Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
9 tháng năm 2024: Tăng trưởng tín dụng chưa cao
2024-09-14 11:09:01

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Tây Ninh, trong 9 tháng năm 2024, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách tín dụng theo định hướng của ngành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng tăng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; lãi suất cho vay tiếp tục giảm so đầu năm nên trong 9 tháng đầu năm vốn tín dụng tiếp tục tăng trưởng.

Công nhân sơ chế chuối xuất khẩu.

Tuy nhiên, do mức hấp thụ vốn của nền kinh tế và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp- nhất là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản mang tính thời vụ nên mức tăng trưởng tín dụng chưa cao.

Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 9.2024 đạt 104.200 tỷ đồng, tăng 6% so đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 8,4%) và tăng 12% so cùng kỳ.

Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn đối với cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 5.487 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu đạt 810 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 2.104 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng chính sách ước đạt 4.345 tỷ đồng, tăng 8,4% so đầu năm; Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ước đạt 60.200 tỷ đồng, tăng 6,5% so đầu năm, tăng 11,6% so cùng.

Thực hiện Thông tư 06/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, đến nay các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ 381 tỷ đồng cho 142 lượt khách hàng, trong đó dư nợ gốc là 354 tỷ đồng, dư nợ lãi là 27 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm, lãi suất trên địa bàn biến động theo xu hướng chung, lãi suất huy động có xu hướng tăng trong những tháng gần đây và ở mức tương được thời điểm đầu năm; lãi suất cho vay giảm khoảng 0,3% – 0,8% so với đầu năm, theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Người dân chăm sóc trái mãng cầu.

Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa tại ngân hàng thương mại là 4%/năm và tại các quỹ tín dụng nhân dân là 5% năm; lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 7,9%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 9,5%/năm.

Các tổ chức tín dụng quan tâm, đẩy mạnh công tác huy động vốn, quảng bá, chăm sóc khách hàng và triển khai nhiều sản phẩm huy động vốn phù hợp nên vốn huy động tiếp tục tăng trưởng tốt.

Vốn huy động ước đến cuối tháng 9.2024 đạt 70.350 tỷ đồng, tăng 6% so đầu năm và tăng 10,2% so cùng kỳ; trong đó vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 5.400 tỷ đồng, giảm 8,6% so đầu năm, giảm 7,1% so với cùng kỳ và chiếm 7,7% tổng nguồn vốn huy động.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn luôn quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện nhiều giải pháp xử lý kéo giảm nợ xấu, kiểm soát nợ xấu ở mức thấp. Tuy nhiên, do khó khăn chung của nền kinh tế nên nợ xấu tiếp tục có xu hướng tăng. Ước đến cuối tháng 9.2024 nợ xấu chiếm 1,7% tổng dư nợ, tăng so với tỷ lệ 0,83% của đầu năm.

3 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Tây Ninh theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Người dân đánh bắt thuỷ sản.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tốt các giải pháp, định hướng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng cường trao đổi, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn; tiếp tục thực hiện cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư số 02/2023/TT; chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và tín dụng 30.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản... bảo đảm thực hiện chặt chẽ, đúng quy định.

Chủ động kết nối với doanh nghiệp theo từng ngành nghề, đối tượng cụ thể, tăng cường trao đổi, làm việc với khách hàng vay vốn để kịp thời nắm bắt và xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng bảo đảm hiệu quả, thực chất.

Nhi Trần

Báo Tây Ninh
Báo Tây Ninh
Tin liên quan