Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
72.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp: Hệ quả của đào tạo tràn lan, dự báo kém
Thứ tư: 11:49 ngày 23/04/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mới đây đã công bố một số liệu làm nhiều người lo lắng, đó là có tới 72.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp. Để xảy ra tình trạng trên, lỗi thuộc về ai?

Lỗi do ai?

Ông Lê Viết Khuyến-Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam cho rằng: Trong đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém.

Đó là cơ chế quản lý chồng chéo, không hiệu quả giữa các bộ, ngành liên quan. Công tác đào tạo không bám vào chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và địa phương, "thả nổi" cho các cơ sở đào tạo dẫn tới cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề không hợp lý. Ngoài ra trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay hầu như không có sự phân luồng người học và sự phân tầng cơ sở giáo dục.

Theo ông Trần Phương-nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ-Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, hiện chúng ta đào tạo quá thừa lao động có trình độ ĐH, CĐ so với nhu cầu thực tế mà xã hội cần. Xét trong bối cảnh hiện tại, nền kinh tế Việt Nam, không cần mỗi địa phương, mỗi tỉnh nhất thiết phải có 1 trường ĐH, CĐ.

Quá nhiều cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp đã nói lên việc quy hoạch mạng lưới nguồn nhân lực Việt Nam đang tồn tại nhiều hạn chế. Ảnh: K.N

Còn ông Nguyễn Minh Đường-nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng hiện trong quản lý giáo dục còn sự chồng chéo, hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS, THPT chưa tốt, không thực hiện liên thông giữa các trình độ, không quy hoạch được mạng lưới cơ sở đào tạo một cách hợp lý; không kiểm định được chất lượng GD-ĐT... dẫn đến tình trạng chỗ thừa nhiều lao động, chỗ lại thiếu.

Theo bà Ngô Thị Minh-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, hiện công tác quy hoạch hệ thống trường lớp phải được coi trọng và ưu tiên hàng đầu nhưng hiện nay công tác này còn hạn chế.

Một thực tế là các cơ quan dự báo nguồn nhân lực yếu kém, không đưa ra một cách cụ thể là ngành này cần bao nhiêu nguồn nhân lực trong 1 năm, trong 5 năm hoặc xa hơn là trong 10 năm, 15 năm.

Hậu quả là quy mô phát triển chưa tương xứng với chất lượng đào tạo, từ hệ thống mầm non đến hệ thống các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp.

"Hiện nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước còn lãng phí, chưa đề cao tính hiệu quả, chưa gắn với nhu cầu sử dụng dẫn đến thực tế đáng báo động là đào tạo tràn lan, ra trường không được sử dụng", bà Minh cho biết thêm.

Quy hoạch mạng lưới đào tạo

Theo bà Ngô Thị Minh, để cải thiện tình trạng sinh viên, cử nhân thất nghiệp như hiện nay, các trường ĐH, CĐ trước khi khai giảng cần tư vấn cho sinh viên cụ thể về công việc và ngành nghề họ sẽ làm trong trương lai.

"Ngoài ra, các trường ĐH, CĐ nên thay đổi tư duy, hướng tới việc xã hội cần gì trường sẽ đáp ứng, đào tạo phải gắn với cơ sở lao động. Khi tiến hành phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên, nhà trường phải theo dõi xem sinh viên ra trường thế nào, có xin được việc hay không. Không nên chỉ phát bằng cho sinh viên như một cái máy", bà Minh nói.

Bên cạnh đó, về phía các địa phương, nơi có các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn, theo bà Minh, cần chú trọng phát triển các trường đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực để tận dụng tối đa cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên.

Không nên để nhiều trường nhỏ, manh mún, như vậy sẽ khó quản lý, quy hoạch. Các địa phương nên biết đâu là ngành mũi nhọn mà mình cần nhân lực, từ đó hướng trường đào tạo theo mục tiêu đó. Ngoài ra ở một số địa phương cần thay đổi nhận thức, tránh phát triển mang nặng tính "phong trào".

Theo ông Lê  Viết Khuyến, Nhà nước phải trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở giáo dục ĐH. Bên cạnh đó phải thực hành triệt để phân luồng người học sau THCS. Nhà nước có chính sách khuyến khích phân luồng (chỉ tiêu đào tạo, phân bổ ngân sách, chính sách học phí-học bổng...).

Việc cần làm trước tiên là đổi tên trường Trung cấp nghề thành trung học nghề, điều chỉnh lại mục tiêu và chương trình đào tạo. Bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn (để có thể học lên khi có cơ hội) vừa có nghề thành thạo.

Việc chuyển đổi các trường trung cấp chuyên nghiệp theo 2 hướng: CĐ thực hành hoặc trung học nghề. Hợp nhất một phần trường THPT với các cơ sở dạy nghề ở địa phương để chuyển thành các trường trung học nghề; Quy hoạch lại nhiệm vụ cho các trường đại học theo 2 hướng: Nghiên cứu và nghề nghiệp-ứng dụng.

Ông Trần Xuân Nhĩ-nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: "Chúng tôi đang kiến nghị với Nhà nước, chỉ 15- 20% học sinh tốt nghiệp THCS đi theo hướng ĐH nghiên cứu; số còn lại sẽ đi học nghề, CĐ nghề, ĐH ứng dụng ra trường đi làm để nền kinh tế phát triển, đồng thời phù hợp với yêu cầu của xã hội và của cá nhân".

Theo Báo Hải Quan

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục