Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
66 ngày tìm ‘hy vọng mong manh cuối đường hầm’ cho bệnh nhân 91
Thứ bảy: 20:06 ngày 23/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Không người thân, một mình chiến đấu với Covid-19, nam phi công người Anh chấp nhận hôn mê, đặt trọn niềm tin vào bác sĩ Việt Nam.

Trong cơn mưa chiều 22/5, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương vận chuyển bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh, 43 tuổi) lên xe cứu thương. Bệnh nhân di chuyển cùng hệ thống máy ECMO, máy lọc máu và dây nhợ chằng chịt.

Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phong toả toàn bộ lối đi chính, hơn chục bảo vệ và lực lượng công an bố trí dọn đường. Bệnh nhân đi đến đâu, con đường phía sau được xịt khuẩn đến đó.

Đơn độc

Nhớ lại những ngày đầu tiếp nhận nam phi công, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, không khỏi xúc động.

“Cầm trên tay kết quả xét nghiệm dương tính của phi công, nhân viên phòng xét nghiệm lập tức cảnh báo chúng tôi phải cẩn thận. Bệnh nhân này mang tải lượng virus cao gấp nhiều lần người khác”, bác sĩ Phong nói.

Đây là bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên tại ổ dịch bar Buddha (phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM). Cũng trong thời gian này, một bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lây nhiễm Covid-19 trong quá trình làm việc. Bác sĩ Phong nhận định đó là thời gian khó khăn, căng thẳng vì nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế cao hơn bất cứ lúc nào.

Bệnh nhân 91 điều trị tại khoa Nhiễm D sau đó chuyển sang khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong 66 ngày. Ảnh: B.Huệ.

Mỗi ngày, ông chủ động nhắc nhở nhân viên khoa Nhiễm D tuân thủ nghiêm ngặt phòng hộ cá nhân, thực hiện đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Nhất là mỗi khi vào phòng bệnh chăm sóc nam phi công.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết nam phi công cao 1,81 m, nặng hơn 100 kg, chỉ số BMI hơn 30. Bệnh nhân sốt cao liên tục từ lúc nhập viện. Tình trạng suy hô hấp tăng dần, X-quang phổi được ghi nhận tổn thương mô kẽ, phế nang lan tỏa 2 phế trường. Tình trạng diễn tiến ngày càng xấu hơn.

“Thời điểm nhập viện, nam phi công cao lớn, điển trai và trông khoẻ mạnh. Chính tôi cũng không ngờ ông ấy lại diễn tiến bệnh nặng đến như vậy”, Lại Thị Hoài Thu, điều dưỡng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nhớ lại.

Những ngày đầu, bệnh nhân hầu như không ăn, không uống sữa. Anh bị áp lực tâm lý khi dư luận đặt mình là nguyên nhân gây ra ổ dịch tại bar Buddha. Bệnh viện đã chủ động liên hệ Hãng hàng không Vietnam Airlines mang đến thức ăn suất ăn chế biến theo kiểu Anh, dành cho phi công.

Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ ăn qua loa vài miếng và liên tục hỏi về tình trạng sức khỏe của mình. Sau khi nghiên cứu các chỉ định y khoa trên mạng, ông mới đồng ý để bác sĩ can thiệp.

“Chúng tôi hiểu bệnh nhân nước ngoài thường chủ động làm việc với nhân viên y tế. Do đó, chúng tôi hợp tác để bệnh nhân yên tâm. Ông ấy lúc khó tính, lúc lại yếu mềm. Ông chia sẻ không có người thân, chưa lập gia đình. Từ khi nhập viện, bạn bè cũng chưa từng thăm hỏi. Ông ấy chỉ có một mình tại Việt Nam, hoàn toàn đơn độc”, điều dưỡng Thu tâm sự.

Một ngày trước chỉ định gây mê, nam phi công trầm tư suy nghĩ rất lâu trước khi quyết định. “Có lẽ, chính ông ấy cũng hiểu rõ cơ thể ông đang thật sự không ổn. Sau hôm đó, ông ấy hôn mê, cho đến nay”, chị Thu nói.

Bệnh nhân được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau 66 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: B.Huệ.

Từ ngày 27/3, bệnh nhân được điều trị hô hấp từ thở áp lực dương liên tục. 9 ngày sau, bác sĩ chỉ định thở máy xâm lấn. Tuy nhiên, tình trạng suy hô hấp không cải thiện.

Ngày 6/4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy, nam phi công được chỉ định can thiệp ECMO.

47 ngày "đi trên dây"

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng điều động bác sĩ Ngô Việt Anh, Dư Quốc Minh Quân, Trần Hoàng An, Huỳnh Thị Thu Hiền chuyên về ECMO sang túc trực điều trị.

