BAOTAYNINH.VN trên Google News

9 tháng năm 2023: Công tác giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều khó khăn 

Cập nhật ngày: 16/10/2023 - 09:35

BTN - Quyết tâm của tỉnh là phải giải ngân hết 100% nguồn vốn theo kế hoạch được giao để mang lại lợi ích cho người dân thụ hưởng các Chương trình MTQG.

Mô hình chăn nuôi ba ba trên địa bàn xã Tân Phú, huyện Tân Châu giúp người dân có thu nhập ổn định.

Thời gian qua, công tác giải ngân vốn đầu tư công, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương chưa đồng bộ; việc hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc, khó khăn của các bộ, ngành Trung ương đến tháng 4.2023 mới cơ bản giúp các địa phương, đơn vị tháo gỡ để triển khai thực hiện.

Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án, nhất là các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển cần nhiều thời gian để cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Một số dự án sử dụng vốn sự nghiệp chậm hoặc chưa giải ngân do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền hoặc thiếu sự đồng bộ giữa các chương trình MTQG, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đối với Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Trong đó, tiểu dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng còn khó khăn như: tổng nguồn kinh phí thực hiện là 14.273 triệu đồng gồm: vốn Trung ương là 12.685 triệu đồng, tỉnh 6.393 triệu đồng, huyện 6.292 triệu đồng, vốn địa phương là 1.588 triệu đồng.

Vốn không sử dụng hết là 14.273 triệu đồng, nguyên nhân năm 2023, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15.8.2023 quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nội dung tại Điều 68 quy định đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

Sở Lao động - TBXH đã có Công văn số 2414/SLĐTBXH-DN ngày 22.8.2023 về việc xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện. Kết quả rà soát nhu cầu học nghề trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, hầu hết người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo không có nhu cầu học nghề hoặc chỉ có từ 2 đến 3 người đăng ký học nghề khác nhau trên 1 huyện.

Để tiếp tục vận động, thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo quyết liệt các địa phương tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để tổ chức mở lớp đào tạo giúp người lao động có thêm kiến thức, kỹ năng nghề có thể tìm kiếm việc làm nâng cao thu nhập, tạo điều kiện thoát nghèo.

Với những lý do trên, nguồn vốn phân bổ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương để thực hiện Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022, 2023 đến nay còn 14.273 triệu đồng không giải ngân được.

Tiểu dự án về hỗ trợ việc làm bền vững, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023 sử dụng nguồn kinh phí của tỉnh theo Thông tư số 01/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25.1.2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động.

Trong tháng 10.2023, Sở LĐ-TB&XH tổ chức nghiệm thu công tác thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động tại các huyện, thị xã, thành phố nên công tác thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Thông tư số 11/2022/TT- BLĐTBXH ngày 30.6.2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn chậm. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh nguồn kinh phí, quyết toán từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đối với nội dung hỗ trợ kết nối việc làm thành công chưa thực hiện được do số lao động được hỗ trợ kết nối việc làm thành công qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh có giao kết hợp đồng lao động thuộc các đối tượng như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chưa thực hiện được và tỉnh chưa ban hành đơn giá dịch vụ dịch vụ việc làm.

Dự án Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình. Trong đó, tiểu dự án về Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình. Vốn được phân bổ là 4.757 triệu đồng. Trong quý III/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 100% lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo có liên quan, tập huấn rà soát hộ nghèo cho các rà soát viên trên địa bàn, ước thực hiện năm 2023 là 3.005 triệu đồng/4.757 triệu đồng, đạt hơn 63%. Vốn không sử dụng là 1.752 triệu đồng.

Tiểu dự án về Giám sát, đánh giá. Vốn được phân bổ 2.528 triệu đồng. Thực hiện Kế hoạch số 626/KH-UBND ngày 9.3.2023 của UBND tỉnh về kế hoạch truyền thông và giảm nghèo về thông tin và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh, tháng 7.2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra tình hình triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 trên 9/9 huyện, thị xã, thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn và hướng dẫn, định hướng các địa phương triển khai thực hiện các dự án đa dạng hoá sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Năm 2023, dự kiến thực hiện khoảng 1.358 triệu đồng, ước đạt gần 54%. Vốn không sử dụng là 1.270 triệu đồng. Vốn không sử dụng hết là 29,071 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương là 24.915 triệu đồng, vốn địa phương là 4,156 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra 2 phương án.

Phương án xin chuyển nguồn, đề nghị UBND tỉnh có văn bản báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo xin chuyển nguồn năm 2024 đối với nguồn vốn không sử dụng hết.

Phương án trả vốn, đề nghị UBND tỉnh có văn bản báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo trả nguồn vốn không sử dụng hết.

Đối với 2 phương án trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất chọn phương án trả vốn, do UBND tỉnh đã có Văn bản số 2774/UBND-KGVX ngày 31.8.2023, về việc báo cáo nhu cầu vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Vì nguồn vốn dự kiến được Trung ương cấp bảo đảm nhu cầu của địa phương, bên cạnh đó, số đối tượng thụ hưởng chương trình của tỉnh đầu giai đoạn rất thấp, phần đông đối tượng đủ điều kiện đã được hỗ trợ để thoát nghèo, thoát cận nghèo trong năm 2023 nên các đối tượng còn lại được thụ hưởng chương trình là rất ít.

Các chương trình MTQG có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, tỉnh đề nghị các địa phương tập trung rà soát, triển khai các phần việc liên quan; chỉ đạo các bộ phận tài chính thường xuyên phối hợp để thực hiện tốt công tác giải ngân nguồn vốn. Quyết tâm của tỉnh là phải giải ngân hết 100% nguồn vốn theo kế hoạch được giao để mang lại lợi ích cho người dân thụ hưởng các Chương trình MTQG.

Nhi Trần