Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 30.6, trong phiên họp thứ nhất HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021- 2026, bà Nguyễn Thị Tuyết Vân- Chánh án TAND tỉnh báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2021 của TAND hai cấp.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân – Chánh án TAND tỉnh báo cáo tại kỳ họp
6 tháng qua, TAND hai cấp giải quyết 4.908 vụ/8.160 vụ án các loại, đạt tỷ lệ 60,15%. So với cùng kỳ, thụ lý tăng 570 vụ, giải quyết tăng 315 vụ. Bình quân mỗi thẩm phán được phân công giải quyết 9,71 vụ/tháng (giải quyết xong 5,84 vụ/tháng); không có án quá hạn luật định và án oan sai.
Đối với án hình sự, các đơn vị thụ lý 839 vụ/2.038 bị cáo, giải quyết 635 vụ/1.503 bị cáo, đạt tỷ lệ 77,74%. Án hình sự tập trung vào tội phạm trộm cắp tài sản (69 vụ/91 bị cáo), giết người (5 vụ/7 bị cáo), cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác (57 vụ/100 bị cáo), đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (158 vụ/766 bị cáo);, tội phạm về ma tuý (166 vụ/224 bị cáo), tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (6 vụ/17 bị cáo).
TAND hai cấp đã đưa ra xét xử lưu động 31 vụ, chủ yếu là các vụ án về ma tuý và đưa người nhập cảnh trái phép, nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và an ninh chính trị tại địa phương, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, bảo đảm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Về án dân sự, đã giải quyết 1.332 vụ/3.097 vụ, việc thụ lý, so với cùng kỳ thụ lý tăng 179 vụ. Các tranh chấp dân sự phát sinh nhiều nhất là tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu, như đòi tài sản, tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng vay tài sản; tranh chấp về họ, hụi, biêu, phường; tranh chấp quyền sử dụng đất… Nhìn chung, các tranh chấp dân sự với tính chất ngày càng phức tạp, liên quan nhiều tài sản, nhiều đương sự tham gia tố tụng.
Từ khi Luật Hoà giải, đối thoại có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, TAND hai cấp tiếp nhận 2.253 đơn khiếu kiện/ đơn yêu cầu. Số vụ việc chuyển sang hoà giải, đối thoại tại Toà án là 396 vụ (chiếm tỷ lệ 17,57%). Trong đó, hoà giải thành 155 vụ; ra quyết định công nhận kết quả hoà giải, đối thoại 110 vụ; đang tiếp tục giải quyết 45 vụ.
Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án có hiệu lực thi hành giúp giảm bớt áp lực công việc cho các thẩm phán, thư ký vì đã có hoà giải viên tiến hành hoà giải các tranh chấp. Người dân khởi kiện tại Toà án thuận tiện hơn, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp và nhất là đương sự không phải chịu án phí, lệ phí và các chi phí phát sinh khác.
Về cải cách thủ tục hành chính tư pháp và ứng dụng công nghệ thông tin, TAND hai cấp đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Toà án, bước đầu mang lại những kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí đi lại cho người dân.
Công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tập trung vào việc đổi mới các quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Toà án thông qua việc nâng cấp hạ tầng công nghệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến…
Phương Thảo