“Chúng tôi cực một phần thì các y bác sĩ bên ECMO, hồi sức và các bác hội chẩn phải cực đến mười phần”, điều dưỡng Thu nói.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết trong quá trình điều trị, hệ miễn dịch của bệnh nhân phản ứng quá mức khi bị virus SARS-CoV-2 tấn công. Phổi bệnh nhân vừa bị tổn thương do virus, vừa do chính cơ thể tiết ra chất chống viêm làm ảnh hưởng.

Ngay lập tức, một nhóm chat online được thành lập gồm các chuyên gia hàng đầu về hồi sức, truyền nhiễm, huyết học, hô hấp, vi sinh lâm sàng, dược lâm sàng... để hội chẩn bệnh nhân 91.

“Tình trạng bệnh nhân diễn biến thất thường, các chỉ định cũng đưa ra liên tục. Dù không trực tiếp tiếp xúc, nhưng đây là nơi quyết định các chỉ định sống còn của bệnh nhân đặc biệt này”, bác sĩ Phong nhớ lại.

4 nhân viên y tế phối hợp chuyển bệnh nhân 91 lên khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: B.Huệ.

Đây là bệnh nhân đặc biệt do chưa trường hợp mắc Covid-19 nào có thời gian nằm viện lâu đến vậy. Bệnh nhân lại có hiện tượng rối loạn đông máu, Bộ Y tế phải đặt hàng thuốc kháng đông qua đường tĩnh mạch của Đức.

“Trong thời gian chờ thuốc về, bệnh nhân được dùng tạm thuốc chống đông. Thời gian đó, chúng tôi như người đi trên dây, hồi hộp từng phút. Đến ngày thứ 8, bệnh nhân có biểu hiện bất ổn. Đến ngày thứ 10, thuốc từ Đức về đến bệnh viện. Tất cả thở phào. Đó là những ngày rất mệt, rất căng thẳng, đến ngủ cũng nằm mơ thấy phác đồ điều trị", bác sĩ Phong kể.

21h đêm 11/5, đợi bệnh viện thưa người, nhân viên y tế đẩy nam phi công cùng hệ thống máy móc lọc máu, ECMO đến phòng chụp CT.

“Toàn bộ hai bên phổi phi công gần như trắng xoá, chỉ khoảng 10% phổi còn ‘sống’, chúng tôi nhìn nhau, bần thần”, bác sĩ Phong nói.

Phiên hộp chẩn với Bộ Y tế diễn ra ngay sau đó. Các chuyên gia đầu ngành cân nhắc chỉ định ghép phổi. Phi công lúc này sống nhờ hoàn toàn vào ECMO, nếu ngưng máy, anh sẽ chết.

Hy vọng

6ngày tiếp theo, các bác sĩ tiếp tục nỗ lực áp dụng các biện pháp hồi sức, chỉ định thuốc theo từng diễn biến người bệnh.

Ngày 18/5, bệnh nhân được chụp CT lần hai. Vùng phổi trắng xoá trên phim X-quang ít hơn lần trước, 20-30% phổi có dấu hiệu phục hồi. Bệnh nhân 6 lần cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, quả nuôi cấy cho thấy virus bất hoạt.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - kết luận Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã hoàn thành sứ mệnh khi điều trị bệnh nhân 91 không còn SAR-COV-2.

Hành trình giành giật sự sống cho nam phi công có thêm hy vọng, dù chỉ là “hy vọng mong manh cuối đường hầm” như lời BS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định.

Do bệnh nhân chưa đủ kiện điều kiện ghép phổi và còn tình trạng nhiễm trùng, Bộ Y tế chỉ đạo chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị tích cực. Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế sẽ xem xét, tính toán các phương án điều trị tiếp theo, xem xét lại chỉ định ghép phổi.

Sáng 23/5, nam phi công ngưng lọc máu nhưng tiên lượng còn nặng. Ảnh: Nguyên Hạnh.

Đến nay, người thân của bệnh nhân vẫn chưa liên lạc được. Bộ Y tế đã nỗ lực làm việc với Đại sứ quán Anh và đơn vị bảo hiểm. Từ khi nhập viện đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tạm ứng chi trả số tiền khoảng 3 tỷ đồng điều trị cho nam phi công.

Phía công ty bảo hiểm ký hợp đồng với bệnh nhân đến hết ngày 1/6. Đơn vị này cho biết “đang nghiên cứu” chi phí điều trị cho bệnh nhân và chưa thanh toán.

Ngày cuối trước khi nam phi công chuyển viện, bác sĩ Phong thoáng buồn. Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị tuyến cuối, chuyên tiếp nhận ca bệnh nặng, ông tin tưởng các đồng nghiệp sẽ nỗ lực hết mình để làm tốt vai trò còn lại.

“Chúng tôi vẫn ở trong nhóm điều trị bệnh nhân, luôn theo dõi và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Hy vọng phi công đủ mạnh mẽ vượt qua thử thách quá lớn này”, bác sĩ Phong chia sẻ.

Nguồn Zing

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục