BAOTAYNINH.VN trên Google News

8 tháng đầu năm 2021: Sản xuất công nghiệp tương đối ổn định và có mức tăng trưởng nhẹ 

Cập nhật ngày: 02/09/2021 - 09:23

BTNO - Mặc dù, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp đang ngưng hoạt động. Nhưng theo Sở Công Thương, trong 8 tháng đầu năm 2021, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định và có mức tăng nhẹ 3,36% so với cùng kỳ 2020. Trong đó đóng góp cho tăng trưởng công nghiệp vẫn chủ yếu từ ngành công nghiệp có giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng lớn như: dệt may, cao su và plastic, da và sản phẩm có liên quan, chế biến lương thực thực phẩm.

Công nhân làm việc tại một công ty may mặc

Tháng 8.2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, 31% so tháng trước và giảm 37% so với tháng cùng kỳ năm 2020.

Việc thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp, các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động tổ chức sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, làm ảnh hưởng chung đến chỉ số sản xuất công nghiệp.

Trong 8 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp chế biến, nông, thủy sản đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 151,6 triệu USD, tăng 49,3%.

Nhìn chung hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm nay. Riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 3.448 triệu USD, tăng 40,2%.

Trong những tháng đầu năm, các lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh đều bị tác động, dừng hoặc hoạt động trong điều kiện rất nhiều khó khăn. Hầu hết các ngành công nghiệp và các hoạt động thương mại, dịch vụ vận tải đều bị ảnh hưởng, nhịp độ tăng chậm hoặc giảm sút so tháng trước, chủ yếu là do các đơn vị ngưng hoạt động hoặc cắt giảm lao động, thiếu nguồn cung nguyên liệu, đầu ra ảnh hưởng…

Công nhân làm việc tại một công ty sản xuất bánh tráng trên địa bàn thị xã Hòa Thành

Tình hình cung cấp điện tương đối ổn định bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Trong tháng 6 và tháng 7.2021, Công ty Điện lực Tây Ninh giảm tiền điện cho 323 khách hàng là các cơ sở lưu trú, không thu phí tại các cơ sở làm khu cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19, cơ sở y tế dùng để điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh, với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên địa bản tỉnh 10 nhà máy điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định theo phương án “3 tại chỗ”. Tính đến 18.8.2021, trên địa bàn tỉnh có 88 doanh nghiệp đang hoạt động thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo đang sản xuất tương đối ổn định; có 8 doanh nghiệp trong cụm công nghiệp và 4 doanh nghiệp trong khu công nghiệp ngừng hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” do không bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19; có 4 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ngừng hoạt động do không đủ điều kiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ khoai mì trong và ngoài cụm công nghiệp vẫn hoạt động và thu mua nguyên liệu của nông dân trên địa bàn.

Công nhân vận chuyển gạch không nung

Để bảo đảm sản xuất công nghiệp từ đây đến cuối năm, Sở Công Thương kiến nghị Công ty Điện lực Tây Ninh tiếp tục duy trì công tác cung cấp điện an toàn, ổn định bảo đảm đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Tiếp tục thực hiện giảm giá điện, tiền điện cho các khác hàng trên địa bàn tỉnh.

Ngân hàng nhà nước tiếp tục chỉ đạo, giám sát các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất, giãn nợ. Các Ngân hàng thương mại cần có cơ chế giãn nợ cũng như tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn giúp cho doanh nghiệp duy trì sản xuất. Đẩy mạnh giải ngân các gói cho vay ưu đãi cho doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai các gói vay ưu đãi khác cho doanh nghiệp.   

Ngoài ra, các sở ban ngành cần tiếp tục đơn giản, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ, tạo điều kiện tốt hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt chú trọng quan tâm giải quyết, khuyến khích, hỗ trợ các dự án đầu tư mới.

Nhi Trần