Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 16.8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng chủ trì họp giao ban công tác xây dựng cơ bản tháng 8 nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 7 tháng năm 2022 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp 5 tháng cuối năm.
Quang cảnh cuộc họp.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Lưu Nhạn, đến ngày 31.7.2022, toàn tỉnh giải ngân hơn 2.100 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 60% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt hơn 51% kế hoạch HĐND tỉnh giao (tăng 11,56% so cùng kỳ).
Ước giải ngân đến hết ngày 31.8.2022 hơn 2.370 tỷ đồng, đạt 66,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 57,1% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Trong đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân gần 1.500 tỷ đồng, đạt hơn 56,62% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 46,31% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đã giải ngân hơn 580 tỷ đồng, đạt 70,57% kế hoạch (tăng mạnh so cùng kỳ). Vốn ODA đã giải ngân hơn 51 tỷ đồng, đạt 47,76% kế hoạch (giảm so cùng kỳ).
Đến ngày 8.8, UBND tỉnh đã bố trí vốn thanh toán khối lượng hoàn thành năm 2022 cho 11 dự án với tổng số vốn hơn 30 tỷ đồng. Qua rà soát, các chủ đầu tư đã thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác thanh toán, tất toán tài khoản, tích cực giải ngân vốn ngay sau khi bố trí vốn quyết toán dự án hoàn thành. Đến ngày 31.7.2022, các chủ đầu tư đã thực hiện giải ngân 10 dự án, số vốn hơn 29 tỷ đồng, còn lại 1 dự án chưa thực hiện giải ngân.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng, giá xăng biến động mạnh, kéo theo việc tăng chi phí vận chuyển, các loại vật liệu xây dựng (như thép, xi măng, cát, đá, gạch…), thậm chí ở một số thời điểm xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung đối với mặt hàng xăng, dầu, nhựa đường. Điều này đã tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng các công trình, dự án đầu tư công. Dù đã được quan tâm, tuy nhiên công tác đền bù giải phóng mặt bằng của một số dự án vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng ghi nhận sự nỗ lực trong giải ngân xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng qua, giúp cho Tây Ninh thuộc nhóm tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân khá cao; cao hơn bình quân chung của cả nước. Trên địa bàn tỉnh có 7 địa phương giải cao hơn bình quân chung của tỉnh, cao nhất là thị xã Hoà Thành (giải ngân đạt 70%), kế đến là các huyện Gò Dầu, Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành, thị xã Trảng Bàng và huyện Tân Châu. Đối với đơn vị tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tỷ lệ giải ngân khá.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mặc dù nằm trong nhóm các địa phương giải ngân khá nhưng với tiến độ giải ngân như hiện nay thì khó đạt được mục tiêu 75% ở thời điểm 9 tháng. Trong số các đơn vị giải ngân thấp, có huyện Dương Minh Châu và thành phố Tây Ninh chưa đạt được 50%, đối với đơn vị tỉnh có đơn vị chưa thực hiện giải ngân. Cũng còn một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc về việc xây dựng sơ đồ gantt tiến độ giải ngân tổng thể của từng dự án (12 đơn vị, địa phương); 5 đơn vị đến giờ chưa tổng hợp báo cáo, cần nghiêm túc xem lại việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính.
Để tăng tỷ lệ giải ngân những tháng còn lại trong năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư tiếp tục quán triệt nghiêm túc, thực hiện đầy đủ các yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh trong công tác giải ngân xây dựng cơ bản; xem đây là nhiệm vụ quan trọng từ đây đến cuối năm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, giải ngân tốt sẽ có tác động tích cực đến mục tiêu phục hồi, tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thành lập đoàn kiểm tra các chủ đầu tư có dự án giải ngân 7 tháng đạt thấp hoặc chưa giải ngân, từ đó, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác giải ngân xây dựng cơ bản; đồng thời đề nghị các cơ quan báo, đài địa phương tăng cường thời lượng tuyên truyền, mở chuyên mục để thông tin, cập nhật về tình hình giải ngân xây dựng cơ bản chung của tỉnh; tuyên dương những đơn vị, địa phương làm tốt. Làm rõ nguyên nhân những đơn vị, địa phương làm chưa tốt.
C.T