Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hòa Thành:
7 năm giải quyết, mới biết… không thuộc thẩm quyền
Thứ hai: 05:38 ngày 08/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một vụ tranh chấp đất đai liên quan đến con đường đi vào một nghĩa địa gia tộc phát sinh vào năm 2011, sau 7 năm giải quyết bằng nhiều quyết định giải quyết khiếu nại, cuối cùng, các cấp chính quyền mới nhận ra là không thuộc thẩm quyền.

Ðó là trường hợp khiếu nại của ông Nguyễn Văn Riềng, ngụ ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành. Trong đơn gửi Báo Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Riềng trình bày, trước năm 1975, vợ chồng ông Nguyễn Văn Chang và bà Ðặng Thị Hết khai phá một phần đất ở ấp Long Trung để làm ăn sinh sống. Sau đó, ông Chang, bà Hết chia hết đất cho các con, nhưng có chừa ra một phần đất làm đường đi vào nghĩa địa gia tộc. Ông Riềng là cháu ngoại của ông Chang, bà Hết.

Một trong những người cháu của ông Chang, bà Hết là ông Nguyễn Công Tô được cha mẹ ông cho phần đất 1.146m2 tại khu vực trên. Năm 1993, ông Tô kê khai, được UBND huyện Hoà Thành cấp giấy CNQSDÐ gồm hai thửa: thửa 371 diện tích 1.146m2 và thửa 457 diện tích 992m2 (tổng cộng 2.138m2) nhưng không thể hiện có con đường vào nghĩa địa gia tộc.

Tuy nhiên, năm 2002, khi ông Tô đăng ký cấp đổi giấy, diện tích lại tăng lên đến 2.393m2. Và lúc này, trong phần đất thể hiện có con đường vào nghĩa địa gia tộc. Lúc này, ông Nguyễn Văn Nguyên (em ông Tô), đang ở trên thửa 371, làm đơn khiếu nại đến UBND xã Long Thành Trung nhưng ông Tô vẫn không trả lại con đường.

Sau đó, ông Riềng đại diện họ tộc khiếu nại. Ngày 20.5.2014, UBND huyện Hoà Thành ban hành Quyết định 629/QÐ-UBND xác định nguồn gốc đất như sau: Vợ chồng ông Nguyễn Văn Trà (con ông Chang, bà Hết) và bà Phạm Thị Ngâu có 6 người con gồm: Nguyễn Công Tô, Nguyễn Văn Tộ, Nguyễn Thị Phấn, Nguyễn Văn Nguyên, Nguyễn Thị Tần, Nguyễn Thị Tuyết.

Năm 1980, ông Tô được cha mẹ cho phần đất thuộc thửa số 371, tờ bản đồ số 4, diện tích 1.146m2. Sau đó, bà Ngâu cắt một phần đất trước đây đã cho 2 người con trai khác là ông Nguyễn Văn Tộ và ông Nguyễn Văn Nguyên (thuộc thửa số 457, tờ bản đồ số 4, diện tích 992m2) cho thêm ông Tô để trồng hoa màu (nhưng không thể hiện bằng giấy tờ), riêng con đường đi vào nghĩa địa chiều ngang 3m, dài 45m nằm trong thửa 457, ông Tô phải trừ ra cho anh em, con cháu đi vào nghĩa địa.

Ông Tô sử dụng phần diện tích đất trên đến năm 1992 đi đăng ký và được cấp giấy CNQSDÐ thành thửa số 371, 457 với tổng diện tích là 2.138m2 vào năm 1993; đến năm 2001, được đổi lại là thửa số 289, tờ bản đồ số 25, diện tích 2.393m2. Tháng 6.2010, các bà Nguyễn Thị Tần, Nguyễn Thị Tuyết (em gái ông Tô) kiện yêu cầu ông Tô trả 670,5m2 đất, có tứ cận: Ðông giáp hẻm hiện trạng, Tây giáp thửa nghĩa địa, Nam giáp đất còn lại của ông Tô, Bắc giáp thửa 429, nhưng không được toà chấp nhận.

Tại toà, ông Nguyễn Thanh Tùng (con ông Tô) thống nhất, đồng ý trừ lối đi vào nghĩa địa. Năm 2010, ông Tô cho phần đất trên cho ông Tùng nhưng chưa được cấp giấy CNQSDÐ do có tranh chấp. Khi giải quyết tranh chấp, ông Tô chấp nhận không rào con đường hiện trạng vào nhà ông Nguyên và con đường vào nghĩa địa, nhưng về sau, ông Tùng đổi ý không chấp nhận, vì cho rằng con đường trên nằm trong giấy CNQSDÐ cấp cho cha ông.

UBND huyện Hoà Thành ban hành quyết định giải quyết khiếu nại chấp nhận đơn khiếu nại của ông Riềng. Ông Tô không đồng ý nên khiếu nại.

Ở cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định việc ông Riềng đại diện họ tộc khiếu nại chưa đúng quy định nên kiến nghị UBND tỉnh, yêu cầu UBND huyện Hoà Thành thu hồi quyết định giải quyết khiếu nại. Sau đó, khi ông Riềng được uỷ quyền khiếu nại hợp pháp, năm 2016, UBND huyện Hoà Thành tiếp tục ban hành quyết định giải quyết khiếu nại kết luận con đường đi vào nghĩa địa gia tộc ông Riềng tồn tại từ năm 1915 đến năm 2012 nằm trên thửa đất cũ 457 của ông Tô, nhưng không thể hiện trên bản đồ vì là con đường nội bộ gia tộc.

Sau khi đo đạc lại, trừ con đường gia tộc, diện tích đất còn lại của ông Tô là 1.758,9m2. UBND Hoà Thành cũng xác định nghĩa địa gia tộc ông Riềng không có đường vào, việc khiếu nại của ông Riềng là có căn cứ nên ra quyết định chấp nhận khiếu nại ông Riềng.

Ông Tô tiếp tục khiếu nại, ngày 8.3.2017, UBND tỉnh ban hành quyết định không chấp nhận đơn khiếu nại của ông Tô. Ngày 25.5.2017, ông Tô kiện quyết định Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng rồi lại rút đơn kiện. Tuy nhiên sau đó, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi quyết định giải quyết trước đây của UBND huyện Hoà Thành với lý do UBND huyện Hoà Thành “Ban hành quyết định giải quyết nội dung buộc khôi phục đường vào nghĩa địa gia tộc là sai thẩm quyền, vì đất đang khiếu nại đã có giấy CNQSDÐ, theo quy định tại Ðiều 203 Luật Ðất đai năm 2003, hoà giải cơ sở không thành thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án”.

Trên cơ sở đó, ngày 29.11.2017, UBND huyện Hoà Thành ban hành Công văn số 1052/UBND nêu rõ: “Việc ông Nguyễn Văn Riềng khiếu nại, yêu cầu khôi phục vào nghĩa địa gia tộc từ trước năm 1975 là tranh chấp đất đai. Căn cứ khoản 1 Ðiều 203 Luật Ðất đai, UBND huyện Hoà Thành thông báo cho ông Riềng biết, khiếu nại của ông Riềng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện”.

Như vậy, việc khiếu nại của ông Nguyễn Văn Riềng đã được các cấp xem xét giải quyết xác định khiếu nại của ông là có cơ sở chấp nhận. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét giải quyết của các cấp chính quyền, việc xác định “thẩm quyền giải quyết” chưa đúng quy định pháp luật nên dẫn đến sự việc khiếu nại kéo dài, mà vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Như vậy, để việc giải quyết tranh chấp con đường vào nghĩa địa gia tộc có kết quả cuối cùng, ông Nguyễn Văn Riềng cần phải khởi kiện để TAND huyện Hoà Thành xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

ÐỨC TIẾN

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục