BAOTAYNINH.VN trên Google News

6 tháng tù giam vì trốn tránh nghĩa vụ quân sự 

Cập nhật ngày: 12/04/2017 - 06:24

BTNO - Cứ nghĩ tránh né việc đi nghĩa vụ quân sự cùng lắm chỉ bị phạt hay kêu gọi không được thì thôi... Hành động dại dột này khiến bị cáo Đinh Thanh Đình (sinh năm 1994, ngụ tại khu phố Ninh An, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) phải vướng vào vòng lao lý.

Bị cáo Đinh Thanh Đình tại phiên tòa.

Hành động thiếu suy nghĩ

Phiên tòa xét xử lưu động của Tòa án nhân dân thành phố Tây Ninh diễn ra vào ngày 10.4.2017 tại UBND phường Ninh Sơn được nhiều người dân địa phương quan tâm. Bởi lẽ, một số người nghĩ rằng, việc con em mình đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự nhưng cố tình né tránh “chắc cũng không sao” vì không có người này sẽ có người khác lấp vào.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tây Ninh xác định, ngày 18.1.2016 Ban Chỉ huy quân sự thành phố Tây Ninh ra lệnh gọi nhập ngũ số 180/QS đối với Đinh Thanh Đình, nhưng Đình nhưng không thực hiện. Ngày 22.2.2016 UBND phường Ninh Sơn ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Đinh Thanh Đình về hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng theo quy định tại khoản 1, điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP ngày 9.10.2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cơ yếu, quốc phòng với hình thức phạt tiền 2.000.000 đồng.

Biện pháp khắc phục là Đình phải có mặt lúc 15 giờ ngày 22.2.2016 tại UBND phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh nhưng Đình vẫn có tình tránh né không đến. UBND phường Ninh Sơn buộc phải giao Quyết định xử phạt này cho cha của Đình là ông Đinh Văn Phong để thông báo cho Đình biết, đồng thời niêm yết công khai Quyết định xử phạt này tại địa phương.

Đến ngày 31.10.2016, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Tây Ninh ra lệnh gọi công dân khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự đối với Đinh Thanh Đình, nhưng Đình vẫn tiếp tục trốn tránh và không có mặt tại địa phương. Vì vậy, UBND phường Ninh Sơn lại tiếp tục giao Lệnh gọi công dân khám sức khỏe của Đình cho bà Lương Thị Kiến (là mẹ ruột của Đình), đồng thời yêu cầu thông báo cho Đình biết nhưng Đình vẫn không chấp hành. Đến ngày 15.2.2017 Đinh Thanh Đình bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Tây Ninh bắt tạm giam cho đến ngày xét xử.

Nỗi ân hận muộn màng

Đứng trước tòa, bị cáo Đinh Thanh Đình thừa nhận toàn bộ hành vi cáo trạng truy tố mình là đúng. Giải thích với Hội đồng xét xử về việc trốn tránh nghĩ vụ quân sự, bị cáo khai: Tại bị cáo muốn ở nhà để phụ giúp gia đình vì hoàn cảnh khó khăn. Bị cáo nhận thức được việc trốn tránh là sai nhưng không ngờ hậu quả lại lớn như vậy.

Phần lớn thời gian của phiên tòa dành cho việc Hội đồng xét xử phân tích cho bị cáo hiểu rõ những cái đúng, cái sai trong hành vi phạm tội này. Bị cáo Đình khai thêm, thường ngày bị cáo đi làm mướn ở địa phương mình cư ngụ, nhưng khi “tới đợt” kêu gọi nhập ngũ thì viện cớ đi làm ăn xa, cụ thể trong trường hợp này là bị cáo đi làm thợ hồ ở TP.HCM, ở huyện Bến Cầu trong thời gian mà đáng lẽ bị cáo phải có mặt ở nhà để trình diện và chấp hành mọi lệnh triệu tập của Ban Chỉ huy Quân sự. Mặc dù đã được mẹ khuyên bảo, bị cáo Đình vẫn không nghe theo lời khuyên này.

Giọng run run, bị cáo Đình nói thêm: “bị cáo nhất thời suy nghĩ không tới, hơn nữa sợ đi nghĩa vụ sẽ cực khổ... nên cố tình né tránh. Những ngày bị tạm giam, bị cáo đã hiểu được việc làm của mình là sai, mong được giảm nhẹ hình phạt để trở về và xin hứa sẽ không bao giờ tái phạm”.

Hội đồng xét xử xác định, Đinh Thanh Đình đang trong độ tuổi phải thi hành nghĩa vụ quân sự nhưng cố tình trốn tránh không thực hiện. Hành vi này đã xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ và gọi tập trung huấn luyện, cần phải chịu tránh nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 259 Bộ luật Hình sự nên đã tuyên bị cáo Đinh Thanh Đình với mức án như trên.

Điều 259 Bộ luật hình sự quy định Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự:

1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của mình;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Lôi kéo người khác phạm tội”.

 

Đức An