Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Mục tiêu tổng quát là duy trì mức sinh thay thế, cân bằng giới tính, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số...
Phát biểu tại cuộc họp về chiến lược dân số Việt Nam tới năm 2030, ngày 26/12, bà Đỗ Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Truyền thông giáo dục, cho biết vấn đề dân số đặt ra nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.
Bà Hồng nhận định, sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng rất lớn, nguy cơ làm tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng và khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư. Mức sinh giảm quá thấp đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh ở mức nghiêm trọng. Trong khi đó, lợi thế của cơ cấu dân số vàng chưa được tận dụng tốt. Vấn đề già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh, xong giải pháp định hướng kịp thời chưa được triển khai một cách đồng bộ.
"Ngoài ra, chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, vấn đề quản lý dân cư phân tán, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý của xã hội hiện đại", bà Hồng nói.
Học sinh tại một trường tiểu học ở TP HCM trong lễ khai giảng ngày 5/9. Ảnh: Hữu Khoa
8 mục tiêu dân số trong 10 năm
Giữ tỷ suất sinh
Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng. Theo đó, duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người, giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng, 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế. Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản; giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn.
Tăng dân số dân tộc thiểu số
Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi. Mục tiêu cụ thể là duy trì tỉ lệ tăng dân số của các dân tộc thiếu số dưới 10 nghìn người cao hơn mức bình quân chung cả nước, cơ bản ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, bảo đảm tốc độ tăng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng dân số của các dân tộc thiếu số dưới 10 nghìn người cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước.
Cân bằng chênh lệch giới tính khi sinh
Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%. Tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%, tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.
Nâng cao chất lượng dân số
Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%, giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống. 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất, 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm. Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Phân bố dân số hợp lý
Thúc đẩy phân bố dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thúc đẩy đô thị hóa, đưa tỉ lệ dân số đô thị đạt trên 45%. Tiếp tục thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.
Dữ liệu quốc gia dân cư
Hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất, dùng chung trên quy mô toàn quốc, 100% ngành, lĩnh vực và địa phương sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Tận dụng lợi thế dân số vàng
Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững. Tiếp tục thực hiện tốt, hướng đến đạt mục tiêu cao hơn các chiến lược về giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài... hiện có. Nghiên cứu xây dựng các chiến lược, chương trình về những lĩnh vực nêu trên cho giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu tăng tối đa số lượng việc làm, nâng cao tỉ lệ lao động được đào tạo, cải thiện chất lượng việc làm.
Thích ứng già hóa dân số
Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.
Chiến lược cũng đưa ra một số giải pháp như phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng về dịch vụ dân số, như mở rộng khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thân thiện với thanh niên. Thực hiện chương trình ngăn ngừa, sàng lọc, can thiệp, điều trị sớm các bệnh, tật là nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở nhóm dân số trẻ. Hình thành mạng lưới sàng lọc vô sinh nhiều cấp, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để mở rộng mạng lưới hỗ trợ sinh sản, đầu tư để có trung tâm hỗ trợ sinh sản ngang tầm thế giới .
Phổ cập dịch vụ tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đặc biệt chú trọng triển khai cung cấp dịch vụ phát hiện sớm nguy cơ, phòng ngừa di truyền các bệnh nguy hiểm ở thai nhi và trẻ em.
Thực hiện các chương trình tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, các chương trình dinh dưỡng, sữa học đường nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt. Phát triển mạng lưới chăm sóc người cao tuổi. Phát triển các loại hình câu lạc bộ rèn luyện sức khỏe, văn hóa, giải trí của người cao tuổi ở cộng đồng theo hướng xã hội hóa. Thí điểm xây dựng, từng bước mở rộng các cơ sở chăm sóc người cao tuổi tập trung.
Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cụ trưởng, phụ trách Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, nhận định, để thực hiện được các mục tiêu trên, giải pháp cơ bản là vận động, tuyên truyền, giáo dục gắn liền với đưa dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến tận người dân, có chính sách mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, nhất là những nước có chính sách về dân số tương đồng Việt Nam.
Nguồn VNE