Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tây Ninh, tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 6.2020 ước đạt 61.720 tỷ đồng, tăng 5% so đầu năm. Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 40.909 tỷ đồng; dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam ước đạt 58.043,7 tỷ đồng; dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh ước đạt 47.417 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, NHNN chi nhánh Tây Ninh đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 390/KH-TNI ngày 5.5.2020 về việc thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh do bị ảnh hưởng dịch Covid-19; xây dựng kịch bản tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2020 ngành Ngân hàng trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh; chủ động làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để triển các chính sách hỗ trợ của ngành; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị của các doanh nghiệp để kịp thời giải đáp các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Khách hàng giao dịch tại Techcombank.
Ước đến cuối tháng 6.2020, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 9.205 tỷ đồng, tăng 4%; cho vay xuất khẩu đạt 4.329,5 tỷ đồng, tăng 13,7%; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 5.440,4 tỷ đồng, tăng 26,7%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 4 tỷ đồng, giảm 5,8%.
Thời gian qua các chương trình tín dụng đã được các Tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai kịp thời, đúng đối tượng và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đối với tín dụng chính sách đạt 2.501,6 tỷ đồng, tăng 1,6% so đầu năm. Trong đó cho vay hộ nghèo đạt 188,6 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo đạt 188,9 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 312,9 tỷ đồng.
Đối với dư nợ cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14.11.2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 37 tỷ đồng. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 và Nghị định số 116 đạt 41.400 tỷ đồng, chiếm 67,1%/tổng dư nợ.
Theo NHNN chi nhánh Tây Ninh, đến cuối tháng 5.2020, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 341 khách hàng với tổng dư nợ là 876 tỷ đồng, với 9 doanh nghiệp tổng dư nợ là 766,6 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay giữ nguyên nhóm nợ cho 2.554 khách hàng với tổng dư nợ 4.446 tỷ đồng, 86 doanh nghiệp với tổng dư nợ 2.242 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường, đến ngày 29.5.2020 với số tiền là 3.475 tỷ đồng cho 1.913 khách hàng và 149 doanh nghiệp với số tiền là 1.997,4 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 22.292 khách hàng với tổng dư nợ là 80,49 tỷ đồng.
Sản xuất vật liệu xây dựng không nung.
Ngoài ra, các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng, bảo đảm tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của khách hàng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tín dụng trên địa bàn tăng trưởng ở mức thấp. Các TCTD tích cực triển khai thực hiện những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và Hội sở chính.
Trong 6 tháng đầu năm, các TCTD đã chấp hành tốt quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn giảm nhẹ so đầu năm theo đúng định hướng của NHNN Việt Nam. Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa các tại ngân hàng thương mại là 5%/năm và tại các Quỹ tín dụng nhân dân 6%/năm, giảm 1%/năm so với đầu năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường và cho vay tiêu dùng từ 8,5%- 10%/năm, giảm 1%/năm so với đầu năm.
Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, vốn huy động ước đạt 44.100 tỷ đồng, giảm 3% so đầu năm. Trong đó, tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 42.805 tỷ đồng, giảm 2,7%; tiền gửi tiết kiệm ước đạt 32.650 tỷ đồng, giảm 2,3%. Đối với nguồn vốn huy động phát hành giấy tờ có giá ước đạt 475 tỷ đồng, tăng 22% so đầu năm. Theo NHNN chi nhánh Tây Ninh, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thu nhập của người dân trên địa bàn nên công tác huy động vốn của các TCTD gặp nhiều khó khăn.
Nông dân Bến Cầu chăm sóc khổ qua.
Trong 6 tháng cuối năm, NHNN chi nhánh Tây Ninh tiếp tục chỉ đạo các TCTD tổ chức thực hiện có hiệu quả Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị số 02/CT-NHNN của NHNN Việt Nam; theo dõi, nắm bắt tiến độ các TCTD làm việc với từng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của ngân hàng; tham dự Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh, dự kiến diễn ra vào ngày 16.6.2020.
Đồng thời, chi nhánh NHNN Tây Ninh sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch, nhất là khi có phản ánh của doanh nghiệp và người dân.
Nhi Trần