỳ, mức tăng này tuy chưa bằng với lúc không có dịch nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng năm 2020. So với cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mức tăng trưởng của tỉnh là khá tốt, xếp thứ 22 cả nước và xếp thứ 2 vùng sau tỉnh Bình Dương. Trong đó, tăng trưởng cao nhất là khu vực công nghiệp – xây dựng (tăng 9,77%), kế đến là khu vực dịch vụ (tăng 6,41%), khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản cũng tăng nhẹ (tăng 2,64%), phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng (tăng 8,67%) so cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Đình Bửu Quang – Cục trưởng Cục thống kê phát biểu tại buổi họp báo.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng: khu vực công nghiệp – xây dựng ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng trong GRDP cao nhất (45,33%), kế đến là khu vực dịch vụ (29,45%), ngành nông – lâm nghiệp – thủy sản ngày càng giảm và chiếm tỷ trọng thấp nhất (20,17%), phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm (5,05%).
Diễn tiến thời tiết các tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho sinh trưởng cây trồng, năng suất duy trì ổn định; tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ, phát sinh giảm so với cùng kỳ năm trước. Dịch khảm trên cây mì, diện tích bị nhiễm bệnh luỹ kế đến tháng 6.2021 còn 34.745 ha, phần lớn ở mức độ nhiễm nhẹ, xuất hiện tại 51 xã thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố.
Ông Nguyễn Đình Bửu Quang – Cục trưởng Cục thống kê (giữa) chủ trì họp báo.
Chỉ số sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá, tăng 12,63% so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động dịch vụ, lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 8.694 tỷ đồng – tăng 15,27% so cùng kỳ, trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất 4.819 tỷ đồng (tăng 15,22%); dịch vụ khác đạt 3.871 tỷ đồng (tăng 15,38%); du lịch lữ hành chỉ đạt 3,4 tỷ đồng – giảm nhiều chỉ bằng 82,72% so cùng kỳ.
Ước tổng thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt 5.793 tỷ đồng, bằng 55,17% dự toán năm, tăng 21,0% so cùng kỳ. Ước tổng chi ngân sách đạt 5.192 tỷ đồng, bằng 44,99% dự toán, mức chi bằng 100,02% cùng kỳ năm trước.
GIANG HÀ