Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm (CGC) và lở mồm long móng (LMLM); xây dựng, duy trì vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) trên địa bàn tỉnh năm 2025.
![google news](/assets/images/gg-news-v2.png)
![](https://baotayninh.vn/image/ckeditor/2025/20250213/ttnhi/files/5476.jpg)
Theo đó, Sở NN&PTNT yêu cầu các đơn vị tổ chức chăn nuôi phòng bệnh bằng nâng cao công tác quản lý chăn nuôi và quản lý dịch bệnh, tiêu độc khử trùng.
Trong đó, chủ cơ sở chăn nuôi nông hộ chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hằng ngày vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào cơ sở chăn nuôi.
Các cơ sở chăn nuôi trang trại thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; tổ chức 1 đợt/năm vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi nông hộ, các chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật bằng hóa chất. Số lượng thuốc sát trùng sử dụng là 2.500 lít/đợt.
Ngoài ra, khuyến cáo thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ gia súc, gia cầm; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch. Hoá chất sử dụng để vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phải được phép lưu hành tại Việt Nam và hướng dẫn của nhà sản xuất.
![](https://baotayninh.vn/image/ckeditor/2025/20250213/ttnhi/files/0999.jpg)
Trong năm 2025, số lượng vắc xin tiêm phòng bệnh CGC là 900.000 liều. Số lượng vắc xin Newcastle tiêm phòng 850.500 liều. Hằng năm, tổ chức 2 đợt tiêm phòng chính: vắc xin CGC đồng loạt trên đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh và tiêm phòng Newcastle trên địa bàn 4 huyện: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và Gò Dầu bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt 100% kế hoạch.
Đối với bệnh LMLM, năm 2025 số lượng vắc xin sử dụng tiêm phòng là 58.400 liều. Đối tượng được hỗ trợ tiêm phòng miễn phí (bao gồm chi phí vắc xin và tiền công tiêm phòng) trên đàn trâu, bò của các hộ chăn nuôi có tổng đàn trâu, bò dưới 40 con.
Đối với đàn trâu, bò có tổng đàn từ 40 con trở lên, chủ hộ chăn nuôi tự lo kinh phí tiêm phòng. Hằng năm, tổ chức 2 đợt tiêm phòng chính vắc xin LMLM đồng loạt cho trâu, bò trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt 100% kế hoạch.
Đối với heo và các loài gia súc cảm nhiễm khác, vận động Nhân dân tự tiêm phòng bảo vệ cho đàn gia súc, ưu tiên tiêm phòng cho heo nọc, heo nái theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Ngoài đợt tiêm chính, cần thường xuyên rà soát, tổ chức tiêm vắc xin LMLM bổ sung cho đàn trâu, bò chưa được tiêm phòng, phát sinh, nhập đàn, hết thời gian miễn dịch bảo hộ sau đợt tiêm chính.
Đối với việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, Sở NN&PTNT triển khai xây dựng, duy trì vùng ATDB đối với bệnh CGC và Newcastle trên gà tại huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và Gò Dầu; xây dựng, duy trì vùng ATDB đối với bệnh LMLM trên bò tại huyện Bến Cầu.
![](https://baotayninh.vn/image/ckeditor/2025/20250213/ttnhi/files/0997.jpg)
Các chủ cơ sở chăn nuôi tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh bệnh CGC góp phần kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh CGC xảy ra và lây lan diện rộng. Đồng thời chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống; tạo điều kiện cho việc xây dựng, duy trì các cơ sở, vùng ATDB; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của CGC đối với sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và các hoạt động thương mại của tỉnh.
Nhi Trần