Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
7 bài học ý nghĩa cha có thể dạy con trai khi cùng chơi thể thao
Thứ ba: 16:58 ngày 08/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Không ai có thể phủ nhận rằng người mẹ có vai trò to lớn trong quá trình trưởng thành và hình thành nhân cách của trẻ em. Nhưng có một số điều mà người cha chắc chắn sẽ làm tốt hơn. Đặc biệt là khi nói đến việc nuôi dưỡng một cậu con trai.

Ngay từ khi bắt đầu bước chân ra vào thế giới rộng lớn ngoài căn nhà nhỏ của mình, các bé trai đã phải đến trường mẫu giáo, một nơi mà giáo viên hầu hết đều là nữ, và cho cả tới khi đi học các lớp học cao hơn, tỷ lệ giáo viên nữ cũng rất cao so với giáo viên nam. Và những cậu bé hầu như thiếu sự giáo dục từ nam giới, thiếu những kiến thức để làm hành trang bước vào đời nếu các ông bố không chú tâm tới việc này.

Nam giới có cách quan tâm và dậy dỗ con cái riêng của họ, và một trong những “cơ hội” để họ truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức cho con trai chính là những lúc bố con chơi thể thao cùng nhau. Hầu như ông bố có con trai nào cũng muốn có thời gian riêng của hai người đàn ông, chia sẻ những thú vui của phái mạnh và nhìn ngắm bản sao nhỏ bé của mình trưởng thành. Hãy nắm bắt cơ hội đó để định hướng nhân cách cho trẻ thông qua những bài học nhỏ liên quan tới niềm vui chung của hai bố con.

1. Tôn trọng luật chơi

Có lẽ điều đầu tiên bố có thể dạy con trai khi đưa trẻ đến sân chơi tập thể là phải học cách tôn trọng luật chơi, tôn trọng quy định của sân chơi, tôn trọng đối thủ và đồng đội (trong các trò chơi tập thể). Bạn có thể dạy con thông qua những điều đơn giản như không được bỏ dở cuộc chơi đi ra ngoài ngồi nghỉ hay chơi cái khác nếu không quá mệt hoặc bị chấn thương. Khi cuộc chơi đang diễn ra thì mọi quyết định của trọng tài đều cần được tôn trọng, mọi tranh luận và bức xúc với đối phương sẽ chỉ làm ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần và sự sáng suốt của chính bản thân mình mà thôi.

Khi trẻ hiểu được mọi hoạt động tập thể đều được vận hành trong một giới hạn và quy củ nhất định thì khi trưởng thành chúng sẽ trở thành người biết tuân thủ luật lệ và đặt quyền lợi của người khác lên trên lợi ích của bản thân mình.

2. Giải thích tầm quan trọng của việc thắng thua

Thông qua các trò chơi, bé trai sẽ cảm nhận được hương vị chiến thắng và nhận ra chúng cần phải nỗ lực nhiều thế nào để đạt được nó.

Hơn nữa, các trò chơi là cơ hội tuyệt vời để người cha giải thích cho con trai rằng thất bại là việc không thể tránh khỏi. Và nếu con vấp ngã, thì chỉ cần đứng lên và tiếp tục đi, không có gì phải xấu hổ khi thất bại cả.

3. Nhận lỗi không có gì đáng xấu hổ

“Cảm ơn”, “Xin lỗi” là bài học con luôn được học trong trường, được nhắc nhở hàng ngày. Nhưng để nói ra những lời này một cách chân thành đồng thời trở thành một thói quen lịch thiệp cơ bản trong thực tế lại là điều không dễ hình thành.

Và trẻ sẽ học được điều đó từ chính bố mình mà không cần nhiều lời thúc ép. Khi bạn chẳng may đá bóng trúng người khác, hãy chạy lại gần nói lời xin lỗi bằng sự chân thành trong âm điệu cùng ngôn ngữ hình thể như một cái cúi đầu hay ánh mắt biết lỗi. Bạn sẽ thấy tự hào khi lần sau con bạn chẳng may sút bóng về phía người khác và nhanh chân chạy đến xin lỗi họ.

Biết “Xin lỗi” và “cảm ơn” là một điều tối thiểu của người lịch thiệp và quan tâm tới người khác, nên việc tham gia những bộ môn thể thao sẽ giúp con có “va chạm” thực tế để hiểu hết giá trị của những lời nói này, bởi một lời xin lỗi không phải là điều gì đáng xấu hổ.

4. Dũng cảm là bản lĩnh và trầm tĩnh, không phải là đối đầu và giành chiến thắng bằng mọi cách.

Cha là người bạn đồng hành tuyệt nhất có thể dạy con trở nên mạnh mẽ và vững vàng, dám tiến lên vì điều đúng đắn. Người cha có thể dạy con trai khi nào nên bỏ qua sự khiêu khích và bình tĩnh nhẫn nại rời đi. Và khi nào nên trở nên mạnh mẽ và đứng lên vì điều đúng đắn, hay biết lên tiếng thay vì im lặng.

Người cha nên giải thích cho con trai mình rằng lòng tốt không có nghĩa là mềm yếu. Đôi khi lòng tốt cần phải được thể hiện ra bằng sự dũng cảm.

5. Biết phối hợp với “đồng đội” và đặt quyền lợi của tập thể lên trên việc hiển thị bản thân

Trẻ con luôn thích vui chơi cùng bạn bè, và không phải lúc nào sự hợp tác của chúng cũng suôn sẻ. Thay vì bênh con mình, các ông bố hãy dạy con cách làm việc tập thể, tinh thần đoàn kết và để chúng hiểu rằng việc đứng trên người khác không làm chúng trông vĩ đại hơn.

6. Hãy giúp trẻ trải nghiệm thế giới nhiều nhất có thể

Mọi thứ bắt đầu khi con trai bạn còn là một đứa trẻ, chúng có thể phân biệt sự khác biệt trong tình yêu thương của bố và mẹ. Không giống như các bà mẹ hay vuốt ve và âu yếm, người cha thích những biểu lộ “nam tính” hơn, chẳng hạn như tung con lên cao hay chơi trò máy bay.

Thông qua đó, đứa trẻ có thể cảm nhận được sự biểu lộ tình cảm khác biệt này và trải nghiệm được rất nhiều thứ từ trò chơi cảm giác mạnh ấy: cười lớn sảng khoái, cảm nhận sự sợ hãi khi bị tung lên cao, cảm thấy an toàn khi được cha mình đón đỡ một cách chắc chắn.

Vì vậy, nếu có điều kiện người cha hãy trở thành hướng dẫn viên dẫn cả gia đình du ngoạn, khám phá những địa điểm mới để làm phong phú trải nghiệm của đứa trẻ. Những trò chơi cảm giác mạnh hay mang chút nam tính sẽ giúp trẻ mạnh mẽ, hình thành tính tự lập và quyết đoán.

7. Khiêm tốn khi thành công

Cha mẹ thường khích lệ con khi con đạt thành tích để làm tăng sự tự tin cho trẻ. Tuy nhiên, khích lệ sao cho con không trở thành tự cao lại là điều không dễ thực hiện.

Nếu con chơi kém hơn các bạn, bạn hãy động viên để con nhìn nhận được những mặt mạnh của bản thân. Còn nếu con chơi tốt hơn, bạn cũng có thể chỉ cho con thấy những bạn khác của con có nhiều mặt mạnh khác. Như bạn của con có thể không ghi bàn tốt như con nhưng cậu ấy lại bắt bóng khá tốt… Và chính sự hợp tác vô điều kiện giữa các thành viên sẽ giúp con tỏa sáng vì con ở vị trí ghi bàn, vậy nên thành công của con là có cả sự đóng góp của cả đội trong đó.

Tinh “thần thắng không kiêu, bại không nản” chính là điều làm nên sự khác biệt của một người đàn ông có bản lĩnh.

Theo daikynguyen

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục