BAOTAYNINH.VN trên Google News

76 ngày không lây nhiễm nCoV cộng đồng

Cập nhật ngày: 01/07/2020 - 07:36

Sáng 1/7, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. 20 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 11 người dương tính.

Như vậy, 24 giờ qua không thêm ca nhiễm mới, tổng số ca nhiễm 355, trong đó 335 người khỏi.

Các bệnh nhân còn lại đang điều trị ở 6 cơ sở y tế với sức khỏe ổn định. Bốn ca âm tính lần một, năm người âm tính lần hai, 11 người dương tính.

76 ngày qua không lây nhiễm nCoV cộng đồng.

Bệnh nhân phi công người Anh điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, là ca nặng nhất, đang hồi phục tốt. Đến nay, bệnh nhân tự thở khí phòng, cai máy thở 19 ngày, đã phục hồi hoàn toàn sức cơ chân, bước đi được nhiều hơn. Tiểu ban Điều trị đang sắp xếp một cuộc hội chẩn dự kiến trong tuần này, đánh giá sức khỏe bệnh nhân, trước khi cho về nước ngày 12/7.

Hơn 12.500 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 96 người, tại cơ sở tập trung hơn 11.500, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.

Thế giới ghi nhận hơn 500.000 người chết trong hơn 10 triệu ca nhiễm. Mỹ và Brazil là hai nước có số ca mắc và tử vong cao nhất thế giới. Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

Hôm qua, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận định dịch bệnh còn kéo dài, khuyên các nước hết sức cân nhắc khi xem xét, quyết định mở cửa biên giới hay nối lại bay quốc tế.

Liên minh Nghiên cứu vaccine Thế giới muốn mời Việt Nam tham gia nghiên cứu, sản xuất. Tham gia liên minh là điều kiện quan trọng để người dân có thể tiếp cận được vaccine trong thời gian sớm nhất có thể (khoảng cuối năm 2021).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua Việt Nam không chỉ sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm nCoV, máy thở 100% "made in Vietnam" đã xuất khẩu đi nhiều nước... Việt Nam đang tập trung nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19, với hai đơn vị nghiên cứu sản xuất. Hiện vaccine đã tiến hành thử nghiệm trên chuột, chất lượng đạt được khá tốt, thời gian tới sẽ thử nghiệm trên linh trưởng và sau đó thử nghiệm trên người.

Nguồn VNE