Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

70 năm lũ lịch sử Nhâm Thìn 

Cập nhật ngày: 01/11/2022 - 22:39

BTN - Năm nay vừa đúng 70 năm, trận lũ lịch sử năm Nhâm Thìn (1952). Rất may là 70 năm đã không có lần nào lặp lại. Tuy vậy cũng cần xem xét kỹ lại trận lụt này, để dự phòng trên con đường phát triển kinh tế xã hội tỉnh Tây Ninh.

Sông Vàm Cỏ Đông hôm nay (từ bến Cây Ổi).

Tư liệu thành văn trận lũ 1952 viết ở hầu hết các sách sử về Tây Ninh, nhưng được mô tả khá kỹ lưỡng là ở trong sách du khảo “Tây Ninh xưa” của Huỳnh Minh. Tác giả viết sách này vào năm 1972 nhưng ký ức về trận lũ qua 20 năm vẫn còn đọng lại khá sâu đậm trong những người Tây Ninh từng chứng kiến. Chỉ đáng tiếc là mô tả của Huỳnh Minh chủ yếu ở khu vực nay là thành phố Tây Ninh. Và một vấn đề khác nữa cũng cần minh định lại, đó là thời gian (ngày tháng) diễn ra trận lũ Nhâm Thìn.

Huỳnh Minh viết: “Năm ấy, Nhâm Thìn 1952 vào ngày 3 tháng 9 dương lịch, trong tỉnh Tây Ninh bị mưa to gió lớn, giông gió ì ầm sấm chớp vang rền. Mưa tuôn như thác lũ, đến nỗi trên núi Điện Bà bị lở một đường dài từ trên đến dưới chân núi”. Đấy là quang cảnh chung trên toàn tỉnh. Thế còn ở xã Thái Hiệp Thạnh, tỉnh lỵ Tây Ninh lúc bấy giờ? Ông chép tiếp: “Từ phía bờ rạch nước tràn vô phủ.

Trong chốc lát đất bằng lênh láng nước trông như sông rộng biển khơi…”. Phủ- ở vị trí là văn phòng UBND tỉnh hiện nay- cũng bị nước rạch dâng lên, qua đường Trần Hưng Đạo tràn vào. Dù vậy, nếu ta so sánh cao độ nước lũ năm ấy tại tỉnh lỵ là 3m66 (sách khí tượng thuỷ văn Tây Ninh) thì nước mới chỉ ngập một phần khu sân vườn của phủ.

Các toà nhà như Toà bố- dinh phủ và các công trình phụ trợ khác đều nằm trên một mỏm đồi khá cao, có cao trình 12-15m, vậy nên nước chẳng thể tràn tới; nước ngập gây thiệt hại nặng nhất vẫn là cho các khu phố bên hữu ngạn rạch Tây Ninh. Khi ấy: “Châu Thành Tây Ninh bị ngập lụt nặng nhất là vùng xóm chài, dọc theo bờ rạch Tây Ninh, sau trường học.

Lúc ấy nhà tranh vách ván, vách đất đều cuốn theo dòng nước trôi lểnh nghểnh… Phía toà hành chánh, dọc theo bờ rạch, con đường Quang Trung và Trần Hưng Đạo xóm Lò Heo và xóm chùa Vĩnh Xuân ngập nhiều hơn cả…”.

Chúng tôi phải kết nối 2 đoạn văn lại cho liền mạch địa danh, để bạn đọc dễ hình dung. Xóm chài nay vẫn còn, ở ngay trước mặt chùa Vĩnh Xuân trên đường Phan Châu Trinh. Còn “sau trường học”, chính là Trường THCS Trần Hưng Đạo ngày nay, thời Pháp thuộc gọi là Trường Nam trung học. Sau trường học có một xóm dân cư nối dài từ đường Quang Trung sang, nay gọi là hẻm số 3 đường Trưng Nữ Vương.

Đến nay, vào các năm 2016, 2017, nước lớn, nước rạch vẫn tràn lên ngập độ 1-2 tấc trên mặt đường. Còn vào lũ Nhâm Thìn 1952 chắc là đã lút sâu dưới hàng mét nước. Tuy vậy, thiệt hại nặng nhất vẫn là ở khu chợ cũ, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu. Một tấm ảnh chụp cho thấy, nước đã tràn lên ngập tới nửa bức tường bao của công sở xã Thái Hiệp Thạnh (nay là Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Tây Ninh).

Cũng có nghĩa là toàn bộ các con đường của khu phố chợ cũ và bến xe đều chìm trong biển nước. Theo Huỳnh Minh thì: “ngập lụt nặng đến 8 ngày liền, rồi mực nước từ từ hạ xuống, đến đúng 1 tháng mới rút cạn…”.

Đấy là ở đô thị! Thế còn trên rừng, rẫy và các vùng nông thôn? thiệt hại nặng nề hơn. Năm ấy hầu hết các vùng rừng rẫy, nông thôn do cách mạng quản lý. Do vậy mà ký ức về lũ Nhâm Thìn còn khắc ghi sâu trong lòng người kháng chiến.

Sách ký sự lịch sử “Ba thế hệ xanh một chặng đường” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh (1998) ghi: “Không có tín hiệu nào báo trước, đêm 18 tháng 10 năm 1952 bão tố đùng đùng nổi lên, mưa tầm tã như trút nước, bão xoay vòng gió giật từng cơn, bão tan nhưng mưa không dứt.

Hai con sông Vàm Cỏ Đông và Sài Gòn vốn hiền hoà êm đềm, chợt nước dâng lên cao đổ xuôi với tốc độ khủng khiếp, xoáy cuồn cuộn hút theo những cây cổ thụ, trâu bò, nhà cửa, cả những bụi tre gai bị nhận chìm xuống trồi lên, nước ngập trắng trảng trắng đồng, hàng chục người bị nước cuốn trôi mất tích…”.

Còn ở sách “Tây Ninh 30 năm trung dũng kiên cường” (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, 1990) lại có số liệu thống kê cụ thể hơn. Đấy là: “Mùa mưa năm 1952 (Nhâm Thìn) rất dữ dội. Đến trung tuần tháng 10 lại có một cơn bão chưa từng có…

Tại cầu Lộc Ninh, mực nước suối Đôi lên cao 18,7m. Tại cầu Cần Đăng 13,18m, chợ Tây Ninh ngập 3,6m. Huyện Châu Thành bị ngập 4 xã: Đước Hoà Bình, Khăng Xuyên, Thanh Điền, Long Xuyên Điền, hàng ngàn mẫu lúa và rẫy bị ngập. Sau lụt chỉ còn thu hoạch 180 mẫu lúa… Huyện Trảng Bàng mất 2/3 số ruộng lúa, 220 nhà bị ngập, 92 người chết. Huyện Dương Minh Châu mất 50% rẫy và ruộng…”.

Bốn xã (mỗi xã đã được nhập lại từ 3 xã) trên thực tế là cả huyện Châu Thành và một phần huyện Bến Cầu; còn 180 mẫu thu hoạch được kia, hẳn là ở vùng rẫy Trảng Cồng. Do vậy mà dân các xã chung quanh, kể cả đoàn Tuyên truyền lưu động huyện Châu Thành của nhạc sĩ Xuân Hồng và Đoàn văn công Phân Liên khu miền Đông (nơi nhạc sĩ Hoàng Việt công tác) đều tìm lên để “xin gặt lúa thuê” hoặc là đi mót lúa (theo lời kể của Xuân Hồng trong sách “Hoàng Việt- Bản tình ca…”, và từ đó, bài hát “Lên ngàn” bất hủ được sinh ra.

Đến đây, bạn đọc đã nhận ra sự khác biệt về thời gian xảy ra bão lũ Nhâm Thìn 1952 giữa sách du khảo Tây Ninh xưa và các sách lịch sử khác. Có thể Huỳnh Minh đã nghe nhân chứng kể sai, nên mới chép đó là vào ngày 3 tháng 9 dương lịch.

Còn ở hầu hết các sách sử về Tây Ninh đều ghi nhận là vào giữa tháng 10.1952. Còn ở sách lịch sử Công an Tây Ninh (1945-1954) phát hành năm 1997 thì đó là: “Đêm 20 rạng ngày 21.10.1952, trận bão lụt lớn chưa từng thấy xảy ra đối với miền Đông Nam bộ…”.

Tra đối chiếu lịch dương sang lịch âm thì đây là ngày 2.9 Nhâm Thìn. Như vậy là đã có thể xác định thời điểm xảy ra cơn bão lũ lịch sử Nhâm Thìn 1952 là vào trung tuần tháng 10, chính xác hơn là vào các ngày từ 18 đến 21.10.1952. Phù hợp với thời điểm này, là bản báo cáo của Tỉnh uỷ Gia Ninh (Gia Định Ninh-TV) gửi Phân liên khu miền Đông và Trung ương Cục về thiệt hại của bão lũ.

Trong đó có 5 khẩu hiệu do Tỉnh uỷ đề ra cho lực lượng cách mạng, đó là: “chống giặc đói ngang hàng với việc chống Pháp; chống giặc đói tức là chống chính sách dụ dân diệt dân ta của địch; chống giặc đói tức là cải thiện đời sống nhân dân; chống giặc đói là thực hiện, ăn no mặc ấm, đánh giặc; chống giặc đói tức là bảo đảm thu thuế nông nghiệp”.

Văn bản này được ký vào ngày 14.11.1952 (theo tài liệu của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tây Ninh). Những khẩu hiệu từng được vang lên từ 70 năm trước, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự với quan điểm tất cả vì dân của chính quyền cách mạng.

TRẦN VŨ