Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
8 trường hợp dễ thiếu hụt vitamin và khoáng chất cần bổ sung để giúp cơ thể khỏe mạnh
Thứ tư: 11:57 ngày 26/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ cung cấp đầy đủ các vitamin, khoáng chất mà cơ thể cần. Tuy nhiên, trong một số tình huống có thể xem xét bổ sung các chất dinh dưỡng này để giúp cơ thể khỏe mạnh…

Chất bổ sung vitamin và khoáng chất hiện có rất nhiều trên thị trường và nhiều người dùng chất bổ sung thường xuyên, hằng ngày. Trong một phân tích dữ liệu thu thập được cho thấy, từ năm 2017 đến năm 2020, hơn một nửa số người Mỹ trưởng thành từ 20 tuổi trở lên thừa nhận đã sử dụng thực phẩm chức năng trong 30 ngày trước đó (theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh – CDC 2023).

Việc sử dụng thường xuyên và bừa bãi các chất bổ sung vi chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất để phòng ngừa bệnh mạn tính là không được khuyến khích, do thiếu bằng chứng khoa học hiện có. Thông thường, những người khỏe mạnh nói chung có thể nhận được tất cả các vi chất dinh dưỡng cần thiết từ thực phẩm.

Tuy nhiên, có những lúc chế độ ăn uống đơn thuần không cung cấp đủ liều điều trị các loại vitamin và khoáng chất cụ thể mà một số người cần. Một số chất bổ sung có thể chứa các thành phần không thường thấy trong thực phẩm và tình trạng sức khỏe có thể khiến nhu cầu về vitamin và khoáng chất của bạn cao hơn bình thường… Trong những trường hợp này cần phải bổ sung chất dinh dưỡng mà cơ thể thiếu.

Một số trường hợp cần bổ sung vitamin và khoáng chất giúp cơ thể khỏe mạnh.

Dưới đây là một số trường hợp cần bổ sung vitamin và khoáng chất:

1. Bạn bị thiếu máu cần bổ sung sắt và vitamin C

Thiếu máu do thiếu sắt là phổ biến, xảy ra thường xuyên ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, những người bị mất sắt mỗi tháng khi có kinh nguyệt. Tuy nhiên, thiếu máu có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai ở mọi lứa tuổi. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây thiếu máu do thiếu sắt, vì vậy hãy đảm bảo bạn được đánh giá và xét nghiệm để xác định nguyên nhân của thiếu máu.

Nếu không có đủ chất sắt trong chế độ ăn uống, cơ thể sẽ không thể tạo ra huyết sắc tố, loại protein giúp máu mang oxy đến tất cả các mô trong cơ thể. Vì lý do này, thiếu máu do thiếu sắt có thể khiến bạn cảm thấy yếu ớt , mệt mỏi, chóng mặt và đau đầu.

May mắn thay, tình trạng này thường dễ dàng điều trị bằng cách bổ sung sắt. Sắt nguyên tố dạng uống thường được khuyên dùng khi bác sĩ chẩn đoán bạn bị thiếu máu do thiếu sắt. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể khuyên bạn bổ sung thêm vitamin C để tăng cường hấp thu sắt.

2. Bạn bị đái tháo đường type 2

Đái tháo đường type 2 là một căn bệnh nguy hiểm và cần phải được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Các nghiên cứu về các chất bổ sung có thể giúp hỗ trợ điều trị căn bệnh này. Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa mức vitamin D và kiểm soát đường huyết ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2.

Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, lượng vitamin D thấp có thể góp phần gây ra tình trạng kháng insulin. Nếu bạn không chắc chắn về mức vitamin D của mình là bao nhiêu, hãy trao đổi với bác sĩ về việc xét nghiệm và hỏi họ về chế độ dinh dưỡng, cũng như cách đảm bảo bạn có mức vitamin D lành mạnh và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác.

3. Bạn mắc chứng khó ngủ kinh niên

Nhiều người trằn trọc khó ngủ có thể tìm đến với chất bổ sung melatonin, đặc biệt là ở những người lớn tuổi khi mức độ melatonin giảm sút . Tuy nhiên, bạn cần biết về các tác dụng phụ tiềm ẩn và trao đổi với bác sĩ về liều lượng phù hợp với bạn.

Ngoài ra, thực phẩm bổ sung chiết xuất cây nữ lang cũng có thể giúp bạn ngủ tốt hơn. Loại thảo dược này đã được sử dụng theo truyền thống cho chứng rối loạn giấc ngủ và lo lắng.

Mặc dù nghiên cứu cho thấy rằng cây nữ lang thường an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn (tối đa 28 ngày) đối với hầu hết người lớn, nhưng tác dụng lâu dài của cây nữ lang và việc sử dụng nó trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú vẫn chưa được biết.

4. Bạn theo chế độ ăn thuần chay hoặc ăn chay

Những người ăn chay có thể cần bổ sung vitamin B12.

Chế độ ăn thuần chay hoặc ăn chay có thể mang lại những lợi ích sức khỏe, bao gồm giảm cân và giảm cholesterol. Tuy nhiên, việc cắt bỏ các sản phẩm từ động vật có thể dẫn đến thiếu hụt một số chất dinh dưỡng, ví dụ như vitamin B12 (loại vitamin này có nhiều trong sản phẩm động vật).

Nếu không có đủ vitamin B12, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt hoặc nếu thiếu hụt nghiêm trọng hơn sẽ cảm thấy khó thở. Thông thường, sự thiếu hụt nhẹ có thể không có triệu chứng rõ ràng và chỉ biết thông qua xét nghiệm.

Tuy nhiên, bất cứ ai theo chế độ ăn chay tiêu thụ trứng hoặc sữa có thể không cần bổ sung vitamin B12 (vì những thực phẩm này có thể cung cấp vitamin B12 cho cơ thể).

Các chất dinh dưỡng khác cần cân nhắc bổ sung nếu bạn ăn chay bao gồm canxi và vitamin D. Những chất này nên được cân nhắc đối với những người tránh dùng các sản phẩm từ sữa.

Cá và động vật có vỏ là nguồn cung cấp axit béo omega-3 DHA tốt nhất, bất kỳ ai tránh ăn hải sản đều có thể xem xét bổ sung DHA dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

5. Bạn đang mang thai

Phụ nữ mang thai có nhu cầu dinh dưỡng khác với những người bình thường. Các chất bổ sung cần thiết trong thời kỳ mang thai có thể khác nhau ở mỗi người, dựa trên các yếu tố như bạn có mang đa thai hay không, hoặc có bị thiếu hụt bất kỳ chất dinh dưỡng nào khi bước vào thai kỳ hay có sự thiếu hụt lớn về dinh dưỡng…

Nói chung, trong thời kỳ mang thai, vitamin trước khi sinh có thể giúp lấp đầy những khoảng trống này, bao gồm: Axit folic, sắt, canxi, vitamin D, choline, axit béo omega-3, vitamin B và vitamin C…

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ phụ khoa của bạn về loại thực phẩm bổ sung nào là tốt nhất cho bạn và lưu ý rằng khi bạn bước vào tam cá nguyệt thứ hai, nhu cầu sắt của bạn sẽ tăng lên.

6. Bạn đang trải qua thời kỳ mãn kinh

Các cơn bốc hỏa, thay đổi tâm trạng và kinh nguyệt không đều… là những dấu hiệu khi bạn bước vào thời kỳ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Một số triệu chứng khó chịu trong giai đoạn này của cuộc đời có thể được giảm nhẹ bằng các chất bổ sung vào chế độ ăn uống.

Một số thảo dược có thể giúp giảm các triệu chứng này như black cohosh, John"s wort, hoa bia… Tuy nhiên, trước khi dùng các thảo dược này, bạn cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế, để đảm bảo rằng, bạn dùng chúng an toàn, và không tương tác bất lợi với các loại thuốc khác mà bạn đang dùng.

7. Bị thương hay phẫu thuật

Vitamin và khoáng chất đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương . Nếu bạn vừa mới phẫu thuật hoặc bị vết thương, một số chất bổ sung có thể giúp bạn bình phục nhanh hơn, ví dụ như vitamin C, kẽm… cả hai đều đóng vai trò chữa lành vết thương.

8. Bạn đang gặp vấn đề về tiêu hóa

Khi bạn gặp vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, rối loạn tiêu hóa… có thể dùng một số chất bổ sung dưới đây:

- Củ gừng: Có thể giúp cải thiện tình trạng buồn nôn và nôn trong thai kỳ, giảm viêm và tăng cường chức năng tiêu hóa tổng thể.

- Men vi sinh: Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số chủng vi khuẩn sống, hoặc men vi sinh có thể cải thiện sức khỏe đường ruột bằng cách hỗ trợ hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh và cân bằng. Việc sử dụng men vi sinh cũng đã được chứng minh là giúp mọi người đi tiêu đều đặn.

- Prebiotics: Đây là chất xơ“nuôi” các vi khuẩn tốt trong ruột, hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa.

- Enzyme tiêu hóa : Để giúp tiêu hóa thức ăn đúng cách, cơ thể dựa vào một số enzyme. Hầu hết chúng ta đều sản xuất đủ các loại men tiêu hóa này, nhưng đối với những người không sản xuất đủ, có thể bổ sung men tiêu hóa.

Lưu ý, trước khi dùng bất kỳ vitamin, khoáng chất hay chất bổ sung nào hoặc thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào về chế độ ăn uống, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, để được bổ sung đúng cách, an toàn.

Nguồn SKĐS

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục