Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ấm lòng những suất cơm chay từ thiện
Thứ bảy: 11:30 ngày 10/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đã nhiều năm nay, vào các ngày 15 và mùng 1 âm lịch hằng tháng, chùa Hạnh Lâm (toạ lạc tại ấp Thanh Thuận, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) lại nhộn nhịp hơn hẳn khi mọi người tất bật chuẩn bị cơm chay từ thiện để giúp những người qua đường, nhất là người nghèo.

Các phật tử đang đều tay làm món cơm chiên.

Nơi nương tựa của người nghèo

Sư thầy Thích Thiện Trí- Trụ trì chùa Hạnh Lâm chia sẻ, việc tổ chức nấu ăn từ thiện tại chùa được thực hiện từ đầu năm 2020, xuất phát từ tấm lòng của các phật tử khi thấy những người nghèo còn thiếu ăn, thiếu mặc.

Từ đó đến nay, chùa nấu cơm chay từ thiện cung cấp đều đặn suất ăn trưa trong 2 ngày mùng 1 và 15 (âm lịch) hằng tháng. Mỗi ngày nấu hơn 1 ngàn suất, mỗi suất khoảng 20.000 đồng gồm có cơm, rau xào, canh chua, tàu hủ kho và thêm một ly nước sâm.

Chi phí mua lương thực, thực phẩm đều do phật tử đóng góp. Sau đó, nhiều người đến chùa cúng lễ biết việc làm trên đã chở gạo, mang tiền, rau, củ, quả, nước tương, chao đến hỗ trợ; ai không góp tiền, góp vật chất thì góp sức cùng với chùa để nấu cơm.

 Hầu hết những người đến nhận cơm tại chùa là những người lao động nghèo không chỉ trong khu vực mà còn cả các nơi khác trên địa bàn tỉnh, họ mưu sinh bằng đủ nghề: bán vé số dạo, chạy xe ôm, lượm ve chai, những cụ ông, cụ bà neo đơn không nơi nương tựa…

Ông Võ Văn Bình, 72 tuổi, ngụ khu phố 3, phường 3, thành phố Tây Ninh là người già neo đơn bộc bạch: “Vợ tôi mất, con gái đi lấy chồng xa, tôi già cả, bệnh tật, khi đến chùa nhận cơm chay miễn phí thấy ở đây ai cũng vui vẻ, nhiệt tình. Những suất cơm ngon, nóng khiến tôi được an ủi phần nào”.

Ông Trần Quốc Việt, 69 tuổi, ngụ ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh là người đi bán vé số dạo chia sẻ: “Cơm từ thiện ở đây no mà còn rất ngon. Nhờ vậy mà mỗi tháng tôi cũng tiết kiệm được 40.000 đồng, với người lao động như tôi, được vậy là quý lắm rồi”.

Những phần cơm chay đang được các phật tử cho vào hộp để chuẩn bị phát cho người dân.

Muốn được giúp đỡ nhiều hơn

Để có được những suất cơm giúp đỡ người nghèo không hề dễ dàng, các thành viên phải chuẩn bị mọi thứ từ chiều ngày hôm trước, có khi đến 8 giờ tối mới xong. Vì là cơm chay nên chế biến rất kỳ công và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm giữ gìn sức khoẻ cho mọi người, chưa kể mỗi lần phát hơn 1 ngàn suất cơm cũng rất vất vả.

Đều đặn hằng ngày, với số lượng khoảng hơn 30 người đều là những phật tử của chùa đến phụ nấu, mỗi người mỗi việc chia nhau thực hiện và mặc dù ai cũng đều có công việc bận rộng, nhưng không ai bảo ai, ai cũng vui vẻ thực hiện việc làm thiện nguyện, ý nghĩa này.

 “Tôi cùng chị em nấu cơm ở chùa cũng đã lâu, phải làm việc từ 3 giờ sáng đến 11 giờ trưa mới hoàn tất từ nấu nướng, đóng hộp đến việc phát cơm, mệt thì ai cũng mệt nhưng vui lắm. Thấy bà con mừng khi được nhận cơm, tuy chỉ đủ ăn một bữa nhưng phần nào giúp những người nghèo khó bớt lo toan, tiết kiệm được chi phí. Cũng mong các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa vì còn nhiều mảnh đời thật sự khó khăn cần được giúp đỡ”- bếp trưởng Nguyễn Thị Thi chia sẻ.

Còn bà Phạm Thị Cúc thì vui vẻ nói: “Tuy tuổi đã cao, thấy các con cháu làm việc thiện, ý nghĩa, nên tôi cũng tham gia. Mỗi tháng 2 kỳ nấu nướng, mặc dù phải đến sớm để phụ giúp những công việc nhẹ như nhặt rau, rửa rau, bào củ… nhưng tôi thấy vui lắm”.

Mặc dù rất vất vả phải lo buôn bán, cơm nước cho chồng con đi làm, nhưng với tâm niệm làm việc thiện, chị Tô Ngọc Phượng là tiểu thương vẫn sắp xếp thời gian tham gia đầy đủ 2 kỳ nấu ăn, chị Phượng cho biết: “Chúng tôi làm việc này đều xuất phát từ tấm lòng của mình với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn cho những người nghèo”.

Đông đảo người dân đến nhận chơm chay từ thiện.

Tăng chất lượng cho bữa ăn

Sư thầy Thích Thiện Trí cho biết thêm: “Thời gian tới, chùa từng bước nâng chất lượng bữa ăn chay từ thiện. Trước hết là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn sức khoẻ cho người ăn, tất cả những người phục vụ phải đeo khẩu trang, bao tay.

Trong khẩu phần ăn sẽ tăng thêm nhiều món rau xào, nấu canh rong biển, các loại canh có giá trị dinh dưỡng cao. Chùa cũng sẽ tổ chức nấu thêm nước sâm và thường xuyên thay đổi cách nấu món ăn để hợp khẩu vị hơn như thêm món hủ tiếu chay, mì xào chay để thực đơn phong phú hơn”.

“Bếp cơm từ thiện của chùa Hạnh Lâm là mô hình nhân đạo, rất thiết thực và hiệu quả. Qua đó đã góp phần chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân và thực hiện công tác an sinh xã hội ở địa phương. Mong sao càng có nhiều những tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ cho bếp ăn được duy trì để người lao động nghèo no lòng, ấm dạ, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống”- bà Trần Thị Tuyết Thu- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Điền chia sẻ.

Tố Tuấn - Hà Quang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục