Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
70 năm Trường Chính trị Tây Ninh
Thứ tư: 06:15 ngày 18/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trường có cơ ngơi khá lớn với đầy đủ các phòng, khoa, hội trường lớn, giảng đường… Xa hơn nữa, có người sẽ nhớ từng có thời trường ở truông Bình Linh, xã Chà Là giữa những vườn cao su trải dài hút tầm con mắt. Đấy là vào những năm đầu sau giải phóng 1975…

Học viên lớp Cao cấp lý luận chính trị - Hành chính K9, niên khoá 2013 - 2015, tại Trường Chính trị tỉnh.

Cán bộ, công chức, viên chức các cấp ở Tây Ninh hầu như ai cũng từng có lần đến học tại Trường Chính trị Tây Ninh. Và, ai cũng biết trường nằm ở bên đường quốc lộ 22B, đoạn từ Mít Một tới Thanh Điền, bên đầu cầu Thái Hoà bắc qua rạch Tây Ninh thơ mộng. Ai ở nội trú chắc từng ra đầu cầu ngắm sen, ngắm súng. Ai ngoại trú mỗi ngày đến và đi cũng chẳng thể quên hai cái ao súng trong sân trường, sáng nào cũng rực một màu hoa tím.

Trường có cơ ngơi khá lớn với đầy đủ các phòng, khoa, hội trường lớn, giảng đường… Xa hơn nữa, có người sẽ nhớ từng có thời trường ở truông Bình Linh, xã Chà Là giữa những vườn cao su trải dài hút tầm con mắt. Đấy là vào những năm đầu sau giải phóng 1975…

Nhưng, nếu đọc con số 70 năm, chắc không ít người sẽ ngỡ ngàng. Giống như sự ngỡ ngàng khi tờ báo tỉnh tổ chức kỷ niệm trọng thể tuổi 70 của mình từ tháng 10 năm 2016. Hơn bảy mươi năm trước đây, Báo Dân Quyền- tiền thân của báo Tây Ninh được ra đời.

Có gì liên quan giữa hai sự kiện này đây? Vâng! Báo Tây Ninh và Trường Chính trị đầu tiên ở Tây Ninh đều do Ban Tuyên truyền của Tỉnh uỷ Tây Ninh sáng lập và thực hiện. Sách Lịch sử Trường Chính trị (1947- 2009) do Trường Chính trị Tây Ninh xuất bản tháng 10.2014 có đoạn: “Ngay sau khi cách mạng tháng 8 thành công, Ban Tuyên truyền tỉnh Tây Ninh được thành lập. Đầu năm 1947, Ban Tuyên Truyền đổi tên thành Ty Thông tin…giữa năm 1947 đổi tên thành Ty Thông tin, Tuyên truyền. Ở Tây Ninh, Ty Thông tin Tuyên truyền còn gọi là T5, do đồng chí Lê Đình Nhơn phụ trách…”.

Đồng chí Lê Đình Nhơn còn gọi là Chín Lê, sau năm 1975 từng là Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Liên quan trực tiếp đến Báo Tây Ninh, còn một cái tên quen thuộc nữa với làng báo tỉnh nhà. Đấy là ông Năm Choàng (tên thật là Nguyễn Tấn). Những tờ báo Dân Quyền đầu tiên in năm 1946 là do: “các đồng chí Trần Văn Sanh, Hoàng Minh Hiệp, Nguyễn Văn Choàng, phụ trách trình bày và in ấn” (theo Truyền thống Báo Tây Ninh- xuất bản tháng 10.2011).

Sau này, chính ông Năm Choàng gắn bó lâu dài với sự nghiệp xây dựng Trường Chính trị. Nhưng vào những năm đầu tiên của cách mạng ấy, ông Năm dồn hết tâm sức cho tờ báo tỉnh. Vào năm 1947: “Ban Tuyên truyền cử hai đồng chí Nguyễn Văn Choàng và Hoàng Minh Hiệp đi học nghề in chữ chì tại nhà in Lý Chính Thắng của Báo Cảm Tử” (ở Sài Gòn- Chợ Lớn). Ngày 25.4.1947, Nhà in Dân Quyền chính thức ra đời, sau đó ít lâu thì đổi tên thành Nhà in Dương Minh Châu.

Sách Lịch sử Trường Chính trị viết: “Cuối năm 1947, sau khi học lớp Trường Chinh I trở về, đồng chí Nguyễn Hữu Dụ là Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh bắt đầu xây dựng Trường Đảng theo chỉ đạo của Trường Đảng Xứ uỷ. Trường Đảng Tây Ninh ra đời kể từ thời điểm đó, do đồng chí Lê Đình Nhơn, Trưởng ty Thông tin- Tuyên truyền phụ trách…”.

Trước đó, sau khi dự lớp huấn luyện về cách mạng dân tộc dân chủ do Xứ uỷ Nam bộ mở, ông Lê Đình Nhơn đã tham mưu cho Tỉnh uỷ tổ chức lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên của Tây Ninh tại rừng Xóm Giữa (Hoà Hiệp, Tân Biên). Từ đây, các học viên trở về huyện tiếp tục tổ chức các lớp ngắn ngày. Ty cũng mở thêm 4 lớp học nữa ngay trong năm 1947.

Hàng trăm cán bộ kháng chiến được nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng đã góp phần cho kháng chiến Tây Ninh ngày một phát triển, thắng lợi. Những lớp học Trường Đảng đầu tiên ấy là ở Xóm Giữa (huyện Tân Biên), Hảo Đước, Phước Vinh (huyện Châu Thành).

Những địa danh như Suối Lội, Rừng Huỳnh (không phải Quỳnh) đến bây giờ vẫn còn trên những miền quê biên giới còn nghèo khó hôm nay. Thầy giáo thường chỉ có một người, như lớp đầu tiên do Trưởng ty Lê Đình Nhơn, lớp thứ 5 do ông Năm Choàng phụ trách. Thầy và trò luôn cùng chịu thương khó với nhân dân.

Những năm tháng gian khó nhất, Trường Đảng tỉnh vẫn không ngừng mở lớp. Như sau bão lụt Nhâm Thìn 1952, trường đóng tại Túc Tra, gần căn cứ Tỉnh uỷ ở Bàu Hang, Phước Vinh và vẫn tiếp tục khai giảng trong thời kỳ tăng gia chống đói; sau đó chạy lụt lên Bàu Ông Cả gần Sóc Thiết ở Hoà Hiệp, Tân Biên. Trong thời chiến tranh một phía, địch luôn mở các chiến dịch tố cộng và diệt cộng, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, các lớp học vẫn tồn tại.

Tỉnh uỷ chủ trương lập Đoàn cán bộ lưu huấn tỉnh với mục tiêu huấn luyện các tổ trưởng Đảng, Đoàn. Các vị trong Tỉnh uỷ cũng tham gia giảng dạy như các ông Nguyễn Văn Tốt (Hai Bình), Phạm Tung, Hoàng Lê Kha, Trương Tùng Quân. Bốn lớp được tổ chức ở Bàu Sen, Hảo Đước. Những lớp tiếp theo ở xã Tà Păng (Phước Vinh nay). Khi địch càn quét thì chạy lòng vòng tránh địch.

Sách có ghi: “Giảng viên rất kham khổ, sáng sớm thức dậy anh em xuống suối Tổng Du bắt vài con ốc đập vỏ, rửa sạch cuốn vào lá bứa đem nướng rồi chấm muối… đứng giảng tới 11 giờ mới có cơm trưa”. Sang những năm 1958-1959, Đoàn tiếp tục mở hàng chục lớp tại Bời Lời, Trảng Sa, Bàu Nhái… thuộc Đôn Thuận.

Tại rừng Bời Lời, hai thầy giáo Nguyễn Văn Tốt và Trần Văn Thinh (Bảy Thinh) vừa lo giảng dạy, vừa tổ chức đào tìm rễ cây (như hà thủ ô) đem nấu thành cao bán, lấy tiền cải thiện bữa ăn. Bài học quan trọng nhất lúc này là “Đường lối cách mạng miền Nam” do đồng chí Lê Duẩn viết. Có lớp dành cho học viên cơ sở mật- học viên phải che mặt lại, ngồi từng ô riêng chỉ 4-5 người. Có lớp lại luồn sâu vào vùng địch hậu, như xã Thanh Điền, bí mật huấn luyện cho từng tổ Đảng địa phương.

Bến sông Phước Vinh- một trong những cái nôi của Trường Chính trị Tây Ninh.

Sau chiến thắng Đồng Khởi Tua Hai, đến cuối năm 1960 có 2/3 vùng nông thôn Tây Ninh được giải phóng. Từ năm 1961, Trường Đảng lại chuyển về vùng nôi- Căn cứ huyện Châu Thành. Lại về với những Chót-lô-viêng (Chót-lò-quyên), Thâm Thái, bến Cây Sao… bên dòng sông Vàm Cỏ Đông nay là xã Phước Vinh. Giữa năm 1962, toàn trường đi phục vụ đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tỉnh tại Bà Hảo, Dương Minh Châu. Xong lại về Phước Vinh mở lớp.

Trường ở bến Cây Sao (trên địa bàn Phước Vinh) đã có cơ sở khang trang, nên được Tỉnh uỷ chọn làm nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh. Vượt qua những chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ rồi Việt Nam hoá chiến tranh; trường cứ thế phát triển ngay trong lửa khói đạn bom.

Người góp phần in báo Dân Quyền đầu tiên năm xưa- ông Năm Choàng lại về phụ trách Trường Đảng từ năm 1970 cho đến ngày miền Nam giải phóng. Suốt 70 năm, có lẽ trường chỉ gián đoạn 6 tháng, từ tháng 10.1974 để phục vụ cho chiến dịch cuối cùng giải phóng miền Nam.

Sau 1975, tỉnh có thêm Trường Chính quyền sau đổi là Trường Hành chính phục vụ nhu cầu đào tạo cán bộ quản lý Nhà nước các cấp, ngành. Cơ sở vật chất hầu như trống không, lại chiến tranh biên giới nên cả hai trường đều hết sức gian nan, chuyển địa điểm tới 5 lần, hơn 10 năm xây dựng cơ ngơi trường sở. Đến tháng 7.1994 thì UBND tỉnh quyết định sáp nhập hai trường lại thành Trường Chính trị Tây Ninh. Từ lớp học chỉ có một thầy, đến cuối 1999, trường đã có 55 cán bộ công chức, giảng viên và hàng chục chương trình giảng dạy- từ liên kết đào tạo đại học, trung học chính trị đến các lớp bồi dưỡng.

Đọc cuốn sách Lịch sử Trường Chính trị Tây Ninh, ta có thể gặp lại rất nhiều tên người, tên đất, có cả những người đã hy sinh; gặp lại những thôn ấp nghèo khó nhưng từng là cái nôi ấp ủ nhà trường một thời thơ ấu- như Hảo Đước, Phước Vinh, Ninh Điền, Bời Lời, Trảng Cỏ… Đấy là những địa chỉ đỏ của hôm nay và mãi mãi về sau.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục