Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
71 năm Truyền thống Báo Tây Ninh
Thứ tư: 06:12 ngày 04/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - 71 năm là sự đánh dấu bước đi lên vững vàng của Báo Tây Ninh, tờ báo của đảng bộ tỉnh nhà, tờ báo đã trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, một cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và hơn 40 năm xây dựng, phát triển đất nước, quê hương theo con đường đổi mới do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Phóng viên Báo Tây Ninh trong kháng chiến (ảnh tư liệu).

Từ mùa thu năm 1946, tờ tin đầu tiên để phục vụ công cuộc kháng chiến chống Pháp của Ðảng và nhân dân Tây Ninh ra đời, đến nay, 71 năm đã trôi qua. 71 năm là sự đánh dấu bước đi lên vững vàng của Báo Tây Ninh, tờ báo của đảng bộ tỉnh nhà, tờ báo đã trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, một cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và hơn 40 năm xây dựng, phát triển đất nước, quê hương theo con đường đổi mới do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Cách nay hơn 70 năm, ngay từ những ngày đầu của cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, lãnh đạo Tỉnh uỷ Tây Ninh đã nhận định, bên cạnh hoạt động vũ trang đánh địch, chống càn quét, cần phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phục vụ kháng chiến, mà muốn cho hoạt động này đạt hiệu quả cao cần thiết phải có tờ báo. Mặc dù đó mới chỉ là bản tin nội bộ, được gọi tờ Tin Tức, in thô sơ bằng cách in đất sét, số đầu tiên phát hành vào tháng 10 năm 1946, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, tờ tin đã thành tờ báo, lấy tên là “Báo Dân Quyền”. Báo không chỉ phát hành trong vùng kháng chiến, mà còn được tổ chức đưa ra các vùng giặc Pháp tạm chiếm với số lượng ngày càng tăng qua các kỳ phát hành.

Sự xuất hiện của tờ báo kháng chiến có tác động rất lớn trong việc phát động phong trào cách mạng trên toàn tỉnh, nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lớn mạnh của kháng chiến, tin vào thắng lợi tất yếu của cách mạng, từ đó hăng hái tham gia, không ngại hy sinh gian khổ, góp phần đẩy mạnh cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

Sau Hiệp định Genève (7.1954) là giai đoạn cách mạng Việt Nam gặp vô vàn  khó khăn. Giai đoạn này, địch tăng cường khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng ráo riết. Hoạt động cách mạng phải đi vào bí mật nhưng hoạt động tuyên truyền vẫn kiên cường bám trụ, tờ tin vẫn xuất bản dù phải in bột do máy móc in ấn đã được chôn giấu và bộ phận báo chí chỉ còn hai người.

Lịch sử cách mạng Việt Nam mãi mãi không thể quên cái không khí ngột ngạt bao trùm cả miền Nam trong những năm đen tối dưới sự thống trị của chính quyền Ngô Ðình Diệm. Trong “đêm trường trung cổ” đó, Tỉnh uỷ Tây Ninh vẫn kiên cường lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị, đòi thi hành Hiệp định Genève, hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Trong giai đoạn đó, tờ tin, tiếng nói của Ðảng bộ tỉnh tiếp tục làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, đưa tiếng nói của Ðảng đến với nhân dân.

Ðể tái lập nhà in, những người làm công tác tuyên truyền lúc đó như ông Năm Choàng, ông Tư Văn đã hai lần cải trang, dũng cảm đột nhập vào tận Sài Gòn - Chợ Lớn mua thêm thiết bị, chữ chì, đưa vào căn cứ ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng.

Có nhà in, tài liệu, truyền đơn của cách mạng lại được tung ra tận các vùng tạm chiếm, gây men, củng cố lòng tin của nhân dân đối với cách mạng, đến khi ngọn lửa Ðồng Khởi bùng lên, báo chí cách mạng ở Tây Ninh lại xuất hiện tiếp tục đồng hành cùng nhân dân, cán bộ chiến sĩ của tỉnh đi suốt cuộc trường chinh đánh Mỹ. Lúc này, Báo Tây Ninh được đổi tên thành Báo Giải Phóng.

Cố Tổng biên tập Báo Tây Ninh Nguyễn Ðức Tâm trong thập niên 1980 (ảnh tư liệu).

Ðặc biệt, chào mừng sự kiện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập, ra mắt quốc dân đồng bào tại chiến khu Dương Minh Châu trên đất Tây Ninh, Tỉnh uỷ Tây Ninh quyết định cho ra đời số đặc biệt của tờ báo Giải Phóng.

Cố nhà báo Nguyễn Ðức Tâm đã kể, số báo này được chăm chút từ nội dung đến hình thức, bìa báo được in nhiều màu với hình tượng các tầng lớp nhân dân miền Nam vùng lên phất cao ngọn cờ Mặt trận xanh đỏ sao vàng, số lượng in đến 5.000 tờ. Báo Giải Phóng của tỉnh Tây Ninh xuất bản tại Căn cứ Tỉnh uỷ ở Bời Lời huyện Trảng Bàng, ven sông Sài Gòn, chỉ cách thủ đô của chính quyền Ngô Ðình Diệm chừng 30km đường chim bay.

Báo đưa tin Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN ra đời, đăng chính sách, lời kêu gọi của Mặt trận, danh sách các nhân sĩ trí thức yêu nước, đại biểu mọi thành phần xã hội, tôn giáo, dân tộc ở miền Nam tham gia trong Uỷ ban Mặt trận, báo còn đưa tin khởi nghĩa, chiến thắng ở các địa phương…

Sự ra đời của tờ báo kháng chiến với kỹ thuật in hiện đại không kém báo chí ở Sài Gòn làm nức lòng nhân dân trong và ngoài tỉnh Tây Ninh, khiến cho Mỹ-nguỵ vô cùng lo lắng, chúng cố tìm mọi cách phát hiện nơi ấn loát, xuất bản của “tờ báo Việt cộng” để tiêu diệt, nhưng từ đó cho đến chiến thắng mùa Xuân 1975, chúng vẫn không phát hiện, không tiêu diệt được, và tờ báo vẫn xuất bản liên tục suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ.

Không chỉ vậy, khi các vị chức sắc yêu nước trong đạo Cao Ðài hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận thoát ly ra chiến khu, thành lập Ban Củng cố Hoà bình chung sống đạo Cao Ðài, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo Ban Tuyên huấn hỗ trợ Ban củng cố Hoà bình chung sống ra tờ báo làm phương tiện vận động quần chúng vùng đạo. Ðó là tờ Nước Vinh Ðạo Sáng, một phụ bản đặc biệt của Báo Giải Phóng.

Trong giai đoạn đánh Mỹ quyết liệt, hoạt động báo chí ở Tây Ninh được cấp trên đánh giá cao. Tại hội nghị thông tấn báo chí các tỉnh miền Ðông, tháng 2 năm 1967, Tiểu ban tuyên truyền báo chí của Tây Ninh được Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Ðông Nam bộ tặng Bằng khen với lời khen như sau: “Ở một chiến trường gay go, đã nỗ lực vượt bậc ra tin tức, báo chí tương đối đều, số lượng nhiều so với các tỉnh. Ra tờ báo đô thị “Cờ giải phóng” và “Bản tin diệt Mỹ” sớm hơn các tỉnh thành, trình bày tờ báo, bản tin tương đối đẹp”. Bằng khen đề ngày 2.1.1967.

Ðại thắng mùa Xuân 1975 đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, giải phóng dân tộc thoát khỏi ách xâm lược, Báo Giải Phóng của Tỉnh uỷ Tây Ninh chính thức được mang tên quê hương mình, từ đó, Báo Tây Ninh được in ấn, phát hành công khai, rộng rãi trong tỉnh. Là tiếng nói của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh, từ ngày giải phóng đến nay, Báo bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chuyển tải chủ trương, đường lối của Ðảng, phương hướng kế hoạch kinh tế xã hội của tỉnh đến nhân dân Tây Ninh, và làm cầu nối giữa nhân dân với Ðảng, với chính quyền cách mạng trong điều kiện hoà bình, tự do, độc lập.

Nhận Huân chương Lao động hạng 3.

71 năm hoạt động liên tục, báo chí cách mạng ở Tây Ninh với bề dày truyền thống, tự hào là đã ra đời trong những ngày bão táp nhất của quê hương, đã ngày càng trưởng thành trong xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương cho đến ngày nay. Trong chiến tranh, người làm báo ở Tây Ninh là người chiến sĩ xung kích trên trận tuyến đấu tranh chính trị và chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

Trong hoà bình, người làm báo Tây Ninh vẫn giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, vẫn là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, góp phần xây dựng một xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hiện nay, trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thông tin, người làm Báo Tây Ninh luôn nguyện hết sức rèn luyện “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”, tự nâng cao mọi mặt, nắm bắt công nghệ tiên tiến của thời đại để ứng dụng trong hoạt động nghề nghiệp; giữ vững tôn chỉ, mục đích, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo, xứng đáng là cơ quan truyền thông đại chúng chính thống của đảng bộ tỉnh nhà.

Trân trọng công sức của các nhà báo lão thành, những người góp phần xây dựng và phát triển tờ báo, chúng tôi - những người làm báo hôm nay luôn tự hào lấy truyền thống của Báo làm điểm tựa để tiếp tục phấn đấu viết tiếp trang lịch sử hào hùng của Báo Tây Ninh- cơ quan ngôn luận của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh.

BÁO TÂY NINH

 

Tin cùng chuyên mục