Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Cú sốc cả về cung và cầu do Covid-19 gây ra khiến ADB ước tính tăng trưởng của Việt Nam giảm tốc đáng kể năm 2020.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sáng nay công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2020). Trong đó, tổ chức này nhận định kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch, về cả nguồn cung lẫn nhu cầu. Hàng loạt lĩnh vực, từ chế biến chế tạo, bán lẻ, xuất nhập khẩu đều đi xuống trong quý I.
Tuy nhiên, nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá vững mạnh. GDP năm 2020 được dự báo tăng 4,8%. Nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, tốc độ này sẽ là 6,8% trong năm 2021 – mức dự báo trước đây của ADB cho năm 2020, trước khi Covid-19 xuất hiện. Trong trung và dài hạn, nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
"Dù các hoạt động kinh tế đi xuống và các rủi ro do đại dịch vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á", Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick cho biết.
Công nhân sản xuất khẩu trang trong một nhà máy ở Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần
Đầu tuần này, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo trong kịch bản cơ sở, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục từ giữa quý III, khiến tăng trưởng cả năm 2020 đạt 4,9%. Còn trong kịch bản kém hơn, nếu đại dịch kéo dài đến cuối năm, GDP có thể chỉ tăng 1,5%.
Tuần trước, Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế xã hội trong 3 tháng đầu năm 2019. Theo đó, GDP quý I/2019 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ này giảm mạnh so với cùng kỳ và thấp nhất 11 năm gần đây. Trước đó, Bộ kế hoạch & Đầu tư dự báo, trường hợp xấu nhất, GDP chỉ tăng 5,96% năm nay - thấp nhất 7 năm.
Báo cáo của ADB cũng cho biết lạm phát bình quân năm nay dự kiến ở mức 3,3%, và tiếp tục tăng lên 3,5% năm 2021. ADB cho rằng nếu đại dịch tồi tệ hơn dự báo và đặc biệt nếu giá thịt lợn vẫn tiếp tục cao, áp lực lạm phát có thể tăng. Thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến ở mức 0,2% GDP năm nay, trước khi khôi phục được mức thặng dư 1% GDP vào năm 2021.
ADB nhận định động lực tăng trưởng của nền kinh tế vẫn là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khu vực kinh tế tư nhân năng động. Môi trường kinh doanh trong nước vẫn đang được cải thiện. Chi tiêu công nhằm xoa dịu ảnh hưởng của dịch bệnh đã tăng mạnh trong hai tháng đầu và có thể còn đi lên. Các hiệp định thương mại tự do và Trung Quốc tăng trưởng trở lại cũng sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi.
Dù vậy, tổ chức này cho rằng Việt Nam vẫn cần cải thiện chính sách để hỗ trợ hệ thống đổi mới sáng tạo. "Một hành lang pháp lý thuận lợi, cho phép ươm tạo, nuôi dưỡng việc áp dụng fintech sẽ giúp Việt Nam phát triển các dịch vụ tài chính theo cả chiều sâu và chiều rộng", báo cáo nhận định.
Nguồn VNE